Kinh nghiệm quốc tế về ưu đãi tài chính thu hút doanh nghiệp FDI


Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

 Phải kết hợp đồng thời các biện pháp, giải pháp đồng bộ thì mới đạt được kết quả thu hút FDI.
Phải kết hợp đồng thời các biện pháp, giải pháp đồng bộ thì mới đạt được kết quả thu hút FDI.

Tăng cường thu hút nguồn vốn FDI thông qua các biện pháp ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài là chính sách luôn được các quốc gia áp dụng. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về ưu đãi tài chính thu hút doanh nghiệp FDI, rút ra gợi ý chính sách cho Việt Nam nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nước ta, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

Giới thiệu chung

Trên thế giới, số quốc gia sử dụng các biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng, hầu như không có quốc gia nào cạnh tranh thu hút FDI mà không dùng bất kỳ hình thức trợ cấp, ưu đãi nào. Trong các biện pháp ưu đãi, ưu đãi tài chính là công cụ được sử dụng phổ biến nhất và là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà nghiên cứu.

Chính phủ dành ưu đãi tài chính cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với mục đích giúp NĐT giảm gánh nặng thuế và nâng cao tỷ lệ thu hồi vốn. Được cấp cho các NĐT nước ngoài dưới dạng gói ưu đãi, các giải pháp ưu đãi tài chính thường bao gồm các biện pháp sau:

- Giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Các DN FDI chỉ phải nộp mức thuế TNDN thấp hơn so với mức thông thường đã được quy định trước đó nếu các DN đáp ứng được các điều kiện do Chính phủ nước nhận đầu tư đặt ra. Thông thường, chính sách này được áp dụng cho các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư mới điển hình như: Hong Kong, Indonesia, Ireland, Lào, Campuchia…

- Miễn thuế: Các DN FDI sẽ được miễn thuế TNDN trong một khoảng thời gian nhất định (3 năm, 5 năm, 10 năm) khi các DN này đáp ứng được các điều kiện của nước nhận đầu tư. Chính sách này thường được áp dụng cho DN mới thành lập. Đây là hình thức ưu đãi thuế phổ biến ở các nước đang phát triển nhằm thu hút DN FDI.

- Chuyển lỗ và khấu hao nhanh: Bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế TNDN, chính phủ các nước nhận đầu tư thường áp dụng thêm chính sách này để tăng cường thu hút FDI. Cơ chế chuyển lỗ cho phép các DN được chuyển lỗ về năm trước hoặc các năm sau. Với các dự án phải chịu lỗ thời gian đầu, NĐT thường chuộng biện pháp này. Cơ chế khấu hao nhanh giúp NĐT giảm gánh nặng thuế ngay trong năm đầu khi họ cần tiền để trả nợ. Singapore là quốc gia đang áp dụng chính sách này rất thành công.

- Giảm thuế xuất nhập khẩu: Giảm thuế xuất nhập khẩu hoặc thuế hải quan được sử dụng như là một biện pháp ưu đãi thu hút NĐT nước ngoài, đặc biệt thường được áp dụng trong các khu chế xuất, nơi các DN nội địa không được tham gia, cụ thể như sau: (i) Miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa thiết yếu có nhu cầu sử dụng lớn đối với nước chủ nhà, những loại hàng hóa mà nước chủ nhà không có khả năng cung ứng toàn bộ hoặc những hàng hóa nhập khẩu cho các dự án với mục đích tạo tài sản cố định ở nước nhận đầu tư; (ii) Miễn giảm thuế nhập khẩu từ các khu chế xuất, các đặc khu kinh tế vào thị trường nội địa, nhằm tăng lượng vốn FDI vào các khu vực này, qua đó tăng nguồn vốn FDI vào trong nước; (iii) Xây dựng từng biểu thuế nhập khẩu riêng biệt cho các loại hình đầu tư khác nhau và có biểu thuế ưu đãi khác nhau cho các DN.

- Giảm thuế với người lao động: Việc giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm chi phí an ninh xã hội cho các nhà quản trị hoặc nhân viên ngoại quốc được coi là một biện pháp hiệu quả để tăng cường thu hút FDI.

- Các ưu đãi giảm thuế khác: Ngoài ưu đãi thuế như trên, Chính phủ một số quốc gia còn áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bất động sản cho các DN FDI. Ngoài ra, các quốc gia còn áp dụng chính sách cho phép các DN FDI lựa chọn hình thức trả gộp một lần, thay vì phải đóng thuế định kỳ, nhằm thúc đẩy hoạt động của họ tại nước nhận đầu tư.

- Cấp tín dụng cho NĐT: Chính phủ có thể lựa chọn để hỗ trợ các NĐT nước ngoài những khoản nợ lãi suất thấp hoặc trợ cấp lãi suất vì những mục tiêu đặc biệt của dự án đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể lựa chọn nới lỏng các chi phí tài chính cho NĐT bằng cách bảo lãnh khoản nợ của họ.

