Mức phạt về dự kiến giao dịch nhưng không báo cáo, công bố thông tin như thế nào?

T.P

Theo Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC ngày 18/01/2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những căn cứ đưa ra mức xử phạt 1.5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 05 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) là quy định tại Khoản 27 Điều 1, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Vậy quy định mới này được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để phù hợp với tình hình mới và góp phần răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán và lĩnh vực chứng khoán, ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Tại Nghị định mới này, Chính phủ đã bổ sung, sửa đổi Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP bằng Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP quy định về “Vi phạm quy định về giao dịch của cổ đông sáng lập; cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ”.

Cụ thể, theo Điều 33, từ ngày 1/1/2022, phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đóng và phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.

Hành vi báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Cảnh cáo nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 600 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 35 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định mới tại Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, hành vi không báo cáo về kết quả thực hiện giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Cảnh cáo nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 600 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Trong khi đó, hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian đăng ký hoặc ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin, vượt quá giá trị đăng ký bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Cảnh cáo nếu giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 1% đến 2% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

Nghị định số 128/2021/NĐ-CP cũng quy định, hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 400 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

- Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

- Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

Ngoài ra, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đóng hoặc khi không còn là cổ đông lớn, nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập báo cáo không đúng thời hạn trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng và phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ của quỹ đóng hoặc khi không còn là cổ đông lớn, nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập báo cáo không đúng thời hạn trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng.

Bên cạnh các mức xử phạt nặng trên, các đối tượng vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng, hoặc từ 03 tháng đến 05 tháng...

Như vậy, căn cứ trên quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra mức xử phạt 1.5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 05 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC