Kinh nghiệm xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam
Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với một thách thức cấp bách đó là làm thế nào cân bằng giữa tăng trưởng và sự hữu hạn của tài nguyên trong phát triển kinh tế. Điều này chứng minh rằng, nền sản xuất và tiêu dùng tuyến tính là sự phát triển không bền vững và gây tổn hại cho môi trường. Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn có thể dung hòa được bằng cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. Chính vì vậy, nhiều năm qua, các quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung xây dựng những lộ trình chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn cho quốc gia để hướng tới tăng trưởng xanh. Bài viết khái quát từ nội hàm đến thực tiễn xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới, qua đó, gợi mở một số kinh nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Kinh nghiệm xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của Liên minh châu Âu
Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là ưu tiên phát triển của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay. Tháng 12/2015, EU đã bắt đầu thực thi Kế hoạch hành động về KTTH. Việc chuyển đổi sang nền KTTH là một đóng góp thiết yếu cho nỗ lực của EU nhằm phát triển một nền kinh tế bền vững - nền kinh tế nhằm thúc đẩy việc làm, tăng trưởng và đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đạt được sự cân bằng carbon.
Báo cáo của EU năm 2019 cũng nhận định, KTTH đang là một xu hướng tất yếu và còn rất nhiều khoảng trống để phát triển KTTH trên phạm vi toàn cầu. Tháng 3/2020, EU đã thông qua một chính sách KTTH toàn diện - được gọi là Kế hoạch hành động KTTH (CEAP) - phiên bản mới của CEAP năm 2015 nhằm cân bằng carbon vào 2050. Bản Kế hoạch mới về KTTH có một số mục tiêu cụ thể như: tăng gấp đôi lượng nguyên liệu tái chế vào 2030; đến 2030, các hoạt động KTTH giúp tăng 0,5% GDP và tạo ra 700.000 việc làm mới. Đây được coi là Kế hoạch hành động lớn của khu vực thị trường chung trong quá trình chuyển đổi hướng tới một nền KTTH.
Kế hoạch hành động KTTH vạch ra 54 hành động, cũng như 4 hành động đề xuất pháp luật về chất thải, có chứa mục tiêu chôn lấp, tái sử dụng và tái chế đáp ứng vào năm 2030 và 2035. CEAP của EU không đặt ra mốc thời gian chi tiết nhưng mục tiêu chung là đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học năm 2050.
Mục tiêu đặt ra của Kế hoạch bao gồm: (i) Biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn chung ở EU; (ii) Trao quyền cho người tiêu dùng và người mua; (iii) Tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên nhất và có tiềm năng tuần hoàn cao như: điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, pin, xe cộ, bao bì, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và nước; (iv) Đảm bảo việc phát sinh ít chất thải hơn; (v) Áp dụng KTTH ở tất cả các cấp độ từ cá nhân cho đến vùng, thành phố; Dẫn đầu xu thế toàn thế giới trong việc chuyển đổi sang KTTH.
Theo Kế hoạch năm 2020 của EU, các ngành ưu tiên thực hiện KTTH bao gồm: sản phẩm điện tử, dệt may, sản phẩm nhựa, xây dựng, bao bì sản phẩm, pin và xe cơ giới, thực phẩm. Không chỉ hướng tới thúc đẩy KTTH trong nội bộ EU, bản Kế hoạch năm 2020 của EU cũng thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong thực hiện KTTH qua Chương trình Đồng minh KTTH toàn cầu (Global CE Alliance) và qua các hiệp định thương mại.
Giải pháp cho nền kinh tế tuần hoàn 100% của Pháp
Năm 2016, Pháp là quốc gia dẫn đầu trong tình trạng ô nhiễm nhựa lớn nhất khu vực Địa Trung Hải. Không chỉ vậy, hàng năm, số sản phẩm không bán được trị giá 630 triệu EUR sẽ bị tiêu hủy ở Pháp. Khi những sản phẩm hoàn toàn tốt bị tiêu hủy một cách không cần thiết thì năng lượng và tài nguyên dùng để sản xuất những hàng hóa này cũng bị lãng phí. Việc tiêu hủy hàng hóa không bán được tạo ra lượng khí thải nhà kính cao gấp 5 đến 20 lần so với việc tái sử dụng. Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và 9,3 triệu người sống trong cảnh nghèo đói ở Pháp, lãng phí không cần thiết ngày càng được coi là một vấn đề kinh tế và xã hội.
