Kinh tế Anh đương đầu thách thức lớn


Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất được dự báo có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023. Những thỏa thuận còn dang dở sau ba năm rời Liên minh châu Âu (EU), lạm phát tăng cao, thị trường lao động chưa kịp phục hồi sau đại dịch… khiến bức tranh kinh tế của Xứ sở sương mù ảm đạm hơn so với các nước trong khu vực.

Người dân mua sắm trong khu chợ tại London, ngày 15/1/2021. Ảnh: REUTERS
Người dân mua sắm trong khu chợ tại London, ngày 15/1/2021. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đánh giá việc rời EU, hay còn gọi là Brexit đã mang lại cho Anh cơ hội lớn, qua đó gặt hái những thành tựu quan trọng.

Theo Thủ tướng Sunak, rời EU, nước Anh đã tạo ra con đường trở thành một quốc gia độc lập với những tiến bộ mạnh mẽ, như quá trình triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất châu Âu, việc ký kết các thỏa thuận thương mại với hơn 70 quốc gia và việc giành lại quyền kiểm soát biên giới. Chính quyền London có cơ hội thực hiện các ưu tiên về tăng trưởng, thúc đẩy việc làm và giúp người dân Anh cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhận định trên được Thủ tướng Sunak đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang đối mặt hàng loạt thách thức, khi hàng nghìn công nhân phát động làn sóng đình công đòi nâng lương trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế Anh phải gánh chịu thiệt hại về số ngày làm việc do các cuộc đình công trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2022 nhiều hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong 30 năm trước đó. Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, lạm phát lương thực ở Anh đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới 16,7% trong bốn tuần đầu tiên của năm 2023.

Trong khi đó, cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua giữa Anh và EU về vấn đề Bắc Ireland dù đạt tiến bộ, song chưa ngã ngũ. Nhiều chuyên gia ví Nghị định thư Bắc Ireland, vốn là một phần quan trọng trong Brexit, như “gót chân Achilles” trong quan hệ giữa EU và Anh.

Theo Nghị định thư, vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung châu Âu nhằm tránh phải thiết lập “biên giới cứng” với Cộng hòa Ireland, một thành viên của EU. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm soát hàng hóa trước khi vào vùng Bắc Ireland khiến việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đối tác EU ngần ngại hơn khi làm ăn với các công ty Anh. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc hàng hóa hỏng trước khi thủ tục hải quan được giải quyết xong.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh mới đây cho biết, Anh và EU chưa đạt thỏa thuận mới nào về vấn đề Bắc Ireland, bác bỏ tin tức mà truyền thông đưa về việc nước này và EU đã đạt thỏa thuận hải quan có thể giúp chấm dứt tranh cãi thời hậu Brexit. Quan chức này nêu rõ: Còn nhiều việc phải làm trong nhiều lĩnh vực, do vẫn còn khác biệt đáng kể trong lập trường của Anh và EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) cũng xác nhận, hai bên chưa đạt thỏa thuận nào liên quan tới Bắc Ireland, song EU đang có cuộc đối thoại rất xây dựng với Anh.

Theo phân tích của Bloomberg Economics, nền kinh tế Anh hiện thấp hơn khoảng 4% so với mức nếu nước này ở lại EU. Kinh tế Anh đã mất khoảng 100 tỷ bảng Anh (124 tỷ USD) mỗi năm sau khi chính thức rời khỏi EU năm 2020. Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU và dù đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine có gây ra những tác động tiêu cực thì cũng chỉ trong ngắn hạn, trong khi tác động của Brexit sẽ kéo dài.

Kết quả khảo sát của Công ty phân tích dữ liệu YouGov cho thấy, số cử tri trước đây bỏ phiếu ủng hộ Brexit hiện nay cho rằng việc Anh rời EU là sai lầm đã tăng liên tục kể từ năm 2021 và lên mức cao kỷ lục 19% vào tháng 11/2022. Cả Anh và EU đều cảm nhận rõ những tác động tiêu cực từ sau khi Anh rời đi.

Tuy nhiên, Brexit đã xảy ra và giờ là lúc hai bên tập trung tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn, cùng có lợi trong tương lai, nhất là trong bối cảnh cả nền kinh tế Anh lẫn EU đều đứng trước thử thách khó lường.

Theo Đinh Trường/nhandan.vn