- Hỗ trợ chi phí gia nhập: Bên cạnh việc hỗ trợ các NĐT thanh toán các khoản chi phí thành lập DN, Chính phủ nước nhận đầu tư cũng có thể cùng góp phần chi trả những chi phí thị trường và phát triển, thậm chí trong một số trường hợp cả những chi phí hoạt động thông thường của DN đầu tư. Khoản hỗ trợ chi phí này có thể chuyển trực tiếp cho NĐT hoặc gián tiếp thông qua các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Kinh nghiệm của một số nước về ưu đãi đầu tư tài chính thu hút doanh nghiệp FDI

Trung Quốc

Để thu hút FDI, Trung Quốc xây dựng các đặc khu kinh tế lấy hình mẫu là các khu chế xuất. Mục đích của các khu này không chỉ dừng lại ở việc hướng về xuất khẩu như các khu chế xuất, mà còn khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn khu chế xuất như: Nông nghiệp, công nghiệp, du lịch... Các chính sách ưu đãi áp dụng trong các đặc khu này thời điểm trước tháng 1/1994, cụ thể:

Kinh nghiệm quốc tế về ưu đãi tài chính thu hút doanh nghiệp FDI - Ảnh 1

- Về thuế TNDN: Tại các đặc khu kinh tế, DN FDI chỉ phải chịu thuế TNDN 15% so với mức phổ biến là 33%. Đối với DN có trên 70% sản phẩm xuất khẩu thì mức ưu đãi thuế được áp dụng cao hơn. Những DN nước ngoài sẵn có từ trước khi thành lập đặc khu được giảm thuế suất từ 33% xuống còn 24%, riêng các DN có áp dụng công nghệ cao được hương thuế suất 15%.

- Về thời hạn miễn giảm thuế: Thời gian miễn giảm thuế của các DN liên doanh là 5 năm, của các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài là 3 năm. Với các DN trong đặc khu kinh tế có thời hạn kinh doanh từ 10 năm trở lên, thời hạn áp dụng miễn giảm thuế là 5 năm theo công thức 2+3, tức là miễn thuế 2 năm đầu kể từ khi có lãi và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm tiếp theo. Đối với các DN hoạt động trong ngành Dịch vụ, thời gian miễn, giảm thuế là 3 năm theo công thức 1 + 2.

- Về thuế xuất nhập khẩu: Các DN có vốn đầu tư nước ngoài không phải nộp thuế xuất nhập khẩu đối với các thiết bị sản xuất, nguyên liệu, phụ tùng thay thế, linh kiện hoặc vật dụng khác cho nhu cầu của bản thân DN. Các nguyên liệu, bán thành phẩm được nhập để gia công cho nước ngoài cũng được miễn giảm thuế nhập khẩu. Để khuyến khích xuất khẩu, Trung Quốc áp dụng chế độ "thoái" thu thuế giá trị gia tăng đã nộp, tức là áp dụng mức thuế giá trị gia tăng đầu ra 0% cho hàng xuất khẩu.

Nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và DN FDI, nhiều cải cách trong chính sách thuế đã được Trung Quốc áp dụng từ tháng 1/1994, theo đó, Chính phủ nước này xóa bỏ dần các ưu đãi miễn giảm thuế và chuyển sang hình thức tài trợ cho các trường hợp đặc biệt cần thiết bằng chi ngân sách. Những kinh nghiệm Trung Quốc áp dụng từ khi thu hút FDI đến thời điểm năm 1994 là những bài học quý giá cho các nước muốn tăng cường thu hút FDI như Việt Nam.

Thái Lan

Chính phủ Thái Lan khuyến khích các NĐT nước ngoài hợp tác với các cơ quan nhà nước khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, các dự án sử dụng nhiều lao động, xuất khẩu lao động, xuất khẩu sản phẩm, sử dụng nguyên liệu thô của Thái Lan.
Về thuế nhập khẩu, các DN này được miễn giảm 50% thuế nhập khẩu đối với những sản phẩm mà Thái Lan chưa sản xuất được. Ngoài ra, Thái Lan còn bỏ thuế nhập khẩu máy móc cho 36 loại trong ngành công nghiệp, kể cả ngành điện tử và sản xuất máy bay, bỏ thuế nhập khẩu máy móc, miễn thuế trong 8 năm cho các trung tâm đào tạo hàng hải và các trường quản trị kinh doanh nhằm thu hút NĐT nước ngoài. Về chính sách xuất khẩu, các DN sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu vật tư, phụ tùng, các chi tiết tạm nhập tái xuất, được miễn hoặc giảm thuế lợi tức 5%. Các DN trong khu vực chế xuất được miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư.
Về quản lý ngoại hối, NĐT được chuyển ra nước ngoài các thu nhập, lợi nhuận nhưng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp để cân đối thu - chi. Trong trường hợp này, NĐT được phép chuyển ít nhất 15%/năm trên tổng số vốn đầu tư vào Thái Lan. Thái Lan còn có chính sách đảm bảo đầu tư như cam kết không quốc hữu hóa, không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm thuế thu nhập từ 3 - 8% cho các DN nước ngoài…