Để giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội này, vào tháng 4/2018, Bộ Chuyển đổi Sinh thái và Đoàn kết, Cộng hòa Pháp đã ban hành Lộ trình KTTH của Pháp: 50 biện pháp cho nền KTTH 100%.
Tài liệu vạch ra lộ trình để đạt được tiến bộ nhanh chóng hướng tới các mục tiêu của Kế hoạch Khí hậu trong các vấn đề liên quan đến nền KTTH. Đó là kết quả của nghiên cứu xoay quanh 4 chủ đề: lãnh thổ, nhựa, tiêu dùng/sản xuất bền vững và các công cụ kinh tế. Đồng thời, một nền tảng trực tuyến được mở ra để thu thập ý kiến của người dân. Lộ trình của Pháp bao gồm 50 biện pháp hướng tới nền KTTH 100%, được chia thành 4 lĩnh vực ưu tiên chính: (1) Lộ trình để sản xuất tốt hơn; (2) Lộ trình tiêu dùng tốt hơn; (3) Lộ trình quản lý chất thải tốt hơn; và (4) Lộ trình huy động mọi chủ thể
Việc thực hiện lộ trình để thực hiện các mục tiêu: Một là, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên liên quan đến tiêu dùng của Pháp, cụ thể, giảm 30% tiêu thụ tài nguyên so với GDP trong giai đoạn 2010 – 2030; Hai là, đến năm 2025, lượng rác thải không nguy hại được chôn lấp giảm 50% so với năm 2010; Ba là, hướng tới 100% nhựa được tái chế vào năm 2025; Bốn là, giảm phát thải khí nhà kính: tránh phát thải thêm 8 triệu tấn CO2 mỗi năm nhờ tái chế nhựa; Năm là, tạo thêm tới 300.000 việc làm, bao gồm cả các ngành nghề mới.
Năm 2020, nhằm mục đích loại bỏ chất thải và ô nhiễm từ giai đoạn thiết kế và chuyển đổi hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH, Chính phủ Pháp đã thông qua Luật Chống lãng phí toàn diện. Luật khuyến khích các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phố và người dân khác nhau loại bỏ chất thải và áp dụng các biện pháp tuần hoàn hơn.
Mô hình xây dựng xã hội tuần hoàn vật chất và Kế hoạch Tầm nhìn kinh tế tuần hoàn 2020 của Nhật Bản
Tại Nhật Bản, các hoạt động có tính tuần hoàn bắt đầu từ rất sớm nhưng chỉ mang lại kết quả khi Luật Sử dụng hiệu quả vật liệu tái chế được thực hiện vào năm 1991. Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ban hành luật liên quan đến KTTH. Các chiến lược được sử dụng là để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao, điều chỉnh năng lượng cơ cấu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các ngành công nghiệp hàm lượng tri thức cao. Năm 2007, 98% kim loại của Nhật Bản được tái chế và chỉ 5% chất thải được chôn lấp, việc thực thi trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc trả lại thiết bị điện dẫn đến việc thu hồi khoảng 74% - 89% vật liệu.
Việc thực hiện KTTH ở Nhật Bản tuân theo cách tiếp cận từ trên xuống, sử dụng luật pháp và quy định. Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý toàn diện cho quá trình chuyển đổi đến một xã hội công nghiệp, sau này trở thành mô hình sinh hoạt quốc gia. Các bước quan trọng được thực hiện bởi Chính phủ Nhật Bản đảm bảo tính tuần hoàn trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm: Tổ chức các khóa học nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường trong trường học, công ty và cộng đồng, là nền tảng cho sự phát triển KTTH; Cung cấp phòng thí nghiệm tái chế trong trường học; Cung cấp thị trường thương mại tuần hoàn cho doanh nghiệp; Cung cấp các biện pháp khuyến khích, tăng cường hợp tác công cộng và tạo ra bộ sưu tập thân thiện với khách hàng của các thiết bị cũ; Cung cấp trạm tái chế chất thải.
Kế hoạch Tầm nhìn năm 1999 sau này đã được Chính phủ Nhật Bản thay thế bằng Kế hoạch Tầm nhìn KTTH 2020 với nhiều nội dung toàn diện và chi tiết hơn. Ngoài ra, Kế hoạch này xác định được sự chuyển đổi sang nền KTTH là một nguồn lực cạnh tranh để đạt được những tiềm năng mới, điều này cũng dẫn đến nâng cao tính bền vững của các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn trung và dài hạn. Một trong những điểm mạnh của Nhật Bản là các hoạt động công nghiệp tự nguyện hoạt động rất hiệu quả.
