Cổ phiếu dầu khí lại mang tới ‘niềm cảm hứng’ cho nhà đầu tư
Sau một thời gian khá dài gần như lặng sóng, cổ phiếu ngành dầu khí bất ngờ “nóng” trở lại cùng một số câu chuyện đáng chú ý xoay xung quanh. Dự báo trong năm 2024, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn được hỗ trợ bởi giá dầu và kết quả kinh doanh khả quan.
Ngay từ đầu phiên sáng 28/2, nhóm cổ phiếu dầu khí bất ngờ “nổi sóng” lớn. Một loạt các tên tuổi quen thuộc như BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), GAS (PV GAS), PVS (Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí), PVB (Bọc ống Dầu khí), PVT (PV Trans), PVC (PVCHEM), PLX (Petrolimex), OIL (PV OIL)… đua nhau “xanh” tích cực. Đáng chú ý, cổ phiếu PVD (PVDrilling) nhanh chóng tăng kịch trần trong tình trạng "cháy hàng" chỉ ít phút sau khi mở phiên, leo lên mức cao nhất trong vòng 9 năm và giữ vững “sắc tím” đến cuối phiên.
“Nóng” trở lại bằng các câu chuyện mới
Trước đó, nhóm dầu khí gần như lặng sóng một thời gian khá dài, bất chấp các doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh.
Điển hình, PV OIL báo cáo luỹ kế cả năm 2023 thu về hơn 5.811 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 540,6 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ ròng 154,8 tỷ đồng.
Petrolimex cũng có một năm kinh doanh khá ấn tượng. Theo đó, luỹ kế cả năm 2023, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 3.052 tỷ đồng, tương ứng lãi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, nhiều doanh nghiệp dầu khí khác cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng như: PVCHEM ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng 28,3% so với cùng kỳ, đạt 34,9 tỷ đồng; Vận tải Dầu khí báo lãi ròng đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 7,2%; Bọc ống Dầu khí Việt Nam với 3,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ ròng 12,9 tỷ đồng…
Trong thời gian gần đây, nhóm dầu khí lại đang có một số câu chuyện đáng chú ý xoay quanh. Đây được cho là những yếu tố tác động tích cực khiến giá cổ phiếu nhóm ngành này “nóng” trở lại.
Mới nhất là câu chuyện liên quan đến Saudi Aramco, một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu chính ở Trung Đông, gần đây đã hủy bỏ kế hoạch (công bố vào năm 2022) tăng công suất 8% lên 13 triệu thùng/ngày.
SSI Research lưu ý rằng chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan chủ yếu được thúc đẩy nhờ công suất sản xuất dầu tăng mạnh từ Trung Đông, do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược này đều có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan.
Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự án điện khí Lô B - Ô Môn được giới đầu tư theo dõi sát sao cũng có thêm những thông tin mới như Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề nghị các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ khâu hạ nguồn đang nằm trên đường găng tiến độ, đặc biệt là Dự án nhiệt điện Ô Môn IV; tập trung giải quyết các điều kiện để có được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) Dự án khí Lô B theo kế hoạch vào tháng 4/2024.
“Trong năm 2024, với dự báo giá dầu khó tăng mạnh, Dự án Lô B - Ô Môn vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiệt để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu khai thác dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Những tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn”, theo SSI Research.
Vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ trong năm 2024
Trong báo cáo triển vọng ngành dầu khí năm 2024, Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng việc giá dầu được dự báo ở mức 75-85 USD/thùng về cơ bản vẫn tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí trong nước.
Đồng thời, cơ hội của ngành dầu khí sẽ đến từ các dự án đầu tư thượng nguồn trong nước như Dự án Lô B – Ô Môn, Dự án Sư Tử Trắng 2B, Dự án Lạc Đà Vàng…
VPBankS dự đoán với việc kinh tế trong nước hồi phục, thương mại vận tải tăng sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt dự kiến được bổ sung từ Dự án LNG Thị Vải, khả năng cung cấp 1 triệu tấn (1,4 tỷ m3 khí). Cùng với đó, các dự án điện khí LNG nhập khẩu, dự án năng lượng tái tạo trên biển, sản xuất Amoniac xanh, Hydrogen tiếp tục được Chính phủ, bộ ngành quan tâm hoàn thiện các cơ chế chính sách để sớm đưa vào thực hiện đầu tư.
“Đây là cơ hội cho trung hạn và dài hạn của ngành dầu khí”, theo VPBankS.
Dù vậy, VPBankS lưu ý ngành dầu khí năm 2024 cũng đan xen với thách thức. Nếu giá dầu bị điều chỉnh giảm sâu xuống mức 50-60 USD/thùng, hoạt động đầu tư, khai thác và kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn.
Đồng thời, Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ lần 5, làm sản lượng có khả năng giảm khoảng 15% trong năm 2024.
Mặt khác, nhu cầu khí cho điện trong nước vẫn có khả năng tăng chậm. Năm 2024, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch huy động khí cho điện ở mức 4,19 – 4,47 tỷ m3, chỉ bằng 86% ước thực hiện năm 2023.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng các dự án đầu tư thượng nguồn và LNG sẽ là điểm nhấn triển vọng của ngành dầu khí năm 2024.
Theo đánh giá của SSI Research, ngành dầu khí có thể tiếp tục xu hướng phân hóa lợi nhuận trong năm 2024. Những cổ phiếu trung nguồn như PV GAS và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có thể tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận giảm khoảng 5%-10% do sản lượng tiêu thụ giảm bởi các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt (đối với PV GAS) và nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo trì (đối với Lọc hóa dầu Bình Sơn). Petrolimex sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi dương do sản lượng tăng trưởng ổn định.
Ngược lại, các công ty thượng nguồn như PVDrilling và Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ vào hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) sôi động trong khu vực và được hưởng lợi chính từ dự án Block B. Đáng chú ý, PVDrilling được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành (tăng khoảng 80%) phần lớn nhờ công suất hoạt động cao hơn và giá cho thuê giàn khoan ổn định.