Diễn biến lạ tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn “chật vật” với đà bán ròng của khối ngoại thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại ghi nhận nhiều mã nổi sóng. Đáng chú ý, đằng sau sự bứt phá mạnh mẽ này lại không phải là các yếu tố đến từ doanh nghiệp.

Nhiều cổ phiếu thị trường tăng mạnh dù không có thông tin hỗ trợ.
Nhiều cổ phiếu thị trường tăng mạnh dù không có thông tin hỗ trợ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 11 khởi sắc khi chỉ số VN-Index vượt cản tâm lý 1.000 điểm và đạt đỉnh một năm vào phiên ngày 6/11. Tuy nhiên, chỉ số chung sau đó lao dốc chóng vánh khiến thị trường “bốc hơi” hàng trăm nghìn tỷ đồng và đánh mất thành quả nhiều tháng tích lũy.

Đóng góp vào đà giảm của chỉ số chung là áp lực bán đè nặng lên các cổ phiếu có sức ảnh hưởng đến thị trường như MSN (Masan), VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank)... Trong khi ở chiều ngược lại, dòng tiền vẫn đang hiện diện khá tích cực ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ.

Tăng trưởng hơn 100%

Gần đây, một mã cổ phiếu rất đáng chú ý là MST của CTCP Đầu tư MST. Giao dịch trên HNX khá trầm lặng ở vùng giá 3.500 đồng/cp, cho tới những phiên giao dịch đầu tháng 11, MST đã bắt đầu một chuỗi tăng giá “thần tốc” đến khó hiểu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/12, cổ phiếu MST có giá 5.300 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 51,4% so với đầu tháng 11. Nếu so với đợt giảm sâu về vùng giá 2.500 đồng/cp hồi tháng 7/2019, giá trị cổ phiếu này đã tăng 112%.

Thanh khoản cũng được cải thiện hơn nhiều so với nửa năm qua, những phiên giao dịch khớp lệnh hàng triệu đơn vị đã xuất hiện.

Một mức tăng khác cũng không khỏi gây sửng sốt với bất cứ nhà đầu tư chứng khoán nào, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số “lình xình” trong thời gian gần đây là cổ phiếu DTN của CTCP Diêm Thống Nhất.

Tính đến phiên giao dịch ngày 11/12, cổ phiếu DTN giữ nguyên mức giá 30.000 đồng/cp, ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp không có giao dịch. Trước đó, mã này ghi nhận 8 ngày tăng giá liên tiếp dao động 13-14% mỗi phiên, với tổng mức tăng hơn 163%. Thanh khoản mỗi phiên chỉ 100 cổ phiếu, không có dư mua, dư bán.

Trong khoảng thời gian đầu tháng 11, cổ phiếu DTN cũng từng ghi nhận 6 phiên tăng trần liên tiếp từ mức 6.000 đồng/cp lên 13.300 đồng/ cp, khối lượng khớp lệnh cũng chỉ đạt 100 đơn vị. Tính từ đầu tháng 10, cổ phiếu DTN tăng gấp 4 lần.

Tăng trần liên tiếp trong tuần giao dịch trước (2-6/12), cổ phiếu NAV của CTCP Nam Việt tiếp tục nối dài đà tăng sang tuần giao dịch tiếp theo. Tính tới phiên 11/12, NAV đang có mức giá 17.100 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 83% so với hồi giữa tháng 11.

Đà tăng giá của NAV diễn ra trong bối cảnh không xuất hiện bất kỳ thông tin nào hỗ trợ. Thanh khoản trung bình của NAV trong các phiên vừa qua đều duy trì ở mức thấp với vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.

Đáng chú ý hơn, cổ phiếu PXI của CTCP Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí - công ty con của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã có mức tăng hơn 75,4% trong một tháng qua từ mức giá 1.790 đồng/cp lên 3.140 đồng/ cp bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ.

Không tăng giá mạnh, nhưng cổ phiếu SMA của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn lại gây chú ý với thanh khoản tăng vọt lên 100.000 – 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên trong những ngày đầu tháng 12, trái ngược với tình cảnh gần như mất thanh khoản, nhiều phiên không có giao dịch trước đó.

Cơ hội hay sóng ảo?

CTCP Đầu tư MST là một doanh nghiệp hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh nguyên vật liệu, thiết bị lắp đặt xây dựng... Công ty có vốn điều lệ 355,19 tỷ đồng, tương đương với hơn 35,519 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Cơ cấu cổ đông của công ty 100% là các nhà đầu tư cá nhân, hiện cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 15,52% cổ phần là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tuyên. Điểm sáng duy nhất của MST là lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2019 tăng 62,7% so với cùng kỳ nhưng lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty con.

Ngoài ra, khoản mục đầu tư góp vốn cùng ông Nguyễn Thanh Tuyên lên đến 252,6 tỷ đồng, tương đương 33,5% tổng tài sản của công ty, nhưng thông tin chi tiết không được thuyết minh.

Đối với CTCP Diêm Thống Nhất, trong bối cảnh tăng giá mạnh của cổ phiếu, công ty vừa công bố “khai tử” sản phẩm truyền thống là diêm Thống Nhất từ 1/1/2020 để tập trung sản xuất bật lửa.

Đồng thời, công ty cũng hủy giao dịch trên sàn UPCoM và rút cổ phiếu DTN khỏi thị trường chứng khoán theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do số lượng cổ đông của công ty giảm xuống dưới 100.

Theo quy định, chứng khoán sẽ bị hủy giao dịch trên UPCoM trong trường hợp không còn là công ty đại chúng (số lượng cổ đông dưới 100, vốn dưới 10 tỷ đồng) hoặc chấm dứt tồn tại do mua bán - sáp nhập hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Hay như CTCP Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí. Việc nghiệm thu, quyết toán thu hồi công nợ của các công trình vẫn đang gặp nhiều khó khăn, khối lượng thi công tại một số công trình chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán, dự nợ ngân hàng cao dẫn đến chi phí tài chính lớn, một số công trình thi công ở xa khiến chi phí quản lý tăng, máy móc thiết bị, dụng cụ thi công phải thuê ngoài… là những khó khăn tồn đọng của công ty.

Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp kể trên đều không có thông tin hỗ trợ trong thời gian qua, thậm chí tình hình kinh doanh chưa thấy điểm sáng. Thị giá cổ phiếu bất ngờ tăng cao có thể đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư về một tín hiệu trong tương lai, nhưng cũng không ít khả năng có thể là một đợt sóng “bạo phát, bạo tàn” như nhiều bài học trước đó.