Chính sách tiền tệ với vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô

TS. Lê Thị Thùy Vân

Năm 2016 là năm có không ít thách thức đặt ra cho việc thực thi chính sách tiền tệ. Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ đã có nhiều đổi mới, giúp nhiều vấn đề được giải quyết. Bài viết điểm lại vấn đề điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016 và những tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.

CSTT trong năm 2016 tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.
CSTT trong năm 2016 tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa.

Những tác động tích cực đến ổn định kinh tế vĩ mô

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (ngày 7/1/2016) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.

Theo đó, CSTT trong năm 2016 tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ. Cụ thể:

Về chính sách lãi suất, NHNN chủ trương điều hành lãi suất theo hướng hài hòa với diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối lợi ích giữa ngân hàng- người gửi tiền – người vay, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Trong năm 2016, lãi suất đã được duy trì ở mức ổn định để phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản (Quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2017). Hệ thống ngân hàng và các DN bất động sản có gần một năm để điều chỉnh, thực hiện theo quy định đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.

Về chính sách tín dụng, NHNN điều hành chính sách tín dụng theo hướng mở rộng nhằm tăng nguồn cung ứng vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.

Trong năm 2016, chính sách tín dụng được điều hành theo hướng: (i) Khống chế trần lãi suất cho vay với nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; công nghệ cao (hiện ở mức 7%/năm); (ii) Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và công cụ tái cấp vốn để hướng dòng vốn tín dụng vào nông nghiệp (Thông tư 20/TT-NHNN, ngày 29/09/2010); (iii) Kết hợp chính sách tín dụng của ngân hàng với chính sách tài khóa trong hỗ trợ lãi suất giảm tổn thất sau thu hoạch, với mức hỗ trợ 100% hoặc 50% theo thời gian vay phù hợp...

Về chính sách tỷ giá hối đoái, ngay từ đầu năm 2016, NHNN đã ban hành chính sách điều hành tỷ giá mới theo hướng linh hoạt nhằm đáp ứng những yêu cầu từ bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế, tăng cường ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Điểm mới trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái này là tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày, vào trước phiên giao dịch, dựa trên cơ sở tham chiếu 3 yếu tố: (i) Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; (ii) Diễn biến của đồng USD và một số đồng ngoại tệ trên thị trường quốc tế; (iii) Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành CSTT và chính sách kinh tế vĩ mô.

Với những định hướng điều hành chính sách như trên, CSTT đã phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô trong việc góp phần bảo đảm tăng trưởng cung tiền hợp lý, giữ ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường, ổn định tỷ giá, ổn định thanh khoản, kiểm soát lạm phát đồng thời đạt mức tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra.

Những tác động tích cực của CSTT đến ổn định kinh tế vĩ mô được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, lãi suất được duy trì khá ổn định trong năm 2016 và hầu như không xảy ra biến động lớn. Lãi suất huy động mặc dù trải qua đợt tăng lãi suất nhẹ trong tháng 9/2016 từ các ngân hàng nhỏ (Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Quốc dân) và đợt giảm lãi suất nhẹ từ các ngân hàng lớn trong tháng 10 (VPBank, Vietcombank), nhưng nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn được giữ ổn định ở mức 6,5% cho kỳ hạn 1 năm và 7,2% cho kỳ hạn trên 1 năm.

Mặc dù có áp lực tăng lãi suất nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng.

Cụ thể, NHNN đã duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều hành cung tiền hợp lý, linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn và khối lượng hợp lý để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, thực hiện mua ngoại tệ khi thuận lợi, qua đó duy trì dư thừa thanh khoản của hệ thống, đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện cho các TCTD giữ ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay khi có điều kiện.

Thêm vào đó, việc mở lại tín dụng ngoại tệ cho DN xuất khẩu, thêm nguồn tín dụng ngoại tệ, cung vốn chi phí thấp cũng tạo điều kiện để giảm bớt áp lực dồn vay VND, thêm thuận lợi để có thể giảm lãi suất cho vay nói chung. Mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ vào tháng 5/2016, giảm từ 8,15% xuống 8,02%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, giảm từ 10,2% xuống 10,1% bình quân cho các khoản vay trung và dài hạn, sau đó tiếp tục được duy trì ổn định đến cuối năm 2016.

Lãi suất liên ngân hàng trong năm 2016 nhìn chung thấp hơn nhiều so với năm 2015, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh kể từ tháng 4/2016 (từ mức 4,13%) và chỉ đến tháng 11/2016 mới có xu hướng tăng trở lại, từ mức 1,18% lên mức 3,42% trong tháng 12, do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động trên thị trường mở OMO kể từ tháng 5 bắt đầu trầm lắng, chỉ đến tháng 12/2016, NHNN mới có động thái bơm ròng tổng cộng 53.286 tỷ đồng.

Qua đó, có thể thấy thanh khoản của hệ thống rất dồi dào trong cả năm 2016. Khi tình hình thanh khoản của các ngân hàng chịu áp lực sụt giảm vào những tháng cuối năm, NHNN đã điều hòa vốn linh hoạt thông qua thị trường mở và kênh tín phiếu, với việc phát hành tín phiếu kỳ hạn dài ngày hơn nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống. Thanh khoản của hệ thống các TCTD tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đạt 18,71% (tính đến cuối tháng 11/2016) so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cụ thể khoảng 80% vốn tín dụng đã và đang được đưa vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cho các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế).

Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động có xu hướng giảm từ mức 87,9% cuối năm 2015 xuống 86,35% nhưng vẫn cao hơn mức an toàn theo quy định của NHNN (80%). Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động gián đoạn liên tục trong 10 tháng đầu năm 2016 cho thấy, thanh khoản của hệ thống tăng lên.

Thứ ba, tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng huy động đã lần lượt tăng 17,88% và 18,38%. Tổng phương tiện thanh toán đã tăng cao hơn cùng kỳ nhưng chưa tạo sức ép đến lạm phát. Lạm phát cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh chủ yếu do điều chỉnh tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Lạm phát cơ bản ở mức 1,83% cho thấy, NHNN đã điều tiết lượng tiền tệ một cách hợp lý để kiểm soát được mức lạm phát theo mục tiêu đặt ra cho năm 2016.

Thứ tư, tỷ giá USD/VND không có nhiều biến động lớn và được duy trì ổn định trong năm 2016 (Hình 2). Tỷ giá VND/USD liên tục duy trì được diễn biến ổn định do nhận được sự hỗ trợ của các yếu tố như: (i) Cơ chế tỷ giá trung tâm và các công cụ điều tiết thị trường ngoại hối đang dần phát huy được hiệu quả, hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; (ii) Nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào do cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng khả quan; (iii) Đồng USD trên thị trường quốc tế có xu hướng giảm giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tiếp đưa ra thông điệp trì hoãn việc tăng lãi suất; (iv) Hầu hết các đồng tiền trong rổ tính tỷ giá trung tâm của NHNN đều lên giá so với đồng USD đã giúp giải tỏa sức ép lên tỷ giá VND/USD.

Sự ổn định của tỷ giá trong 10 tháng đầu năm đã giúp NHNN tích trữ được một lượng ngoại hối lên tới 40 tỷ USD. Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng giúp giảm tình trạng đôla hóa, tỷ lệ USD trên tổng phương tiện thanh toán (M2) giảm xuống còn 10%, tương đương mức đôla hóa nhẹ theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn đã giúp cho tỷ giá biến động hàng ngày theo kịp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.

Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng các tháng trong năm 2016 đều tăng chậm hơn so với tăng trưởng huy động, xu hướng này ngược với xu hướng của năm 2015. Điều này cho thấy, hệ thống ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, với tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ chịu các áp lực không nhỏ.

Thứ hai, việc phối hợp CSTT và chính sách tài khóa tuy đã đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế: (i) Việc phối hợp mới hướng đến từng mục tiêu kinh tế vĩ mô ưu tiên trong từng thời điểm, chưa có sự phối hợp để giải quyết đồng bộ tất cả các mục tiêu vĩ mô; (ii) Chưa xây dựng được cơ sở khoa học trong việc quyết định lựa chọn CSTT hay chính sách tài khóa là công cụ sẽ phát huy được tác động nhiều nhất đến tổng cầu, cũng như chưa có cơ sở xác định liều lượng tác động của từng công cụ đến tổng cầu bao nhiêu là hợp lý trong từng bối cảnh kinh tế cụ thể.

Thứ ba, việc vẫn duy trì trần lãi suất huy động và cho vay trong năm 2016 đã can thiệp vào sự vận hành của thị trường, gây trở ngại cho công việc giám sát cũng như tạo ra nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất cơ bản chưa thể hiện rõ tính định hướng thị trường, còn mang nặng tính hình thức, chưa phản ánh đầy đủ mối quan hệ cung - cầu về vốn.

Mặc dù Luật NHNN Việt Nam năm 2010 (Điều 12) quy định lãi suất cơ bản được sử dụng nhằm điều hành CSTT nhưng trên thực tế hầu như không được sử dụng. Năm 2016, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao hơn 2015 cả về lạm phát tiền tệ (tăng phương tiện thanh toán và nới lỏng tín dụng), lạm phát chi phí đẩy (tăng lương, giá dịch vụ công…) và lạm phát cầu kéo, trần lãi suất đồng nội tệ không thay đổi và trần lãi suất tiền gửi USD vẫn được giữ ở mức 0%.

Trong khi CSTT được điều chỉnh linh hoạt qua các chu kỳ nới lỏng và thắt chặt, đồng thời, lãi suất kinh doanh của các TCTD cũng đã thay đổi khá nhiều, nhưng lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên mức 9%/năm từ năm 2010 đến nay.   

Thứ tư, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, rủi ro nợ xấu rất có thể sẽ tăng trở lại nếu như quá trình cơ cấu lại nợ xấu không phát huy tác dụng trong những năm tới. Mặc dù NHNN công bố nợ xấu trong toàn hệ thống giảm xuống dưới 3% tổng dư nợ tính tới cuối năm 2016, theo đúng yêu cầu mà Chính phủ đã đặt ra nhưng kết quả này là do: (i) Tổng tín dụng tăng trong năm 2016; (ii) Nợ xấu chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tuy nhiên, chất lượng xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế, VAMC chưa giải quyết dứt điểm được nợ xấu đã mua, bởi thị trường mua bán nợ xấu còn chưa đi vào hoạt động và còn vướng mắc trong hàng lang pháp lý để vận hành thị trường. Thêm vào đó, nguồn nhân lực và tài chính thực để xử lý nợ xấu còn hạn chế.