Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam xử lý nợ xấu

PV.

Xử lý nợ xấu thành công ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm hệ thống các ngân hàng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: nguồn sbv.gov.vn
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: nguồn sbv.gov.vn

Nhận định này được các chuyên gia đến từ Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đưa ra tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu tại Việt Nam: Giảm thiểu rủi ro trong ngành ngân hàng và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với WBG tổ chức hôm 26/9.

Hội thảo lần này tập trung bàn luận về 4 vấn đề lớn, đó là: Các yêu cầu về giám sát các khoản nợ xấu; Các phương thức tiếp cận trong xử lý nợ xấu; Kinh nghiệm của các quốc gia về xử lý nợ xấu; Phát triển thị trường cho các tài sản bị tịch biên để xử lý nợ.

Các chuyên gia của WBG cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về giám sát và xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại một số nước để đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm rút ra những bài học cho hoạt động tái cơ cấu, giám sát và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo này, các chuyên gia nhất trí rằng công tác xử lý nợ xấu của các TCTD tại Việt Nam trong thời gian qua, bước đầu đã đạt được thành công. Nợ xấu được kiềm chế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2015 được đưa về mức 2,55% tổng dư nợ tín dụng.

Về phía VAMC, cũng đã phát huy được chức năng của mình trong việc phân bổ chi phí nợ xấu, hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp. Qua đó, góp phần xử lý nợ xấu và thúc đẩu tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

Tuy bước đầu thực hiện đã có nhiều kết quả khả quan, song nhiều ý kiến cũng cho rằng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn lớn đang gây rủi ro đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD tại Việt Nam. Hơn nữa, cơ chế và chính sách về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ...

Điều đáng mừng là mới đây Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8. Đây được coi là bước quan trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống TCTD và phát triển thị trường mua bán nợ.

Đại diện WBG cũng nhận định, xử lý nợ xấu thành công ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm hệ thống các ngân hàng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, tăng cường việc cho vay lành mạnh và củng cố hệ thống giám sát để ngăn chặn việc hình thành các khoản nợ xấu mới.