Kinh tế Anh tăng trưởng 0,5% dù bị tác động của Brexit

Theo thoibaonganhang.vn

Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa công bố số liệu cho hay nền kinh tế Vương quốc Anh tăng trưởng 0,5% trong quý III/2016 - quý đầu tiên sau khi cử tri nước này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Sở dĩ nền kinh tế “xứ sở sương mù” đạt được nhịp độ tăng trưởng cao hơn mức dự báo 0,3% là nhờ lĩnh vực dịch vụ (tăng 0,8% trong quý vừa qua).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng của kinh tế Anh tuy khá khả quan nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 2,3%) và quý II/2016 (0,7%). Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s nhận xét rằng về cơ bản, nền kinh tế Anh đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái nhưng tác động của Brexit đối với nước này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường GfK, có trụ sở tại Đức, công bố kết quả khảo sát cho thấy tâm lý của người dân Anh trong tháng 10/2016 giảm xuống, trong bối cảnh đồng bảng Anh mất giá bắt đầu tác động đến túi tiền của họ, qua đó làm dấy lên những lo ngại về sức tăng trưởng của hoạt động chi tiêu tiêu dùng trong tương lai.

Chuyên gia phân tích Joe Staton của GfK nhận định người dân Anh dù đang được hưởng lợi từ môi trường lãi suất và lạm phát thấp, song đồng bảng Anh sụt giảm mạnh đang làm dấy lên lo ngại rằng giá cả sẽ tăng và tác động đến đời sống người dân trong năm 2017.

Đồng bảng Anh đã để mất gần 20% giá trị so với đồng USD kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Nhiều nhà kinh tế cho biết lạm phát tại nước Anh đã tăng lên 1% trong 12 tháng tính đến tháng 9/2016 và có thể chạm mức 3% vào cuối năm 2017.

Về vấn đề ngân sách, mới đây, Viện nghiên cứu độc lập Resolution Foundation (Anh) nhận định triển vọng kinh tế kém khả quan sau cuộc trưng cầu dân ý, nguồn thu từ thuế giảm trong khi chi tiêu ngân sách gia tăng là các yếu tố sẽ khiến cho Chính phủ Vương quốc Anh phải tìm cách tiết kiệm hoặc vay mượn thêm số tiền tổng cộng lên tới 84 tỷ bảng, để cân đối ngân sách trong 5 năm tới.   

Báo cáo của các hiệp hội kinh doanh công bố gần đây cũng cho thấy một lượng lớn doanh nghiệp đã trì hoãn các quyết định đầu tư cho tới khi Chính phủ nước Anh đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về lập trường đàm phán của London trong các cuộc thương thảo về Brexit.    

Hầu hết các nhà dự báo kinh tế cho rằng đầu tư tại nước Anh sẽ sụt giảm trong vài năm tới, kèm theo đó là lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Những yếu tố này sẽ kéo nhịp độ tăng trưởng GDP của “xứ sở sương mù” xuống khoảng 1% trong năm 2017, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 2,2% mà Văn phòng Ngân sách (OBR) đưa ra hồi tháng 3/2016.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính nước Anh Philip Hammond đã đề cập tới khả năng gia tăng vốn đầu tư ở một số lĩnh vực ngành nghề nhất định, ví dụ như cơ sở hạ tầng, để hỗ trợ nền kinh tế về ngắn hạn. Bộ trưởng Hammond khẳng định sẽ nỗ lực tháo gỡ vấn đề thâm hụt ngân sách, một nhiệm vụ không dễ dàng trong lúc phải thực thi các cam kết của Thủ tướng Theresa May về hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và giảm bớt nỗi lo ngại của các doanh nghiệp về tác động của Brexit.