Kinh tế khó khăn, Trung Quốc tập trung vào khu vực tư nhân
Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố niềm tin của khu vực tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Theo một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cần phải đưa ra những học thuyết mới để phù hợp với nền kinh tế tư nhân ở Trung Quốc, như một phần trong những động thái quan trọng nhằm xoa dịu tâm lý lo ngại của các doanh nhân và xây dựng lại niềm tin của họ.
Ông Teng Tai, thành viên của một tổ chức nghiên cứu thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi thực sự cần những định hướng mới để giải thích rõ ràng bản chất và sự đóng góp của khu vực tư nhân, vai trò của khu vực này trong việc đóng góp vào sự thịnh vượng chung và mối liên hệ của nó với khu vực nhà nước”.
“Nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển mạnh nếu các công ty tư nhân có thể phát triển mạnh”, ông Teng nhấn mạnh trong một bài đăng trên cổng thông tin Trung Quốc Sina tuần trước.
Bắc Kinh cũng thường nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân, vốn chiếm hơn một nửa nguồn thu thuế của cả nước; 60% tổng sản phẩm quốc nội, đầu tư tài sản cố định và đầu tư trực tiếp nước ngoài; và hơn 80% việc làm ở thành thị.
Nhưng các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt các quy định nghiêm ngặt cũng như do các biện pháp hạn chế bởi chính sách Zero Covid gây ra.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) thừa nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt. “Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do người dân dè dặt trong chi tiêu. Đồng thời, việc thiếu niềm tin vào các doanh nghiệp và nhu cầu thị trường yếu có thể dẫn đến một chu kỳ suy yếu kinh tế Trung Quốc”, báo cáo của NDRC cho biết.
Các nhà chức trách đã cam kết hỗ trợ cho các công ty tư nhân, cũng như hứa sẽ làm khu vực này “lớn hơn, tốt hơn và mạnh hơn”. Trước đó, NDRC thông báo thành lập một văn phòng để điều phối các chính sách giữa các cơ quan chính phủ khác nhau nhằm giúp phát triển khu vực tư nhân, nơi tạo ra hầu hết việc làm mới và sự năng động kinh tế.
Tuy nhiên, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và các công ty có vốn nước ngoài, sẽ là nhiệm vụ then chốt đối với giới lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên được tổ chức vào tháng 12 tới tại Bắc Kinh - để vạch ra định hướng kinh tế và chính sách cho năm tới.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, nhận định những hành động gần đây của chính phủ Trung Quốc chưa đủ vực dậy niềm tin ở khu vực tư nhân. “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải thực hiện các hành động cụ thể trên hai mặt trận: gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn tới các công ty tư nhân và làm cho quá trình phục hồi ở thời kỳ hậu Covid của Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông nói.
Đồng quan điểm, trao đổi với SCMP, ông Yang Weimin, nguyên Trợ lý của cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Văn phòng Nhóm lãnh đạo các vấn đề kinh tế và tài chính cho rằng, Bắc Kinh cần cung cấp hỗ trợ chính sách nhiều hơn.
“Chính phủ phải nêu rõ vai trò của khu vực tư nhân, cũng như cần đưa các biện pháp cụ thể và khung pháp lý dễ dự đoán, dựa trên quy tắc và được truyền đạt tốt hơn để tạo ra những kỳ vọng ổn định cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ”, ông Yang Weimin nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông đại lục Caixin vào tháng 10.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ khối tư nhân trong các ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với nhà nước, như sản xuất trang thiết bị cao cấp, năng lượng tái tạo và nông nghiệp.