Nhiều chương trình nghị sự “nóng” từ cuộc họp mùa Thu của WB và IMF

Theo baoquocte.vn

Từ 7-9/10, tại thủ đô Washington (Mỹ) sẽ diễn ra Hội nghị thường niên mùa Thu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hội nghị thường niên mùa Thu 2016 của WB và IMF sẽ diễn ra từ 7-9/10, tại thủ đô Washington, Mỹ.
Hội nghị thường niên mùa Thu 2016 của WB và IMF sẽ diễn ra từ 7-9/10, tại thủ đô Washington, Mỹ.

Hội nghị được coi là cơ hội mở ra triển vọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Căng thẳng Brexit

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương 189 nước thành viên WB và IMF sẽ thảo luận nhiều vấn đề lớn và cấp bách như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vấn đề cải cách WB và IMF và đặc biệt là những tác động kinh tế khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit, các vấn đề của Ngân hàng Trung ương Đức, nguy cơ khủng hoảng chính trị và kinh tế gây chia rẽ khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Thượng viện Italy cũng như ngăn chặn “làn sóng” phản đối tự do hóa thương mại.

Hội nghị này diễn ra vào thời điểm cử tri Anh vừa bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Trước cuộc trưng cầu dân ý này, IMF từng bi quan rằng Brexit sẽ đánh dấu năm 2016 giống như sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 – sự kiện đã gây cú sốc và ảnh hưởng lớn tế toàn cầu.

Tuy nhiên, những lo ngại này đã tỏ ra không mấy cơ sở khi nước Anh dường như không dễ bị suy thoái như dự báo của IMF. Sau khi cử tri Anh lựa chọn Brexit, giá nhà đất đã không sụt giảm và thị trường chứng khoán cũng không có nhiều biến động. Đối với các Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch WB và Tổng Giám đốc IMF, triển vọng kinh tế Anh được coi là một điểm sáng hiếm hoi.

Dù nâng dự báo ngắn hạn về kinh tế Anh nhưng IMF vẫn cho rằng tác động dài hạn sẽ tiêu cực nếu chính phủ của Thủ tướng Theresa May ưu tiên kiểm soát người nhập cư hơn là duy trì tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Trong cuộc họp sắp tới, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ kêu gọi Anh tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế, đồng thời cảnh báo sẽ có những xáo trộn mới đối với cả Anh và các nước EU khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon - thủ tục chính thức đầu tiên cho việc Anh rời khỏi EU trước cuối tháng 3/2017 chính thức được kích hoạt. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng sẽ trình bày triển vọng kinh tế Anh và điều này có thể sẽ giúp người đứng đầu IMF bớt bi quan hơn về khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Làn sóng phản đối tự do hóa thương mại

Bên cạnh nỗi lo từ Brexit là nỗi lo thường trực của WB và IMF về làn sóng phản đối tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu. Cách đây 10 năm, kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức 5%, thành quả cao nhất kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới của WB và IMF cho biết trong năm 2016 kinh tế thế giới được dự báo sẽ chỉ tăng ở mức 3%, chủ yếu nhờ thành quả của các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Sự bi quan của WB cũng như IMF về Brexit chính là xuất phát từ lo ngại rằng sự kiện này sẽ biến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm và lạm phát thấp hiện nay thành suy thoái kinh tế và giảm phát.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang yếu, bất chấp các nỗ lực của các ngân hàng trung ương như cắt giảm lãi suất kỷ lục và liên tiếp nới lỏng định lượng nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Tổng Giám đốc IMF Lagarde cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng cần cách tiếp cận ba chiều gồm các gói kích cầu, cắt giảm thuế và cải cách cấu trúc.

IMF cũng cảnh báo về sự suy giảm của toàn cầu hóa do các cuộc biểu tình phản đối tự do hóa thương mại tại nhiều nước, bế tắc của các đàm phán giữa Mỹ và EU về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và cuộc trưng cầu về Brexit. Theo Tổng giám đốc IMF, việc phản đối tự do hóa thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng. Và tại hội nghị mùa Thu của WB và IMF cuối tuần này, Chủ tịch WB và Tổng giám đốc IMF sẽ kêu gọi các nước thành viên ủng hộ tự do hóa thương mại.

Nhiều chương trình nghị sự “nóng” khác

Tại cuộc họp sắp tới, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương 189 nước thành viên WB và IMF cũng sẽ thảo luận “công thức năng động” mới cho việc góp vốn của các cổ đông.

Trước đó, một báo cáo của WB và IMF đã cho biết về những bất đồng trong việc làm thế nào để công thức này cân bằng giữa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các đóng góp cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). 

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tương lai của WB thông qua tiến trình “Nhìn về phía trước” của ngân hàng này trong đó bao gồm ba thách thức chính gồm những thay đổi của môi trường bên ngoài, khả năng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) thích nghi với những thay đổi của môi trường bên ngoài và khả năng tài chính của WB.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư đáng lo ngại ở các nước châu Âu và việc WB ngày càng tập trung vào những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, WB sẽ làm phải làm rõ giá trị của việc mở rộng sang các lĩnh vực liên quan như di cư bắt buộc.

Kể từ cuộc họp mùa Xuân của IMF và WB, khi vực Trung Đông Bắc Phi đang trở thành nơi tiếp nhận nhiều nhất số tiền cho vay của IMF, vượt cả châu Âu. Vai trò của IMF trong khu vực đã làm gia tăng những lo ngại về bảo vệ xã hội.

Tháng 8 vừa qua, WB cũng đã thông qua khuôn khổ về môi trường và xã hội mới, gồm các chính sách nhằm ngăn chặn việc các dự án của WB gây hại đến con người và môi trường. Bất chấp một tiến trình dài, xã hội dân sự vẫn chưa hài lòng và tiếp tục cáo buộc WB chưa thực sự có trách nhiệm và chưa bảo vệ tốt cộng đồng. Điều này cũng trở thành vấn đề nóng trong chương trình nghị sự sắp tới của WB và IMF.

Với một chương trình nghị sự dày đặc các vấn đề cấp thiết, cuộc họp mùa Thu của WB và IMF được kỳ vọng sẽ tìm ra lối thoát cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như những nguy cơ mới đối với đà tăng trưởng chậm hiện nay.