Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009: 0,3% là thiếu thuyết phục

Theo VnEconomy

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2009 của Việt Nam, do Cơ quan thông tin kinh tế của tập đoàn báo chí The Economist (Anh), mới công bố - là không sát với kinh tế Việt Nam. Theo TS. Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), mặc dù chỉ là dự báo, nhưng con số 0,3% của EIU là "có vấn đề".

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, con số dự báo nói trên - do Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan thông tin kinh tế của tập đoàn báo chí The Economist (Anh), mới công bố - là không sát với những gì đang diễn ra trên thực tế của kinh tế Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), mặc dù chỉ là dự báo, nhưng con số 0,3% của EIU là "có vấn đề".

Ông nói, hiện nông nghiệp của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng khoảng từ 3-4%, trong khi nông nghiệp chiếm 20% GDP. Riêng lĩnh vực này cũng đã đóng góp cho tăng trưởng GDP ít nhất cũng phải 0,8%.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ các năm trước thường tăng trưởng 7 - 8%, thì năm nay nếu có khó khăn cũng đạt khoảng 4 - 5 %. Lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 40% GDP, do vậy cũng đóng góp cho tăng trưởng GDP khoảng 1,5%. “Chỉ cộng riêng hai lĩnh vực này thì GDP cũng đã có thể tăng từ 2,3 - 2,5%”, TS. Thành tính toán.

Bên cạnh đó, nếu theo dự báo của The Economist là GDP chỉ tăng khoảng 0,3% thì bắt buộc tăng trưởng của ngành công nghiệp phải giảm mạnh. Tuy nhiên, theo TS. Thành, nếu gói kích cầu của Chính phủ được triển khai tốt thì rất có thể ngành công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng tốt.

“Do vậy, chỉ cần công nghiệp có tăng trưởng dương, khoảng 2 - 3% thôi thì cũng đã làm cho GDP của chúng ta có tăng trưởng gần 4% rồi”, ông Thành quả quyết.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay những tín hiệu tốt của nền kinh tế cũng đã bắt đầu le lói, trước hết là dấu hiệu tín dụng và lĩnh vực xây dựng đã bắt đầu được cải thiện.

“Bên cạnh đó, vấn đề thất nghiệp trong tháng vừa qua cũng đã bắt đầu giảm xuống, lòng tin người tiêu dùng của người Việt cũng đã dần được khôi phục. Do đó, con số GDP chỉ tăng 0,3% trong năm nay, dù chỉ là dự báo thì cũng là có vấn đề và không thể chấp nhận được… Có thể họ không nắm rõ tình hình thực tại của chúng ta”, TS. Thành nói.

Cùng quan điểm trên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, người hiện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, những tín hiệu tốt của nền kinh tế hiện đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp trong tháng 2 đã có sự chuyển biến khá so với bình quân của năm 2008, tiêu thụ trên thị trường nội địa đã bắt đầu khởi sắc, hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản cũng không phải là quá vắng vẻ như cuối năm ngoái.

Ông Thúy cho biết, năm ngoái, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% thì năm nay Chính phủ phấn đấu đạt bằng năm ngoái. Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ (mà ông cũng là Phó chủ tịch) cũng đã kiến nghị Chính phủ tính toán kế hoạch với mức tăng trưởng khoảng 5%.

Ông Thúy cho rằng, chúng ta không lạc quan “tếu” nhưng cũng không nên quá bi quan. “Một vài dự báo thì cũng không thể nào chính xác được. Thậm chí, đối với một số nước thì dự báo được thay đổi hàng tuần, hàng tháng. Do đó, chúng ta cũng không nên quá câu nệ đối với bất kỳ một dự báo nào. Tuy nhiên, đối với những người làm tham mưu chính sách thì cũng phải có được cái nhìn nhận vào thực tế để công bố dự báo của mình”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh.

Tại hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại do The Economist phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 17 và 18/3, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những chỉ số kinh tế trong hai tháng đầu năm 2009, đặc biệt là tháng 2/2009, cho thấy dấu hiệu về khả năng phục hồi đà tăng trưởng. Ông cũng dự báo vào cuối năm nay, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu ổn định.

Cũng tại hội nghị này, khác với dự báo của EIU, ông David Fernandez, Kinh tế gia trưởng của JPMorgan Chase cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vào khoảng 5%, tương tự như một dự báo trước đó của Ngân hàng HSBC.