Quy định về quản trị công ty đối với công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán năm 2019

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020

Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật Chứng khoán năm 2019). Luật Chứng khoán năm 2019 được ban hành bao gồm 10 Chương, 135 Điều với nhiều điểm mới nổi bật. Đặc biệt, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có quy định riêng tại Mục 2, Chương 3 về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Theo đó đã luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho việc thực thi các quy định này, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị công ty của các công ty đại chúng.

Đặc biệt, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có quy định riêng tại Mục 2, Chương 3 về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Nguồn: internet
Đặc biệt, Luật Chứng khoán năm 2019 đã có quy định riêng tại Mục 2, Chương 3 về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Nguồn: internet

Các văn bản quy phạm pháp luật về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Việt Nam

Kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (năm 2000), nhận thức rõ vai trò của quản trị công ty (QTCT) trong việc nâng cao tính minh bạch đối với môi trường đầu tư Việt Nam cũng như đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết theo Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP ngày 19/11/2002 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên khẳng định cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy áp dụng QTCT tại Việt Nam nhằm tạo ra một môi trường kinh tế Việt Nam công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp theo đó, Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010 đã quy định các nguyên tắc về QTCT đối với công ty đại chúng; Bộ Tài chính được giao quy định cụ thể về vấn đề này. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế QTCT áp dụng đối với công ty niêm yết và Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết. Sau 5 năm, để phù hợp hơn với thực tiễn thị trường Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng. Năm 2017, để bảo đảm tính phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng, đồng thời Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 95/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017.

Như vậy, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã ban hành 02 văn bản và Bộ Tài chính đã ban hành 04 văn bản hướng dẫn về QTCT tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường cũng như các công ty đại chúng có cơ sở pháp lý trong việc triển khai công tác QTCT, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch đối với các công ty đại chúng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường kinh tế công khai minh bạch.

Ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán năm 2019, trong đó có mục riêng các quy định về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng.

Những quy định quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán năm 2019

Luật Chứng khoán 2006 quy định nguyên tắc công ty đại chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp về QTCT và giao Bộ Tài chính ban hành quy định cụ thể về QTCT của công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán. Sau đó, Luật Chứng khoán năm 2010 đã quy định 04 nguyên tắc về QTCT đối với công ty đại chúng. Luật Chứng khoán năm 2019 quy định cụ thể 6 nguyên tắc QTCT áp dụng cho công ty đại chúng (Điều 40) bao gồm: (1) Cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; (2) Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị đối với công ty và cổ đông; (3) Bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; (4) Bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động QTCT; (5) Tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị của công ty; (6) Công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty; bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng.

Nội dung về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng (Luật Chứng khoán năm 2019, Điều 41):

- Quyền và nghĩa vụ của cổ đông: Luật Chứng khoán năm 2019 nêu rõ, cổ đông: (a) Được đối xử bình đẳng; (b) Được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do công ty công bố theo quy định của pháp luật; (c) Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (d) Cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty, của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật; (đ) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Việc triệu tập tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông: (a) Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục về triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về QTCT; bố trí địa điểm, thời gian hợp lý để các cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông; (b) Công ty đại chúng quy định tại Quy chế nội bộ về QTCT việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; (c) Công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm của công ty dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu; (d) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Thành phần, cơ cấu, trách nhiệm và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị: (a) Cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng bảo đảm sự cân đối giữa các thành viên Hội đồng quản trị điều hành và không điều hành, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập để bảo đảm tính độc lập của Hội đồng quản trị; (b) Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước cổ đông về hoạt động của công ty; bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và quy định nội bộ của công ty; xây dựng Quy chế nội bộ về QTCT trình Đại hội đồng cổ đông thông qua; bổ nhiệm người phụ trách QTCT và có các trách nhiệm, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty; (c) Hội đồng quản trị phải tổ chức họp ít nhất mỗi quý 01 lần theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về QTCT. Việc tổ chức họp Hội đồng quản trị, chương trình họp và các tài liệu liên quan được thông báo trước cho các thành viên Hội đồng quản trị theo thời hạn quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Đề cử, ứng cử thành viên Hội đồng quản trị: (a) Trường hợp đã xác định được ứng cử viên Hội đồng quản trị, công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến các ứng cử viên tối thiểu 10 ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông trên trang thông tin điện tử của công ty để cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng cử viên này trước khi bỏ phiếu; (b) Trường hợp số lượng ứng cử viên Hội đồng quản trị thông qua đề cử và ứng cử vẫn không đủ số lượng cần thiết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Hội đồng quản trị đương nhiệm có thể giới thiệu thêm ứng cử viên hoặc tổ chức đề cử theo quy định tại Điều lệ công ty và Quy chế nội bộ về QTCT.

- Quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị: (a) Được cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty; (b) Thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách trung thực, cẩn trọng vì lợi ích cao nhất của cổ đông và của công ty; (c) Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng quản trị và có ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận; (d) Báo cáo kịp thời, đầy đủ với Hội đồng quản trị các khoản thù lao nhận được từ các công ty con, công ty liên kết và các tổ chức khác; (đ) Báo cáo, công bố thông tin khi thực hiện giao dịch cổ phiếu của công ty theo quy định của pháp luật; (e) Quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Việc tuân thủ các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và công bố thông tin minh bạch: (a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng có trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan, không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (b) Công ty đại chúng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), người quản lý khác của công ty, cổ đông và những người có liên quan can thiệp vào hoạt động của công ty, gây tổn hại cho lợi ích của công ty; tuân thủ các quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi liên quan đến công ty; (c) Công ty đại chúng có nghĩa vụ báo cáo, công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ, thông tin bất thường về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, tình hình QTCT cho cổ đông, công chúng và các thông tin khác nếu thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán, quyết định của cổ đông và nhà đầu tư; (d) Các thông tin phải công bố và phương thức công bố thông tin được thực hiện theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và Quy chế về công bố thông tin của công ty. Trong đó, có nội dung thay đổi là trường hợp Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu, công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán BCTC của công ty dự họp thay vì nội dung có thể mời đại diện công ty kiểm toán độc lập dự họp (điểm c khoản 2 Điều 41 Luật Chứng khoán).

Định hướng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019

TTCK đóng vai trò là một kênh dẫn vốn hiệu quả giúp kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển một TTCK minh bạch hiệu quả có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.

Đối với Việt Nam, yêu cầu hình thành nền tảng QTCT là yêu cầu cấp thiết và phải được thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tại các công ty đại chúng đang huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam đang chủ động tham gia hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.

Luật Chứng khoán năm 2019 với nhiều quy định mới nhằm ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư và niềm tin của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Chứng khoán năm 2019 có một mục riêng quy định về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng, trong đó tại Khoản 7 Điều 41 giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung về QTCT áp dụng cho công ty đại chúng.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua năm 2020 nhằm phù hợp với thực tiễn, cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi có nhiều điểm mới về các nội dung liên quan đến QTCT của công ty đại chúng như  cổ đông, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

Bên cạnh đó, năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ban hành Bộ nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất đầu tiên của Việt Nam. Bộ Nguyên tắc QTCT theo Thông lệ tốt nhất đầu tiên của Việt Nam được ra mắt với mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đưa ra một loạt khuyến nghị về thông lệ QTCT tốt nhất theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trọng tâm dành cho các công ty đại chúng tại Việt Nam.

Bộ nguyên tắc bao gồm các tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật, khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất. Bộ Nguyên tắc tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên trong thực thi QTCT của các doanh nghiệp Việt Nam. Sáu trong số mười nguyên tắc tập trung vào chức năng hoạt động của Hội đồng quản trị, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa tại nhiều doanh nghiệp trong nước. Bốn nguyên tắc còn lại gồm các lĩnh vực như: Môi trường kiểm soát, công bố thông tin và minh bạch, quyền của cổ đông và quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan. Bộ nguyên tắc cũng gồm các điều khoản liên quan tới kinh doanh có trách nhiệm như thúc đẩy đa dạng giới và khuyến khích sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề môi trường và xã hội trong Hội đồng quản trị.

Bộ nguyên tắc được thực hiện thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ QTCT tốt nhất và theo dõi, giám sát việc các công ty đại chúng áp dụng bộ nguyên tắc này. Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng của MSCI và FTSE nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên việc tạo ra một hệ thống quản trị minh bạch tại các doanh nghiệp là điều cần được thúc đẩy.

Căn cứ vào các nội dung nêu trên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về QTCT áp dụng cho công ty đại chúng hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc và nội dung quy định tại Luật Chứng khoán và Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về QTCT áp dụng cho công ty đại chúng nêu trên. Trong đó, nội dung Dự thảo Nghị định quy định về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng được phát triển trên cơ sở nội dung Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng do Chính phủ ban hành, cập nhật, hướng dẫn các quy định mới tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung mới theo Bộ nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất để đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất cho các tổ chức và cá nhân thực hiện.

Về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng, nội dung dự kiến hướng dẫn gồm: Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty đại chúng; Quy chế nội bộ về QTCT; Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị...   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Chứng khoán 2006; Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010; Luật Chứng khoán năm 2019;

2. Bộ Tài chính, Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng đối với công ty niêm yết;

3. Bộ Tài chính, Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết;

4. Bộ Tài chính, Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng;

5. Chính phủ, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với công ty đại chúng;

6. Bộ Tài chính, Thông tư số 95/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017.