Những điểm mới của thị trường trái phiếu 2013

Tường Vi (Đầu tư Chứng khoán)

236.107 tỷ đồng là tổng khối lượng trúng thầu trong 312 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức kể từ năm 2010 đến ngày 30/11/2012.

Thị trường TPCP đã có bước phát triển nhanh chóng, đạt quy mô gần 20% GDP
Thị trường TPCP đã có bước phát triển nhanh chóng, đạt quy mô gần 20% GDP

Sang năm 2013, thị trường TPCP sẽ có thêm nhiều điểm mới để tăng tính hiệu quả của việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp và tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp với loại hàng hóa này.

“Dấu son” 2012

Tháng 8/2012, lần đầu tiên tín phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) có mặt trên sàn niêm yết được đánh giá như một điểm cộng, một “dấu son” của thị trường trái phiếu Việt Nam. Như bà Trần Minh Hằng, Phó tổng giám đốc KBNN nhận xét thì việc đưa tín phiếu lên sàn đã khiến tín phiếu trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường sơ cấp, tạo thuận lợi cho công tác huy động nguồn vốn ngắn hạn của Chính phủ. Cũng trong năm 2012, cùng với việc triển khai phát hành trái phiếu lô lớn (tạo nên những mã có quy mô từ 4.000 tỷ - 6.000 tỷ đồng), việc hoán đối TPCP đang làm giảm đáng kể số mã trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Hiện trên sàn HNX có hơn 100 mã trái phiếu do KBNN phát hành, giảm khoảng 20 mã so với thời điểm đầu năm. Quy mô niêm yết tăng bình quân từ 1.400 tỷ đồng/mã thời điểm đầu năm, lên khoảng 2.000 tỷ đồng/mã vào 30/11/2012.

Theo số liệu từ HNX, trên thị trường sơ cấp, trong 3 năm gần nhất (từ 2010 đến 30/11/2012), thông qua việc đấu thầu tại HNX, đã có 236.107 tỷ đồng được huy động, với tỷ lệ đấu thầu thành công trên tổng khối lượng gọi thầu tăng liên tục: 32% năm 2010 lên 48% trong năm 2012. Năm 2012, lần đầu tiên KBNN đạt chỉ tiêu huy động vốn qua TPCP. Đặc biệt, với cách tổ chức thị trường có tính cạnh tranh cao và thu hút được nhiều thành viên tham gia đấu thầu, lãi suất trúng thầu có xu hướng giảm dần, góp phần không nhỏ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc trả lãi trái phiếu hàng năm.

Đúng 12 năm trước, tháng 8/2000, TPCP lần đầu tiên được đưa vào giao dịch trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), đánh dấu việc TPCP là một loại hàng hóa trên TTCK. 5 năm sau đó, tháng 8/2005, TPCP cũng được đưa vào giao dịch trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nay là Sở HNX. Giữa năm 2008, Ủy Ban Chứng khoán quyết định chuyển TPCP từ sàn TP. Hồ Chí Minh sang tập trung niêm yết tại sàn Hà Nội và đến tháng 9/2009, HNX chính thức khai trương Hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt. Hệ thống giao dịch được nâng cấp liên tục, đáp ứng yêu cầu của thành viên.

Thị trường trái phiếu 2013 có gì mới?

Là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường TPCP, bà Trần Minh Hằng khẳng định, KBNN sẽ công bố kế hoạch phát hành TPCP năm 2013 theo lịch biểu và phương thức phát hành ngay từ đầu năm. KBNN cũng sẽ tập trung phát hành theo hình thức đấu thầu để tăng tính minh bạch và hiệu quả của việc phát hành TPCP. Năm 2013, KBNN tiếp tục phương thức phát hành lô lớn và phát hành bổ sung, đảm bảo quy mô 1 mã trái phiếu khoảng 5.000 - 8.000 tỷ đồng; tín phiếu khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2013 sẽ nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số sản phẩm mới như cho phép giao dịch TPCP trước khi về tài khoản, trái phiếu zero coupon…

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy Ban Chứng khoán cũng cho biết, hành lang pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thị trường giao dịch TPCP tại HNX là Quyết định 46/2008/QĐ-BTC, sắp tới sẽ được sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Trọng tâm của việc thay đổi pháp lý là sẽ tăng quyền hạn và nghĩa vụ của các thành viên giao dịch, cũng như trách nhiêm của các thành viên đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường trái phiếu trong việc chào mua, chào bán các kỳ hạn TPCP, thiết lập đường cong lợi suất cho TPCP, các nguyên tắc để xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán trong giao dịch mua bán lại nhằm thúc đẩy giao dịch repos.

