Nâng cao vai trò nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Trên thị trường chứng khoán thế giới, khái niệm nhà tạo lập thị trường đã trở nên phổ biến và được hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Vai trò lớn nhất của nhà tạo lập thị trường là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, tích cực.
Tuy nhiên, vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa rõ nét do còn gặp nhiều khó khăn khi đảm trách nhiệm vụ của nhà tạo lập thị trường. Do đó cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng phát triển chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
Khó khăn trên thị trường cổ phiếu
Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC, hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó đã cho phép các công ty chứng khoán được thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường. Vai trò lớn nhất của nhà tạo lập thị trường là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch. Để thực hiện điều này, các nhà tạo lập thị trường sẽ thực hiện việc mua chứng khoán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, và bán chứng khoán khi thị trường không có lệnh bán với các mức giá do họ tự định, thỏa mãn các yêu cầu về việc yết giá.
Sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường góp phần duy trì sự linh hoạt và tính thanh khoản của một loại chứng khoán, tăng khả năng thực hiện giao dịch của chứng khoán, nhờ đó đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với loại chứng khoán đó.
Các nhà tạo lập thị trường và cơ chế tạo lập thị trường mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán. Việc vận hành cơ chế tạo lập thị trường là tất yếu và kỳ vọng trong tương lai không xa, cơ chế tạo lập thị trường sẽ phát huy vai trò của nó khi nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường và các doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán.
Các nhà tạo lập thị trường và cơ chế tạo lập thị trường mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán. Các lợi ích này đã được khẳng định tại các thị trường phát triển trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới nói chung. Việc vận hành cơ chế tạo lập thị trường là tất yếu và kỳ vọng trong tương lai không xa, cơ chế tạo lập thị trường sẽ phát huy vai trò của nó khi nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường và các doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu, cũng như thị trường chứng khoán phái sinh cho thấy, nhà tạo lập thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nên chưa phát huy hết được vai trò của mình.
Trên thị trường cổ phiếu, vào tháng 8/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có quyết định chấp thuận Công ty Chứng khoán IB (IBSC) là thành viên tạo lập thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. IBSC là nhà tạo lập thị trường đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cũng như trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, IBSC có kế hoạch thương thảo làm nhà tạo lập thị trường cho mã chứng khoán VTL của Công ty Cổ phần Vang Thăng Long. Tuy nhiên, do quá trình đàm phán hợp đồng giữa IBSC và VTL bất thành nên IBSC chưa thể triển khai hoạt động tạo lập thị trường như kế hoạch đã công bố.
Sau sự thất bại này của IBSC, cho đến nay chưa một công ty chứng khoán nào lộ ý định làm nhà tạo lập thị trường trên thị trường cổ phiếu. Sở dĩ nhà tạo lập thị trường chưa mặn mà tham gia, theo ý kiến từ những người trong cuộc là do còn thiếu dư địa cho công ty chứng khoán… Để hạn chế rủi ro, nhà tạo lập thị trường tạo cơ hội kiếm lời, mặn mà tham gia, thì cơ chế vay mượn chứng khoán cần thuận tiện với chi phí hợp lý. Cơ chế giao dịch T+0 cũng cần được triển khai để giải quyết rủi ro của T+3 hiện tại. Sự thành công của các nhà tạo lập thị trường ở các nước cho thấy cần cho phép họ bán khống chứng khoán ngay cả khi họ chưa vay được chứng khoán…
Đây là một trong những điểm mấu chốt tiếp sức cho nhà tạo lập thị trường hoạt động. Thế nhưng, vấn đề này chưa được triển khai tại Việt Nam, nên dễ gây ra những rủi ro cho nhà tạo lập thị trường. Vì không thấy rõ cơ hội kiếm lời, trong khi rủi ro hiện hữu nên công ty chứng khoán không mặn mà với việc làm nhà tạo lập thị trường cho các cổ phiếu… Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế ưu đãi về phí, thuế để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường phát huy vai trò của mình.
Theo công ty chứng khoán, ngay cả khi có cơ chế ưu đãi về phí, thuế họ cũng không mặn mà tham gia vì những nút thắt hiện nay chưa được tháo gỡ. Hơn nữa, quyết định mua- bán cổ phiếu để tạo thanh khoản cho thị trường, là việc do nhà tạo lập thị trường tiến hành theo "luật chơi" lời ăn, lỗ chịu nên nhà quản lý khó thiết kế cơ chế ưu đãi về thuế, phí.