Singapore

Singapore áp dụng nhiều hình thức ưu đãi tài chính nhằm thu hút các NĐT nước ngoài, cụ thể như: Không hạn chế chuyển lợi nhuận về nước; miễn toàn bộ thuế TNDN (22%) trong 5 - 10 năm đối với đầu tư trong ngành chế tạo và dịch vụ mới áp dụng kỹ năng công nghệ cao; miễn toàn bộ hoặc một phần thuế trả cho lãi suất đi vay đối với công ty vay tối thiểu là 110.000 đô la Singapore từ nguồn nước ngoài để mua trang thiết bị phục vụ sản xuất; cho phép khấu hao nhanh, nâng mức khấu hao ban đầu thông thường là 20% và mức hàng năm là từ 5 - 20% chi tiêu cơ bản lên khấu hao hàng năm là 33,33% trong 3 năm đối với tất cả máy móc thiết bị. Các DN cũng có thể yêu cầu được khấu hao 100% trong một năm đối với các thiết bị tự động và các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Singapore đã phân loại các DN để áp dụng ưu đãi đầu tư theo 3 loại sau:

- DN mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế lâu dài sẽ nhận được quy chế ưu đãi đặc biệt.

- DN hướng về xuất khẩu sẽ nhận được ưu đãi tỷ lệ thuận với giá trị xuất khẩu. Nếu DN xuất khẩu mỗi năm ít nhất 100.000 đô la Singapore sẽ được miễn tới 90% thuế lợi tức.

- DN mở rộng, nếu đầu tư từ 1 triệu đô la Singapore trở lên sẽ được miễn một phần thuế lợi tức; nếu đầu tư dưới 1 triệu đô la nhưng sản phẩm có chất lượng cao cũng được hưởng ưu đãi về thuế.

Chính phủ nước này cũng dành ưu đãi cho các DN nước ngoài có vốn đầu tư từ 200 triệu đô la Singapore trở lên được hưởng mức thuế doanh thu 10% (thay vì mức chung là 25,5%) trong 10 năm. Những DN mở rộng sản xuất theo quy định được giảm một phần thuế. Nếu sản xuất thua lỗ có thể không phải chịu thuế về chi phí sản xuất trong 3 năm và chuyển số lỗ vào thời gian sau khi có lãi.

Malaysia

Malaysia áp dụng chủ yếu các ưu đãi về thuế nhằm thu hút DN FDI "rót" vốn đầu tư vào nước này, cụ thể là:

- Miễn 70% thuế thu nhập cho các DN có chứng nhận là “công ty buôn bán quốc tế” có 70% vốn sở hữu thuộc về người Malaysia, miễn chi phí sử dụng các sản phẩm dịch vụ như bảo hiểm, tàu bè, cảng đối với các hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

- Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu thô, hàng hóa trung gian cho các hoạt động chế tạo phục vụ xuất khẩu.

- Bãi bỏ thu đối với các mặt hàng điện tử như vô tuyến, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ để giúp các nhà chế tạo trong nước sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà chế tạo khác trong khu vực.

Philippines

Để thu hút FDI, Chính phủ Philipines quy định DN nước ngoài đầu tư vào các ngành mũi nhọn được miễn thuế 4 năm. Các DN được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, phụ tùng thiết bị đưa vào các khu chế xuất và cảng tự do cũng như một số lĩnh vực do luật đặc biệt điều chỉnh.

Kinh nghiệm quốc tế về ưu đãi tài chính thu hút doanh nghiệp FDI - Ảnh 2

Ngoài ra, toàn bộ thu nhập và lãi phát sinh từ kinh doanh đã đăng ký ở ngân hàng trung ương được phép tự do chuyển ra nước ngoài. Nước này không có quy định hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh, có thể lên đến 100% nếu dự án nằm trong khu chế xuất và các dự án có sản phẩm xuất khẩu trên 70%. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines vẫn khuyến khích hình thức liên doanh hơn.