Về sản phẩm mới, theo ông Sơn, trong Đề án TTCK phái sinh, sản phẩm đầu tiên dự kiến đưa vào áp dụng là Future trên TPCP. Khoảng 1 - 2 năm sau khi “chạy” thử nghiệm, sản phẩm phái sinh sẽ được phát triển trên thị trường cổ phiếu. Bên cạnh đó, Ủy Ban Chứng khoán đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính để rà soát cơ chế thu phí hiện hành, với quan điểm sẽ ưu đãi về phí giao dịch cho các thành viên tham gia tạo lập thị trường trái phiếu. Về thuế, ông Sơn chia sẻ, cơ quan quản lý sẽ được xem xét theo hướng hỗ trợ hơn với các thành viên. Trước đó, trong trao đổi với ĐTCK, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho rằng, mức thuế 5% trên trái tức đang làm giảm sự hấp dẫn của trái phiếu. Cũng theo ông Dominic, từ kinh nghiệm quốc tế, đầu tư vào tín phiếu, trái phiếu, về cơ bản nên được miễn thuế để thu hút các đối tượng tham gia.

Ở vai trò là đơn vị tổ chức thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, một trong những việc trọng tâm của HNX là phát triển phiên bản đấu thầu TPCP trên nền Internet, giúp việc đặt thầu của thành viên không bị giới hạn trên mạng của HNX, mà được mở rộng trên nền Internet kết nối với các hệ thống giao dịch thông tin quốc tế như Reuters, Bloomberg. Bên cạnh đó, năm 2013, HNX sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ chỉ báo thị trường, như đường cong lợi suất, chỉ số trái phiếu…, hoàn thiện việc cung cấp thông tin trên thị trường trái phiếu, phối hợp để phát triển các sản phẩm mới theo nhu cầu của nhà đầu tư. Một công cụ đã được áp dụng trên thị trường là hoán đổi trái phiếu kết hợp phát hành lô lớn cũng được HNX định hướng để trình Bộ Tài chính cho áp dụng với các tổ chức phát hành khác, sau khi đã triển khai cùng KBNN thành công.

Bằng sự hợp sức và nỗ lực của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, KBNN, VSD, Hiệp hội trái phiếu và mới đây có các chuyên giá GIZ, thị trường TPCP đã có bước phát triển nhanh chóng khi đạt quy mô gần 20% GDP và đáp ứng 1/3 nhu cầu của thị trường vốn. Với hệ thống pháp lý hiện hành, với cách tổ chức gắn kết chặt chẽ thị trường sơ cấp với thứ cấp, hệ thống trái phiếu ngắn hạn với dài hạn, cùng cơ chế đấu thầu, niêm yết, giao dịch, lưu ký, thanh toán được kết nối hoàn toàn, thị trường TPCP không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách, mà đang dần tiến tới là một thị trường trọng điểm, làm cơ sở để phát triển thị trường trái phiếu DN như Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2020 đã đề ra.

Ông Michael Herbert Krakowski, Trưởng đại diện Văn phòng GIZ (Đức)

Thị trường trái phiếu đang có những bước tiến đáng mừng và đây là nền tảng để chúng tôi tiếp tục tư vấn cho Việt Nam hoàn thiện thị trường trái phiếu. Nỗ lực hoán đổi trái phiếu để tạo ra các mã đủ lớn mà HNX và KBNN đang thực hiện là rất quan trọng nhằm tăng thanh khoản trên thị trường. Sang năm 2013, dự án mà chúng tôi đang thực hiện (một cấu phần của Chương trình hợp tác kinh tế mà Đức hỗ trợ Việt Nam) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoán đổi trái phiếu, phát triển sản phẩm mới và hệ thống thanh toán cho thị trường TPCP.

 

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Với khối lượng dư nợ TPCP hiện chiếm gần 20% GDP (khoảng 350.000 tỷ đồng- PV), đáp ứng gần 1/3 nhu cầu thị trường vốn, thị trường TPCP đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường nợ công, trở thành kênh huy động vốn và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Thị trường này đã góp phần vào công tác phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ thông qua các nghiệp vụ mua - bán TPCP. Lãi suất trên thị trường TPCP là kênh tham chiếu lãi suất trên thị trường nợ, phục vụ cho việc điều hành kinh tế vĩ mô của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.