Kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ tác động tới Việt Nam trong dài hạn

Theo bnews.vn

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo giảm tốc từ mức 3% trước đó xuống còn 2,9%; trong đó hầu hết các “đầu tàu” kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Eurozone mà tiêu biểu là Đức đều sẽ tăng trưởng chậm lại.

Các dự báo WB, IMF, ADB và các tổ chức quốc tế đều cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới
Các dự báo WB, IMF, ADB và các tổ chức quốc tế đều cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ về những nguyên nhân khiến nền kinh tế thế giới năm 2019 giảm tốc và những tác động tới kinh tế Việt Nam.

PV: Thưa ông, một loạt các định chế tài chính lớn trên thế giới đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone, Nhật Bản cũng có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng của nền kinh tế toàn cầu?

TS. Trần Toàn Thắng.
TS. Trần Toàn Thắng.

TS. Trần Toàn Thắng: Thời gian qua, WB, IMF, ADB và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra những dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng nhìn chung thì các dự báo này đều cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới; trong đó có sự giảm tốc của các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Eurozone mà tiêu biểu là Đức.

Sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới có liên quan đến các yếu tố địa chính trị, sự giảm tốc về thương mại, liên quan tới sự dịch chuyển luồng đầu tư trên thế giới Theo đánh giá của chúng tôi, sự giảm tốc của kinh tế thế giới sẽ còn kéo dài sau 2020, sẽ ảnh hưởng tới cả các nước phát triển và đang phát triển.

Vậy theo ông đâu là những nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu năm 2019, trong đó có một loạt các cường quốc kinh tế hàng đầu giảm tốc thưa ông?

Lý do được nhắc đến nhiều nhất là chiến tranh thương mại. Chiến tranh thương mại tạo ra biến động về địa chính trị và đặc biệt là tác động đến kinh tế, thương mại.

Theo đó, bản chất của chiến tranh thương mại không chỉ là câu chuyện liên quan đến áp đặt thuế quan mà còn là cạnh tranh về địa chính trị, về kiểm soát công nghệ và động lực tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Vì vậy, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước liên quan. Nguyên nhân thứ hai khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc là do những ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh EU (Brexit).

Theo đó, Brexit sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế EU và Anh. Các dự báo gần đây cho thấy nền kinh tế EU và Anh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Brexit. Theo đó, các tác động này cũng sẽ ảnh hưởng rộng lớn tới nhiều nước trên thế giới là đối tác thương mại của EU.

Nguyên nhân thứ ba là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trước thời điểm 2018, trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do liên quan tới vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đến các bất ổn trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là nợ công và sự phát triển quá nóng của công nghiệp Trung Quốc.

Kinh tế Việt Nam được ADB dự báo có tốc độ tăng trưởng là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020, tức là hạ nhiệt hơn so con số ấn tượng thực hiện 7,08% của năm 2018. Ông có nhận định gì về những con số này?

Thực ra dự báo này vẫn dao động trong mức tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam. Nếu tính theo quý, có những thời điểm tăng trưởng của Việt Nam cao, vượt lên so với mức trung bình như vậy. Năm 2018, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 7%.

Trong các tính toán gần đây của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, đường tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam nằm trong khoảng từ 6,6-6,8%. Vì vậy, nếu dự báo tăng trưởng có xu hướng sụt giảm một chút cũng không có gì đáng ngại vì tăng trưởng thực tế cũng sẽ chỉ dao động quanh đường tăng trưởng tiềm năng thôi.

Theo ông sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự suy giảm của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam sẽ tác động như thế nào tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và 2020?

Theo tôi, những bất ổn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu tất nhiên sẽ có những tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang tận dụng được các tác động khá tích cực từ các bất ổn đó.

Ví dụ rõ nhất là thương mại năm 2018 của Việt Nam đã có kết quả tăng trưởng khá tốt về xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế có kết quả ấn tượng, đầu tư nước ngoài cũng vậy. Điều này cho thấy không phải cứ bất ổn của đối tác toàn cầu mà có thể tạo ra tác động quá tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo chúng tôi, trong ngắn hạn, Việt Nam đang tận dụng tốt các tác động tích cực nhưng về dài hạn, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khá tiêu cực bởi chiến tranh thương mại.

Đặc biệt nó liên quan tới câu chuyện chuyển dịch các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu từ Trung Quốc hoặc liên quan đến việc điều chỉnh tỷ giá của các nước để đối phó với chiến tranh thương mại.

Thêm vào đó, Mỹ là một trong các đầu tàu kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên sự sụt giảm của kinh tế Mỹ có thể sẽ kéo theo cầu xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ sụt giảm. Tương tự như vậy, kinh tế Trung Quốc sụt giảm cũng kéo theo cầu xuất khẩu sang thị trường này bị giảm đi. 

Thực tế từ nửa cuối năm 2018 trở lại đây chưa rõ bởi vì Việt Nam vẫn tận dụng được lỗ hổng thị trường từ các bất ổn thương mại. Tuy nhiên, về lâu dài các thị trường chắc chắn sẽ điều chỉnh nên để đảm bảo tăng trưởng bền vững được cần tiếp cận ở góc độ khác.

Theo ông, Việt Nam cần có các giải pháp trọng tâm gì để ứng phó trước những tác động này nhất là trong dài hạn?

Trong dài hạn vẫn phải quay lại câu chuyện mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh trên thế giới.

Các điều tra của chúng tôi gần đây đều cho thấy ảnh hưởng của khoa học công nghệ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực tế là tăng trưởng của Việt Nam nhìn chung những năm gần đây có mức tăng năng suất vẫn thấp so với mức tăng trưởng chung. Điều này cho thấy tăng trưởng của Việt Nam vẫn phải dựa trên việc tăng các nguồn lực, nhất là nguồn vốn.

Thực tế cũng cho thấy, những điểm nghẽn với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhiều. Có thể chúng ta có một vài quý tăng trưởng ngắn hạn cao nhưng đường tăng trưởng tiềm năng vẫn chỉ ở mức 6,6-6,8%.

Vì vậy, những giải pháp quá tập trung vào tăng trưởng ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn. Tôi cho rằng cái cần phải cải thiện nhanh không phải là các biện pháp kích cầu mà là các giải pháp liên quan tới mô hình tăng trưởng kinh tế và cung của nền kinh tế.

Đặc biệt câu chuyện ở đây liên quan tới việc cải cách thị trường, đặc biệt là tái cơ cấu thị trường vốn, theo tôi đây là điểm nghẽn của Việt Nam. Hoặc là vấn đề về kỳ vọng tăng trưởng của cải cách thể chế hoặc cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, những quan sát của chúng tôi khi khảo sát doanh nghiệp cho thấy các tác động ban đầu của nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã đến hạn. Vì vậy, Chính phủ cần có cách tiếp cận khác với sự cải cách này, nhất là trong thực thi các chính sách mà Chính phủ đưa ra.

Theo tôi, công cuộc cải cách môi trường kinh doanh không chỉ là đưa ra nhiều chủ trương chính sách mà quan trọng nhất là giám sát việc thực thi các chính sách này để đảm bảo các chính sách ban hành ra mang lại hiệu quả thực chất.