Kinh tế năm 2014 sẽ sáng hơn
(Tài chính) Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô ổn định hơn so với các năm 2012 song chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ.
Một yếu tố nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn thâm hụt ngân sách cao. Tổng thu của Việt Nam liên tục giảm trong 2 năm gần đây. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng thu trên GDP của Việt Nam đã giảm từ 28,6% trung bình trong giai đoạn 2006-2010 xuống còn 27,7% năm 2011 và 25,5% năm 2012.
GS., TS. Trần Thọ Đạt - Đại học Kinh tế Quốc dân, thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, khi Việt Nam theo đuổi các chính sách mở rộng tài khóa nhằm tránh suy giảm kinh tế. Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt, là do chi ngân sách nhà nước quá cao và chưa được hạch toán đầy đủ. Trong 6 tháng đầu năm 2013, dù nguồn thu ngân sách từ dầu thô tăng đáng kể nhờ sự lên giá của giá dầu trên thế giới, nhưng do hoạt động kinh tế trong nước tăng chậm, khiến cho tình trạng thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn, lên tới 6,1% GDP.
Thâm hụt ngân sách được dự báo vẫn ở mức cao 4,8-5% do kinh tế trong nước tăng trưởng chậm trong khi việc cắt giảm các khoản chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên gặp khó khăn. Một điểm đáng lưu ý, cách hạch toán của Việt Nam hiện nay chưa theo thông lệ quốc tế. Nhiều khoản chi ngân sách từ nguồn trái phiếu chính phủ cho các dự án giáo dục, y tế, thủy lợi… được để ngoại bảng, không tính vào chi tiêu ngân sách nhà nước. GS. Đạt cho rằng: “Sự thiếu nhất quán trong cách hạch toán tài khóa khiến các con số thống kê không phản ánh chính xác về thực trạng chi tiêu ngân sách của Việt Nam”.
Theo TS. Trần Du Lịch, thâm hụt ngân sách trở thành nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong năm nay, địa bàn TP.Hồ Chí Minh ước thu ngân sách hụt gần 20 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng chi công không hề giảm.
TS. Trần Du Lịch cho rằng: ‘Thâm hụt ngân sách đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015. Vấn đề này phải được đặt lên bàn nghị sự kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cuối nhiệm vụ của năm 2014 và 2015 là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung, dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI), trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp nhà nước là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.
Tuy nhiên, theo dự báo của TS. Trần Du lịch, năm 2014, nền kinh tế chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, nhưng sẽ sáng hơn năm 2012 và 2013, tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng?