Nâng cao tính ổn định, an toàn, khả năng chống chịu rủi ro cho thị trường chứng khoán

Bảo Thương

Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Phát huy những kết quả đạt được, đến năm 2030, TTCK Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường...

Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN.

Ngày càng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 10 năm qua, TTCK Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng giá trị vốn hoá cao nhất trong khu vực ASEAN (tăng trưởng vốn hóa trên SGDCK Phillipines là 13,3%; SGDCK Thái Lan là 13,1%; SGDCK Indonesia là 10,1%; SGDCK Malaysia là 5% và SGDCK Singapore là 3,8% trong cùng giai đoạn).

Các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đã và đang được cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư (NĐT) và lòng tin của thị trường.

Đồng thời, việc tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế đã giúp TTCK phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, bền vững hơn, thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu, tiêu biểu là Sáng kiến Tài chính xanh, Sáng kiến các SGDCK bền vững… Chủ động và tích cực hội nhập, thông qua các cam kết trong lĩnh vực chứng khoán tại các hiệp định đa phương.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng đang được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả: SGDCK Việt Nam được thành lập;  thực hiện tái cấu trúc mô hình của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh; quy mô và chất lượng các công ty chứng khoán đã phân chia rõ nét, 80% thị phần tập trung vào 27 công ty chứng khoán hàng đầu (có vốn chủ sở hữu trên 1000 tỷ đồng), trên 67% doanh thu toàn thị trường thuộc về 10 công ty chứng khoán lớn nhất và gần 90% doanh thu toàn thị trường thuộc về 20 công ty chứng khoán lớn nhất...

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ đối với các NĐT trong và ngoài nước thể hiện qua số lượng NĐT tham gia vào giao dịch trên thị trường ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 9/2022, số lượng tài khoản giao dịch của NĐT đã đạt trên 6,6 triệu tài khoản, tăng 53,34% so với cuối năm 2021, số lượng tài khoản mở mới luỹ kế 9 tháng đạt 2,3 triệu tài khoản, cao hơn nhiều so với 1,53 triệu tài khoản mở mới năm 2021.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên TTCK được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản chứng khoán. Cơ chế bù trừ đối tác trung tâm đã được hoàn thiện đảm bảo phục vụ cho việc thanh toán; Đề án thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà Việt Nam thông qua và triển khai trong thực tiễn; Triển khai đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến cho NĐT nước ngoài...

Bám sát định hướng để phát triển ổn định

Trong giai đoạn tới, TTCK Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, TTCK Việt Nam cần phát triển theo hướng đồng bộ, thống nhất, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ được sức hút đối với các NĐT trong và ngoài nước.
TTCK Việt Nam ngày càng chứng tỏ được sức hút đối với các NĐT trong và ngoài nước.

Song song với đó, tiếp tục phát triển TTCK về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường; chú trọng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, tiếp cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ổn định, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, khẳng định vị thế là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế..., TTCK Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng cụ thể.

Về quy mô, phấn đấu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 120% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Về số lượng NĐT trên TTCK, đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do NĐT là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ về quản trị công ty, môi trường và xã hội tại các Sở GDCK và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

Tiếp theo, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường, phấn đấu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế; tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Với những định hướng trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề ra một số nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả như: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát, tổng kết thi hành Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật trong giai đoạn 2022–2025; Tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm; Tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung trên cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh.

Phát triển và đa dạng hóa cơ sở NĐT, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; Phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của các tổ chức Hiệp hội, tổ chức phụ trợ...