Tiếp cận tiền kỹ thuật số tại Việt Nam và Một số khuyến nghị

Nguyễn Quốc Anh - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương ra đời là tất yếu, được kỳ vọng là xu hướng phát triển mới và là thách thức đối với tiền tệ thế giới. Với xu hướng mới này, những lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn của tiền kỹ thuật số đối với nền kinh tế tài chính đã cản trở sự phát triển của tiền kỹ thuật số ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết này nhằm tìm hiểu các vấn đề cơ bản về xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; phân tích lợi ích và thách thức đối với việc thực thi chính sách tiền tệ; đồng thời trình bày kinh nghiệm phát triển tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương ở một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, có cơ sở thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị trong việc tiếp cận và phát triển tiền kỹ thuật số ở Việt Nam.

Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 từng bước đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tri thức, của sáng tạo và của công nghệ thông tin. Nó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình nghiên cứu, phát triển của tiền kỹ thuật số cũng như các sự kiện liên quan trực tiếp đến tiền kỹ thuật số (Agur et al., 2022).

Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, giao dịch bằng tiền mặt giữa cá nhân ngày càng trở nên hiếm hoi, thúc đẩy các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới đổi mới và sáng tạo đối với khía cạnh thanh toán, quan trọng là tìm ra giải pháp thay thế tiền giấy bằng các loại tiền kỹ thuật số có bản quyền. Tương tự như tiền giấy và tiền xu, tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành phải là đồng tiền pháp định, nghĩa là về mặt danh nghĩa là cố định, có khả năng truy cập toàn cầu và có giá trị giao dịch, thanh toán hợp pháp (Boar et al., 2020).

Ngoài lý do giảm thiểu tối đa việc sử dụng tiền mặt; sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng và khả năng tránh sử dụng tiền giả hay bị lừa đảo, cũng là những tác động tích cực của tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành được các quốc gia quan tâm đến. Ngoài ra, với sự ảnh hưởng tốt của các đồng ổn định được phát hành bởi các tổ chức tư nhân như stablecoin USDT, USDC, DAI... nó tác động phần nào đến hệ thống tài chính quốc gia, do đó NHTW quyết định khởi động các dự án tương tự để giảm thiểu một phần rủi ro (Agur et al., 2022).

Với các quốc gia phát triển, tiền kỹ thuật số của NHTW dần được xem là nhân tố quan trọng trong việc tối ưu hóa hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia; thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và trung gian tài chính; nhằm tích hợp tiền kỹ thuật số vào quá trình thanh toán cơ bản của người dân (Auer & Böhme, 2020).

Cùng với sự phát triển và phổ biến rộng rãi của tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành, Việt Nam nên tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các nước phát triển, từ đó, tận dụng thời cơ để nắm bắt, theo kịp xu hướng toàn cầu mới này. Với sự phát triển của thời đại công nghệ, tiền kỹ thuật số sẽ là một khái niệm không còn xa lạ với tất cả mọi người trong tương lai.

Do đó, cũng như tất cả các quốc gia mở cửa nền kinh tế, Việt Nam cần xem xét, nghiên cứu vấn đề này. Nghiên cứu này tìm hiểu về cơ chế hình thành, cách thức giao dịch của tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành, từ đó nâng cao nhận thức của người đọc về loại tiền tệ này.

Tiền kỹ thuật số

Khái niệm

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tiền kỹ thuật số (digital currency) được xem là “tài sản thể hiện dưới dạng số”, có nghĩa là nó không tồn tại dưới dạng hình thức vật lý như tiền mặt (tiền giấy và tiền xu). Có thể định nghĩa một cách khác, tiền kỹ thuật số là hình thức tiền tệ tồn tại ở dạng cơ sở dữ liệu máy tính, được tạo ra nhằm thế chỗ cho tiền mặt truyền thống, và cần có sự hỗ trợ của phần mềm và hệ thống máy tính kết nối Internet khi sử dụng (Auer và Böhme, 2020).

Bảng 1: So sánh chiến lược phát triển CBDC của 5 quốc gia

 

China

Cambodia

Bahamas

Eastern Caribbean

Nigeria

Mô tả

Dự án được bắt đầu nghiên cứu vào năm 2014 với mục tiêu tăng cường hệ thống thanh toán bán lẻ và chính thức ra mắt vào năm 2021.

Dự án Bakong được tài trợ bởi NHTW Campuchia với mục tiêu cải thiện hệ thống tài chính.

NHTW Bahamas ra mắt đồng tiền số Dollar Sand với mục tiêu cải thiện hệ thống tài chính và khả năng thanh toán.

Quốc gia này phát hành CBDC nhằm giảm chi phí giao dịch đối với các cá nhân không có tài khoản ngân hàng.

NHTW nước này đã ra mắt đồng tiền số e-Naira nhằm thúc đẩy hệ thống tài chính , nâng cao tính an toàn, bảo mật.

Truy cập ngoại tuyến

Không

Không

Không

Hình thức CBDC

CBDC bán lẻ dựa trên mô hình tài khoản (Account-based)

CBDC bán lẻ dựa trên DLT.

CBDC bán lẻ dựa trên DLT.

CBDC bán lẻ dựa trên DLT.

CBDC bán lẻ dựa trên DLT.

Giới hạn giao dịch

Không

Có, mỗi loại ví khác nhau sẽ có giới hạn giao dịch khác nhau.

Có, mỗi tháng giới hạn lưu trữ là $500 và giá trị giao dịch là $1,500.

Không

Có, hàng ngày giới hạn giao dịch và số dư ví đã được quy định.

Mục đích sử dụng

Thanh toán trong nước, thanh toán ngoại tuyến.

Thanh toán trong nước, thanh toán xuyên quốc gia.

Thanh toán trong nước, thanh toán ngoại tuyến.

Thanh toán trong nước, thanh toán xuyên quốc gia.

Thanh toán trong nước.

Các bên liên quan

Các NHTM, NHTW được ủy quyền.

16 ngân hàng, 20.000 người sử dụng.

Các tổ chức tín dụng và ngân hàng, PSPs, MTBs.

Các ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng.

Tổ chức tài chính, nhà bán lẻ, cơ quan chính phủ.

Phát hành và phân bổ tiền

NHTW phát hành CBDC, NHTM chịu trách nhiệm phân bổ tiền tới công chúng.

Tiền được cung cấp bởi NHTW và 16 ngân hàng hiện đang được hỗ trợ thông qua hệ thống và hơn 10.000 người dùng chấp nhận nó, khả năng giao dịch bán lẻ lên đến 2000 giao dịch/giây.

Mặc dù tiền được phát hành bởi NHTW, các tổ chức tín dụng, PSPs, MTBs có thể phân phối tiền tới người dùng. Khách hàng có thể tải xuống ứng dụng để chuyển tiền.

   
 

CBDC được phát hành bởi NHTW và được phân phối bởi các ngân hàng thương mại và tổ chức phi ngân hàng được cấp phép.

CBN sẽ phát hành e-Naira và tài chính các tổ chức sẽ hành động như người trung gian giữa CBN và khách hàng.

     

Kết quả/ Bước tiếp theo

PBOC dự định cải tiến mô hình ứng dụng mới phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, các quy định liên quan đến bảo mật thông tin sẽ tiếp tục được xem xét.

Dự án sẽ mở rộng kinh doanh cho trường hợp phục vụ cho thị trường tài chính. NHTW đang nghiên cứu những tính năng như rút tiền từ máy ATM, tiền gửi có kỳ hạn.

Ngân hàng trung ương đang cộng tác với các bên liên quan để xây dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết để hỗ trợ hệ thống thanh toán.

ECCB dự định giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt xuống còn 50% vào năm 2025 và sử dụng CBDC thay thế.

 
 

CBN hình dung e-Naira như tiền mặt truyền thống nhưng ít tốn kém chi phí hơn, hiệu quả hơn. Nhìn chung, đây là phương tiện thanh toán đáng tin cậy, hy vọng sẽ cải thiện hệ thống tài chính tiền tệ và nâng cao đời sống xã hội trong tương lai.

       

Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu trước

Tiền kỹ thuật số của NHTW (central bank digital currency - CBDC) là tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành có đơn vị tài khoản quốc gia và thể hiện nghĩa vụ nợ của NHTW. CBDC khác với ví điện tử, chuyển khoản hay thẻ thanh toán bởi vì, CBDC thực hiện nghĩa vụ nợ trực tiếp của NHTW, các hình thức khác thể hiện nghĩa vụ nợ của các tổ chức trung gian tài chính (Boar et al., 2020).

Tiền kỹ thuật số và thách thức đối với thực thi chính sách tiền tệ

- Tiền kỹ thuật số của NHTW và bảng cân đối kế toán tài sản các khu vực.