Tóm lại từ việc nghiên cứu các biện pháp ưu đãi tài chính, đặc biệt là các ưu đãi về thuế của các quốc gia nêu trên, có thể thấy, tuy mức ưu đãi tài chính ở các quốc gia là không giống nhau, nhưng nhìn chung, các quốc gia đều ý thức được tầm quan trọng và đưa ra những khuyến khích ưu đãi về thuế để thu hút FDI. Theo đó, chính sách thuế ngày càng được nới lỏng, nhất là đối với những lĩnh vực mũi nhọn, có ý nghĩa lớn với nền kinh tế quốc dân. Trong các quốc gia này, những biện pháp khuyến khích tài chính, ưu đãi thuế được sử dụng ở Trung Quốc và Malaysia là phổ biến hơn và hiệu quả mang lại cũng rõ nét hơn.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chính sách ưu đãi tài chính nhằm tăng cường thu hút FDI của một số nước, có thể rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xem xét rà soát cải cách chính sách thuế theo hướng hợp lý hóa cơ cấu thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế; cải cách quản lý hành chính về thuế, áp dụng các loại thuế tiên tiến phù hợp với nguyên tắc của thị trường và thông lệ quốc tế. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và yêu cầu phải điều chỉnh chính sách thuế càng trở nên cấp thiết vì đến nay, Việt Nam vẫn còn thiên về bảo hộ sản xuất trong nước và khuyến khích xuất khẩu thông qua hệ thống thuế quan và trợ cấp, trong đó có không ít biện pháp không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, thực hiện lộ trình giảm thuế hợp lý và tương thích với đặc điểm kinh tế, có tính tới tương quan và kết cấu mặt hàng xuất nhập khẩu trên các thị trường khác nhau, không làm biến động ngân sách nhà nước, cũng như hài hòa giữa các địa phương trong cả nước.

Thứ ba, điều chỉnh thuế suất hàng hóa tiêu thụ nội địa để bù đắp một phần cho khoản giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu, hướng tới việc cân đối ngân sách nhà nước.

Thứ tư, xác định rõ ràng và cụ thể mục tiêu và đối tượng ưu đãi tài chính. Danh sách các ngành, lĩnh vực được hưởng mức độ ưu đãi đầu tư cao hơn cần được rà soát cẩn thân, kỹ lưỡng để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các NĐT. Sẽ không hợp lý nếu đặt ra quá nhiều mục tiêu cho một ngành riêng lẻ như sử dụng nhiều lao động, sử dụng nhiều vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến, hướng về xuất khẩu…

Đồng thời, xem xét lại việc ưu đãi tài chính đầu tư theo địa bàn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Việc đưa ra quá nhiều ưu đãi tài chính cho các địa phương này vô hình chung tạo ra trách nhiệm xóa đói giảm nghèo cho địa phương lên vai NĐT trong khi quan tâm hàng đầu của NĐT là lợi nhuận. Do đó, chính sách này có thể gây ra tác dụng ngược, làm NĐT không hứng thú khi đầu tư vào những địa bàn này. Do vậy, nên quy hoạch lại các vùng khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho phù hợp với thế mạnh của vùng đó để những ưu đãi đó phát huy được hiệu quả, chứ không nên dành ưu đãi cho tất cả các vùng có khó khăn.
Bên cạnh đó, cần xem xét cụ thể mục tiêu ưu đãi để có chính sách phù hợp, phân biệt rõ ưu đãi cho dự án đầu tư mới hay dự án mở rộng. Nếu Chính phủ muốn tạo thêm công ăn việc làm thì dành ưu đãi cho các dự án mới; nếu muốn đổi mới công nghệ thì dành ưu đãi cho các dự án mở rộng; nếu đơn giản chỉ muốn tăng thêm lượng vốn FDI càng nhiều càng tốt, thì sẽ không cần phân biệt dự án mới hay dự án mở rộng.

Tuy nhiên, nếu khuyến khích ưu đãi đầu tư tài chính quá lớn, thời gian quá dài có thể dẫn đến triệt tiêu lợi ích của nước nhận đầu tư, thì dự án đầu tư đó sẽ trở nên vô nghĩa với nước nhận đầu tư. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, dù áp dụng mạnh mẽ các biện pháp ưu đãi đầu tư nhưng kết quả thu hút đầu tư không được như mong muốn, vì còn do nhiều nguyên nhân như: Chất lượng cơ sở hạ tầng, các mối quan hệ kinh tế quốc tế không thuận lợi… Do đó, phải kết hợp đồng thời các biện pháp, giải pháp đồng bộ thì mới đạt được kết quả thu hút FDI như mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Magnus Bloomstrom and Ari Kokko (2003), The economics of foreign direct investment incentives, Working paper 168, http://www2.hhs.se/eijswp/168.pdf;

2. Charles Oman (1999), Policy competition for foreign direct investment : a study of competition among governments to atract FDI, http://www.oecd.org/dataoecd/37/2/2758457.pdf;

3. http://oecd.org/dataoecd/45/21/2506900.pdf;

4. www.aseansec.org;

5. www.fdi.net/countrydatabase.