Kinh tế tài chính khởi đầu một năm tốt đẹp

PV.

(Tài chính) Theo báo cáo số liệu thu - chi NSNN và thống kê về huy động vốn trên toàn quốc, ngay từ tháng đầu tiên, đã cho thấy dấu hiệu của một năm kinh tế khả quan, ngành Tài chính có thể hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình kinh tế - xã hội:

Sang năm 2015, ngay từ tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những điểm sáng tích cực: 

- CPI tháng 1 tiếp tục giảm (-) 0,2% so với tháng trước, chỉ tăng (+) 0,94% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tác động từ nhóm giá giao thông vận tải do giá dầu giảm. Lạm phát không tăng ngay cả trong bối cảnh Tết Âm lịch đang tới gần.

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 17,5%, tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%.

- Xuất nhập khẩu: Tháng 1/2015 nhập siêu 522 triệu USD. Riêng xuất khẩu của khu vực FDI vẫn tăng mạnh và cao hơn khu vực trong nước. Xuất khẩu đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng 35,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất (sắt thép, điện tử, linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy).

- Thị trường chứng khoán có bước phục hồi, tính đến 29/1, so với cuối năm 2014, VN-Index tăng 6,9% (đạt 583,28 điểm, tăng 37,65 điểm) và HNX-Index tăng 4,8% (đạt 86,95 điểm, tăng 3,97 điểm).

- Tính đến 20/1/2015, số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc là 486.455 doanh nghiệp, tăng 3.840 doanh nghiệp (0,8%) so với thời điểm 31/12/2014.

Tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước tháng 1/2015:

* Về thu ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1 ước đạt 89,1 nghìn tỷ đồng, bằng 9,8% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó:

- Thu nội địa: ước đạt 69,9 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn yêu cầu tiến độ thu bình quân 1 tháng theo dự toán (khoảng 8,3%). Trong đó: có 7/14 khoản thu ước đạt cao hơn tiến độ thu theo dự toán, đây là các khoản thu từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh (như: thu từ khu vực kinh tế quốc doanh đạt 10,6% dự toán, tăng 18,6% so cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,2% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 13% dự toán, tăng 6,8% so cùng kỳ; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 9,7% dự toán, tăng 3,8% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 11,7% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ); còn lại 7/14 khoản thu đạt dưới yêu cầu, chủ yếu là các khoản thu nhỏ, số thu không ổn định hoặc chưa đến kỳ kê khai nộp ngân sách (như: thu phí, lệ phí đạt 6,3%; thuế bảo vệ môi trường đạt 7,7%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 3,8%; thu tại xã đạt 6,9%,...).

 - Thu từ dầu thô: ước đạt 7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán, giảm 12,6% so cùng kỳ năm 2014. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ giữa tháng 12/2014 đến nay vẫn tiếp tục xu hướng giảm, song bước đầu đã có dấu hiệu ổn định hơn, mức giá hiện nay dao động trong khoảng 45- 48 USD/thùng. Do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thô của Việt Nam trong kỳ bình quân đạt khoảng 65 USD/thùng, giảm 35 USD/thùng so với dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 1,22 triệu tấn, bằng 8,3% kế hoạch.  

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: ước đạt 12 nghìn tỷ đồng, bằng 6,9% dự toán, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2014 (tổng số thu ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 8 nghìn tỷ đồng). Trong tháng 1/2015, giá trị xuất nhập khẩu ước xấp xỉ tháng 12/2014, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng xuất nhập khẩu có đóng góp số thu lớn cho NSNN giảm, đã tác động đến số thu NSNN trong kỳ, như: trị giá kim ngạch dầu thô xuất khẩu giảm 36,5%; xăng dầu nhập khẩu giảm 48,2%...

Như vậy, tiếp tục đà phát triển thuận lợi trong những tháng cuối năm 2014, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 1/2015 nhìn chung vẫn duy trì được tiến độ khả quan; riêng về số thu từ dầu thô giảm do giá dầu tiếp tục giảm trên 20% so với cuối năm 2014. Trước diễn biến giá dầu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, quyết liệt chống thất thu và xử lý nợ đọng; điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu hỏa từ 26-27% lên 35%; nhiên liệu diesel, dầu mazut từ 24-26% lên 30%.

* Về chi ngân sách nhà nước:

Tổng chi NSNN tháng 1/2015 ước đạt 94,6 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán. Trong đó tập trung đảm bảo các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính, chi trả nợ. Để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động tạm cấp kinh phí tháng 1/2015 cho các đơn vị đang trong thời gian chờ phân bổ dự toán; thực hiện chi trả trước tiền lương hưu và các khoản trợ cấp đến hết tháng 2/2015 tạo điều kiện cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội vui đón Tết cổ truyền.

Riêng chi đầu tư XDCB, do đang trong thời gian phân bổ, thông báo vốn cho các chủ đầu tư nên tiến độ thực hiện có chậm hơn mức bình quân chung (ước đạt 7,3% dự toán), chủ yếu là thanh toán vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê điều và một số dự án quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh.

* Bội chi NSNN tháng 1/2015: ước 5,5 nghìn tỷ đồng, được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước.

* Về tình hình huy động vốn cho NSNN: Tính từ đầu năm đến 15/01/2015, tổng số huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 3.000 tỷ đồng.

Những số liệu trên cho thấy dấu hiệu của một năm kinh tế khả quan, ngành Tài chính có thể hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo, không đợi sau Tết, mọi ngành, mọi lĩnh vực (đặc biệt là Thuế, Hải quan, Kho bạc, NSNN) phải xúc tiến ngay các kế hoạch để  khai thác nguồn thu, đảm bảo thực hiện dự toán thu-chi, giải ngân cho các nhiệm vụ trọng yếu. Ngay trước Tết phải lập thành tích xuất sắc cho Ngành, ghi dấu ấn trong một năm có nhiều ngày lễ quan trọng, đặc biệt là kỷ niệm  70 năm ngày truyền thống của ngành Tài chính.