Với sự ra đời của tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành đã dần thay thế tiền giấy, tiền gửi ngân hàng; có tác động rất lớn đến bảng cân đối kế toán của NHTW, nguồn vốn, cấu trúc và hệ thống chính sách tiền tệ của ngân hàng. Trên cơ sở lý thuyết, tiền kỹ thuật số của NHTW có ba mô hình chính, thể hiện rõ sự khác biệt giữa các phương pháp trong việc tiếp cận và tương tác với bảng cân đối kế toán của ba khu vực kinh tế trọng điểm của nền kinh tế: NHTW, NHTM và khu vực phi ngân hàng.

Có hai trường hợp dành cho ba khu vực kinh tế: NHTW, NHTM và khu vực phi ngân hàng: nền kinh tế không có CBDC và nền kinh tế có sự xuất hiện của CBDC. khu vực phi ngân hàng chuyển đổi tiền gửi và trái phiếu sang CBDC, sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến bảng cân đối kế toán của khu vực (Peterson & Ozili, 2022).

Mô hình tiếp cận đại trà này đặt ra một vấn đề vô cùng cấp thiết liên quan đến CBDC. CBDC được coi là một loại tài sản an toàn, do đó, trong thời điểm bất ổn của kinh tế tài chính hay thời kỳ khủng hoảng chính sách tiền tệ thì nhu cầu tìm một nơi trú ẩn an toàn sẽ tăng cao và CBDC là phương án lý tưởng nhất. Kết quả là thị trường trái phiếu chính phủ sẽ bị thắt chặt trong một thời gian dài. Để khắc phục tình trạng đó, NHTW nên cân nhắc mở rộng phạm vi chấp nhận tài sản. Điều này có nghĩa là, bên cạnh trái phiếu chính phủ, các tài sản khác có trong bảng cân đối kế toán của khu vực phi ngân hàng cũng được NHTW xem xét chấp nhận, để có đủ khả năng đảm bảo CBDC.

- Hoán đổi tiền kỹ thuật số và tiền gửi.

Với mô hình CBDC này, cho phép cá nhân hay tổ chức gửi tiền được rút CBDC theo yêu cầu, tương tự như với tiền giấy của NHTW. Khi cá nhân hay tổ chức rút CBDC từ tài khoản tiền gửi, NHTM sẽ ghi nhận số dư tiền gửi giảm và thanh toán CBDC thông qua tài khoản CBDC tại NHTW. Như thế, việc rút CBDC làm bảng cân đối kế toán của NHTM có xu hướng giảm, nhưng đối với cá nhân hay tổ chức gửi tiền, thì chỉ việc chuyển đổi từ tài sản tiền gửi sang tài sản CBDC mà không có thay đổi gì về quy mô bảng cân đối. Nhìn chung, ảnh hưởng đối với bảng cân đối kế toán của NHTM giống như trường hợp rút tiền giấy.

- Thách thức đối với thực thi chính sách tiền tệ

Với việc đảm bảo cho sự hoạt động trơn tru của các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng và đưa ra các giải pháp để đạt mục tiêu này thì CBDC có thể hoạt động như tiền mặt với lãi suất bằng 0% hoặc theo nguyên tắc trả lãi suất âm. Do đó, trong nền kinh tế ổn định, mọi người thường có xu hướng gửi tiền tại các NHTM hơn thay vì là CBDC, bởi tiền gửi tại ngân hàng được trả lãi suất định kỳ. Tuy nhiên, khi xuất hiện những rủi ro, khủng hoảng về kinh tế tài chính hay tình trạng rút tiền khỏi ngân hàng tăng đột biến thì CBDC sẽ là lựa chọn an toàn. CBDC được phát hành và bảo lãnh bởi NHTW, có thể giữ một số lượng lớn mà không có rủi ro mất giá. Vấn đề này sẽ dẫn đến vai trò của NHTM ngày càng giảm, trực tiếp làm suy giảm hiệu quả của hệ thống chính sách tiền tệ.

Một số nghiên cứu khác cho rằng, việc chi trả lãi suất cho tiền kỹ thuật số của NHTW với một mức lãi suất danh nghĩa, có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, cá nhân hay tổ chức có thể lựa chọn giữa việc gửi tiền tại ngân hàng hay nắm giữ CBDC. Lúc này, thúc đẩy các NHTM phải có những chính sách lãi suất tối ưu, để thu hút và giữ chân khách hàng.

Hiện nay, có một số quốc gia phát triển đang có lãi suất đối với CBDC âm như: Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nhật... kết quả là chính sách lãi suất âm sẽ được truyền tải trong nền kinh tế một cách hiệu quả hơn. Do đó, sẽ giúp loại bỏ phần nào vấn đề của chính sách lãi suất giới hạn thấp hơn zero. Hay, lãi suất của CBDC đóng vai trò là công cụ chính của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Trung ương chỉ xem CBDC như một công cụ nhằm hỗ trợ cho tiền mặt thì vẫn còn tồn tại một số giới hạn trong việc truyền tải lãi suất âm. Nếu lãi suất âm của CBDC quá cao, mọi người sẽ lựa chọn giữ tiền mặt thay vì sở hữu CBDC. Bên cạnh đó, với CBDC, các NHTW có thể lựa chọn chính sách nới lỏng định lượng, tăng cung tiền không thông qua trung gian tài chính, như là công cụ giúp bổ sung cho chính sách tiền tệ.

Chiến lược phát triển CBDC tại một số quốc gia tiêu biểu

Hiện nay, trên thế giới có năm quốc gia đã chính thức sử dụng CBDC thay cho tiền mặt trong quá trình giao dịch thanh toán gồm có Trung Quốc, Cambodia, Bahamas, Eastern Caribbean, Nigeria. Dưới đây là bảng so sánh về các chiến lược của các quốc gia này trong việc nghiên cứu và ban hành CBDCs.

Khuyến nghị về việc tiếp cận tiền kỹ thuật số tại Việt Nam

Nhóm các nước phát triển tương đối thận trọng trong việc ban hành tiền CBDC bởi họ lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của NHTM, chính sách tiền tệ của chính quốc gia thậm chí làm thay đổi trong cấu trúc, vận hành hệ thống tài chính quốc gia. Các quốc gia như: Trung Quốc, Bahamas, Thụy Điển tiên phong trong việc phát hành CBDC và đã đạt được những thành tựu tích cực. Nhiều nước khác đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia đi trước trong việc phát hành CBDC, Việt Nam cần có những chính sách mạo hiểm và đột phá hơn, để thực hiện được điều này cần phải dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chuyên sâu và xem xét kỹ lưỡng các yếu tố quan trọng theo các chính sách đã đề ra:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý đối với tiền kỹ thuật số theo nguyên tắc luôn nâng cao vai trò của việc đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng số tại Việt Nam.

Thứ hai, các cơ quan liên quan đến việc thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống dữ liệu, đồng thời cải thiện, nâng cao các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất dữ liệu theo thẩm quyền được duyệt.

Thứ ba, xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng phục vụ cho quá trình phát triển CBDC tại Việt Nam. Nâng cao dân trí số và dân trí về tài chính là nền tảng cho việc liệu CBDC có được chấp nhận bởi công chúng. Vấn đề này cần đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quốc gia nhằm xây dựng chiến lược phù hợp, lâu dài giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thỏa mãn hai tiêu chí dân trí về kinh tế số và dân trí tài chính.

Thứ tư, từng bước thừa nhận đồng tiền kỹ thuật trên nguyên tắc thử nghiệm ở một số khu vực và cho phép giao dịch ở một số điểm nhất định. Song song với đó là nâng cao dân trí của công chúng về CBDC, quản lý nghiêm ngặt về vấn đề gian lận và lừa đảo. Cần ban hành những chủ trương liên quan đến tài chính điện tử và xây dựng nền tảng tài chính số hiện đại, lâu dài. Tăng cường sự hợp tác giữa các NHTM với Fintech và các tổ chức trung gian thanh toán nhằm tạo ra một môi trường ổn định cùng hợp tác, phát triển lâu dài.

Thứ năm, tiến hành nghiên cứu về các tiền đề cho sự phát triển CBDC tại Việt Nam. Trên thế giới đã có rất nhiều nước bắt tay vào việc phát triển đồng tiền này thì Việt Nam cũng phải cần có những sự chuẩn bị nghiêm chỉnh cho việc phát hành CBDC, bởi đây là thực tế tất yếu của quá trình số hóa tài chính tiền tệ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Agur, I., Ari, A., & Ariccia, G. D. (2022). Designing Central Bank Digital Currencies. Journal of Monetary Economics;
  2. Auer, R., & Böhme, R. (2020). The technology of retail central bank digital. BIS Quarterly Review, March, March, 85–100;
  3. Boar, C., Holden, H., & Wadsworth, A. (2020). Impending arrival – a sequel to the survey on central bank digital currency. BIS Paper, 107;
  4. Peterson, K., & Ozili, P. K. (2022). Central bank digital currency research around the World: a review of literature. Journal of Money Laundering Control, 114919.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023