Bài học về lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Để hướng tới xây dựng nền KTTH, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều văn bản pháp quy, chiến lược, định hướng quan trọng, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Chủ trương về phát triển KTTH ở Việt Nam đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040. Hệ thống chính sách, pháp luật đang dần được hoàn thiện để xây dựng lộ trình phát trình phát triển KTTH với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường.
Để xây dựng được lộ trình phát triển KTTH một cách hiệu quả nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền KTTH tại Việt Nam, qua kinh nghiệm xây dựng lộ trình của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần thực hiện hiệu quả một số yêu cầu sau:
Một là, vai trò lãnh đạo và hoạch định chính sách. Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số quốc gia tiêu biểu về thực hiện KTTH cho thấy vai trò to lớn của những người lãnh đạo. Khi có các kế hoạch, chiến lược hoặc lộ trình cụ thể, các doanh nghiệp biết sớm khai thác sự chậm chạp và thiếu hiệu quả của hệ thống kinh tế hiện tại bằng KTTH sẽ thu được lợi ích tích cực. Nền tảng thúc đẩy nền KTTH cần có sự cam kết của lãnh đạo và các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư mới có thể tạo ra các vòng tuần hoàn khép kín, tạo điều kiện thuận lợi cho nền KTTH, định hướng và thúc đẩy đổi mới và đầu tư.
Qua nghiên cứu KTTH ở Việt Nam nhận thấy việc thể chế hóa KTTH vào hệ thống chính sách, pháp luật ở Việt Nam là đúng và phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Đặc biệt, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường xác định việc xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện KTTH là phù hợp. Từ các kinh nghiệm quốc tế kể trên, có thể thấy việc thể hiện lộ trình bằng Kế hoạch hành động Quốc gia của Việt Nam là phù hợp với xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần cụ thể hơn nữa về các quy định cụ thể về các mục tiêu phải thực hiện; bổ sung hệ thống luật pháp liên quan đến thuế, về bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với đó xây dựng lộ trình với các ưu tiên cụ thể và thành lập cơ quan điều phối liên ngành để lồng ghép các mục tiêu, giải pháp và chiến lược có liên quan của KTTH vào hệ thống tiêu chuẩn của các ngành, lĩnh vực là hết sức cần thiết.
Hai là, tận dụng thành tựu của khoa học - công nghệ. Qua kinh nghiệm phát triển của các quốc gia hiện đại, Việt Nam nhận thấy sự phát triển KTTH đều gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số. Năm 2019, kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỷ USD (khoảng 5% GDP), gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Chính vì vậy, KTTH khi được số hóa sẽ được hỗ trợ đắc lực bởi công nghệ số, trở thành cách thức mới để phát triển bền vững, xanh cả về quy mô, mức độ và tốc độ.
Ba là, thúc đẩy hợp tác toàn xã hội. Hiện nay, mới có 9% nguồn lực đưa vào nền kinh tế được tái sử dụng. Cần huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền KTTH. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện KTTH, cần kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan quan lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân tham gia thì mới có thể đạt được thành công trong quá trình triển khai. Theo đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về sự tham gia của những đối tượng này trong phát triển KTTH. Mặt khác, cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thành công và kết nối mọi thành phần xã hội cùng tham gia.
Tài liệu tham khảo:
- Tổ chức JICA tại Việt Nam (2022), "Báo cáo Kỹ thuật Điều tra, khảo sát xây dựng Khung Kế hoạch hành động Quốc gia về Kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam," JICA - ISPONRE, Hà Nội;
- Benton,D.; Hazell,J. (2015), The Circular Economy in Japan, https://www.the-ies.org/ analysis/circular-economy-japan;
- Cộng hòa Pháp, 50 measures for a100% circular economy, https://circulareconomy.europa.eu/platform/sites/default/files/18061-gb_frec_complet.pdf?_cldee=aW5mb0Bjb21wb3N0bmV0d29yay5pbmZv&recipientid=contact-2a2e9de21ba5e711ba5f005056a050702788470688b24854ab8b9dceb84ea0f6&esid=1f022695-3884-e811-8113-005056a043ea&urlid=17;
- Ellenmacarthurfoundation (2022), France anti waste and circular economy law, https://ellenmacarthurfoundation.org/circular-examples/frances-anti-waste-and-circular-economy-law#;
- European Union (2022), The EU’s circular economy action plan, https://ellenmacarthurfoundation.org/circular-examples/the-eus-circular-economy-action-plan.