Để hấp dẫn nhà tạo lập thị trường tham gia, cùng với việc cần có cơ chế bán khống, cho vay mượn chứng khoán thuận lợi với chi phí hợp lý, Việt Nam nên nghiên cứu áp dụng cơ chế giao dịch T+0. Ở bình diện rộng hơn, tính minh thanh khoản, minh bạch của thị trường cũng như của doanh nghiệp cần được cải thiện, có như vậy mới tạo ra dư địa tốt cho hoạt động tạo lập thị trường.
Thách thức đối với thị trường trái phiếu
Hiện nay, mặc dù các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán là nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ, nhưng thực tế họ không mấy mặn mà vào “vai”. Nguyên nhân là do nhà tạo lập thị trường phải đối mặt với gánh nặng nghĩa vụ lớn, trong khi quyền lợi chưa tương xứng. Quyền lợi nổi bật với nhà tạo lập thị trường là được sử dụng các thông tin khai thác từ hệ thống thông tin thị trường trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; được tham gia các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp nhưng thị trường này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những khó khăn khiến các nhà tạo lập thị trường chưa mặn mà tham gia, chủ yếu là do họ chưa nhận thấy được cơ hội kiếm lời khi thực hiện giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh cổ phiếu, phái sinh trái phiếu. Việc thiếu cơ chế thanh toán, vay mượn chứng khoán… mang tính ưu đãi với nhà tạo lập thị trường cũng khiến các nhà đầu tư e dè khi tham gia thị trường.
Từ thực tế cơ chế khó khả thi như hiện nay, cộng với thị trường trái phiếu Việt Nam chưa cho phép bán khống, chưa có sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ, nên tổ chức mua vào trái phiếu chính phủ vẫn còn rủi ro. Thêm vào đó, cơ sở dữ liệu trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chưa được hoàn thiện, chuẩn hóa. Thực trạng này cũng khiến các ngân hàng không mặn mà tham gia với tư cách là nhà tạo lập trường trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội…
Mặc dù có quyền lợi nhưng vì nhiều nguyên nhân khiến cho quyền này chưa có tính hấp dẫn trên thực tế. Điều này cộng với gánh nặng nghĩa vụ (như: hàng năm phải mua một lượng trái phiếu chính phủ lớn, phải thực hiện chào mua, chào bán trái phiếu chính phủ với cam kết chắc chắn cho các kỳ hạn chuẩn trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội…), nên chưa hấp dẫn các tổ chức tài chính tham gia làm nhà tạo lập thị trường.
Để khắc phục những bất cập trên, tiếp sức cho nhà tạo lập thị trường hoạt động, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đang thúc đẩy triển khai một số giải pháp như: Chuẩn bị đưa vào giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; Hoàn thiện cơ chế mới để cân bằng hơn quyền và nghĩa vụ đối với nhà tạo lập thị trường…
Đáng chú ý, tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018), là lần đầu tiên áp dụng cơ chế nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp. Quy định mới được xây dựng dựa trên chuẩn mực quốc tế. Quyền lợi nổi bật của nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính. Các nhà đầu tư khác phải thông qua nhà tạo lập thị trường để mua trái phiếu.
Về nghĩa vụ, với cơ chế mới, trong một phiên giao dịch, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá 2 chiều (cả mua và bán), với cam kết chắc chắn trên thị trường thứ cấp như thông lệ quốc tế, nên sẽ giúp cho thanh khoản của thị trường tốt hơn. Khi thực hiện nghĩa vụ này mà không có đủ công cụ nợ, nhà tạo lập thị trường thực hiện mua trên thị trường.
Trường hợp không mua được, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) sẽ phát hành trái phiếu chính phủ và thực hiện hợp đồng mua bán lại với nhà tạo lập thị trường. Quy định này sẽ giúp nhà tạo lập thị trường thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp trái phiếu chính phủ và tạo ra đường cong lợi suất chuẩn... Trước mắt, trong năm 2019, cơ quan quản lý cần tập trung phát triển nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp trái phiếu chính phủ phát triển..
Một số khó khăn trên thị trường phái sinh
Thực tế cho thấy, cần có vai trò của nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh cổ phiếu, nhất là các hợp đồng tương lai chỉ số còn thời gian đáo hạn dài và sắp tới là trên thị trường phái sinh trái phiếu chính phủ, nhưng với tính chất thị trường non trẻ, sự xuất hiện của nhà tạo lập thị trường trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện còn non trẻ. Bản thân các công ty chứng khoán chưa nhận được lợi ích, mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro nên chưa có ý định làm nhà tạo lập thị trường trên thị trường trên thị trường phái sinh, mặc dù có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện…
Những khó khăn khiến các nhà tạo lập thị trường chưa mặn mà tham gia, chủ yếu là do họ chưa nhận thấy được cơ hội kiếm lời khi thực hiện giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh cổ phiếu, phái sinh trái phiếu. Thêm vào đó, việc thiếu cơ chế thanh toán, vay mượn chứng khoán… mang tính ưu đãi với nhà tạo lập thị trường cũng khiến các nhà đầu tư e dè khi tham gia thị trường.
Trên thị trường phái sinh, để thu hút các công ty chứng khoán, ngân hàng tham gia làm nhà tạo lập thị trường, các chuyên gia cho rằng, muốn có “quả ngọt”, thì phải hành động ngay từ bây giờ với nhiều giải pháp đồng bộ để tránh đi vào “vết xe đổ” èo uột như nhà tạo lập thị trường trên thị trường cơ sở cổ phiếu, trái phiếu hiện nay.
Quan trọng hơn là nhà quản lý, tổ chức thị trường cần thay đổi tư duy về định hình cơ chế theo hướng cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, lý tưởng là khuyến khích nhà tạo lập thị trường tham gia bằng những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh thị trường trên thị trường phái sinh còn non trẻ như hiện tại. Cụ thể hơn là cần có cơ chế ưu đãi về phí giao dịch với nhà tạo lập thị trường. Thêm vào đó, cũng cần có những hỗ trợ về cơ chế thanh toán, tiết kiệm cả về thời gian lẫn chi phí khi vay mượn chứng khoán. Kinh nghiệm thành công về hoạt động của nhà tạo lập thị trường ở nhiều nước cho thấy, cần có cơ chế cho phép họ bán khống.
Cơ quan quản lý, tổ chức thị trường còn cần có hướng dẫn chi tiết về cơ chế giao dịch chênh lệch giá giữa thị trường trái phiếu cơ sở và phái sinh trái phiếu, để các tổ chức nhìn thấy cơ hội kiếm lời, từ đó hấp dẫn họ tham gia. Nhà quản lý cũng cần có các giải pháp bền vững để cải thiện thanh khoản và quy mô cho thị trường trên thị trường phái sinh, qua đó tạo “đất” tốt cho hoạt động của nhà tạo lập thị trường.
Để tháo gỡ những bất cập về cơ chế đối với nhà tạo lập thị trường trên thị trường phái sinh cổ phiếu, sự vào cuộc của cơ quan quản lý thị trường là chưa đủ, mà còn cần sự phối hợp giữa các cơ quan này với Ngân hàng Nhà nước trong tháo gỡ các vướng mắc, cũng như tạo ra cơ chế khuyến khích, ưu đãi để thu hút các ngân hàng tham gia.
Việc khắc phục những khó khăn, thách thức nhà tạo lập thị trường đang phải đối mặt trên cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, cũng như thị trường chứng khoán phái sinh, sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện tình trạng thanh khoản hiện nay. Qua đó, không chỉ cải thiện sức hấp dẫn cho thị trường, mà còn gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, bài bản theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Vai trò lớn nhất của nhà tạo lập thị trường là tạo thanh khoản cho các chứng khoán có thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch. Để thực hiện điều này, các nhà tạo lập thị trường sẽ thực hiện việc mua chứng khoán khi thị trường ở tình trạng không có lệnh mua, và bán chứng khoán khi thị trường không có lệnh bán với các mức giá do họ tự định, thỏa mãn các yêu cầu đã thỏa thuận về việc yết giá. Sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường góp phần duy trì sự linh hoạt và tính thanh khoản của một loại chứng khoán, tăng khả năng thực hiện giao dịch của chứng khoán và nhờ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với loại chứng khoán đó, từ đó thu hút được vốn cho nhà phát hành.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Chứng khoán;
2. Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi;
3. Chính phủ (2018), Nghị định số 95/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán;
4. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán;
5. Các website: ssc.gov.vn; hnx.vn; dtck.vn; mof.gov.vn.