Sau 4 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: “Cục máu đông nợ xấu tan dần”

Văn Trường

Đó là nhận định của ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng vàTài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu”, do Viện Kinh tế Việt Nam và Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư – BizLIVE phối hợp tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.

Các diễn giả, chuyên gia tham dự tại Hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Các diễn giả, chuyên gia tham dự tại Hội thảo. Ảnh: Văn Trường

Còn khoảng 2,9% nợ xấu

Ghi nhận và khái quát kết quả của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn 2011-2015, ông Đặng Ngọc Đức đã đề ra 4 mảng chính.

Thứ nhất, vấn đề thiếu thanh khoản của hệ thống được giải quyết. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát phi mã, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi lãi suất liên ngân hàng có lúc đã lên đến 30% và đẩy lãi suất huy động lên đến 18-20% vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, vượt xa mức trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra…

Việc hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động thị trường mở, một mặt đã giúp cải thiện tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khai thông ách tắc của thị trường liên ngân hàng, nhưng mặt khác lại không gây ra sức ép lạm phát do những biện pháp hút tiền về đúng kỳ hạn của NHNN. Nhờ vậy, tình trạng thanh khoản của các tổ chức trong hệ thống đã được cải thiện, trở nên ổn định và khá dồi dào từ giữa năm 2012.

Thứ hai, các TCTD yếu kém được xử lý. Các TCTD có quy mô lớn hơn và có tình hình tài chính tốt đã tham gia vào việc tái cấu trúc các TCTD nhỏ hơn.Trong đó, đáng chú ý là việc khuyến khích thực hiện giải pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD, lành mạnh hoá tài chính, tăng quy mô và chất lượng vốn tự có.

Thứ ba, tạo được nền tảng và trụ cột cho phát triển bền vững hệ thống ngân hàng thông qua cơ cấu toàn diện các TCTD hoạt động bình thường.Các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD cả về quy mô về vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng.

Thứ tư, sáng tạo và thành công trong xử lý nợ xấu với các biện pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đặc biệt, kể từ khi Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn, chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của NHNN, tham gia xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Kết quả là, tính đến ngày 31/8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 420.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng trên 91% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Kết quả xử lý nợ xấu nói trên đã đưa tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2015 chỉ còn 3,21% và đến tháng 9/2015 chỉ còn khoảng 2,9%. “Như vậy có thể nói, “cục máu đông” nợ xấu đã được xử lý tan dần”, ông Đức, nhận định.

Tái cấu trúc dưới góc độ quản trị

Chia sẻ tại hội thảo về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Theo kinh nghiệm quản trị của thế giới, để tái cấu trúc thành công, chúng ta chỉ cần làm thiếu 3 yếu tố “chuẩn bị tái”; “hành động tái”; “định vị” là chúng ta thua cả trận”.

Yếu tố thứ nhất là chuẩn bị tái:

Việc chuẩn bị tái cấu trúc ngân hàng phảimất từ 3 đến 4 năm là chuyện bình thường. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không thành công một phần cũng do thời gian chuẩn bị còn thiếu, tương tự với dự án mía đường…

Trước tiên, phải chọn người lãnh đạo tái. Vừa qua, NHNN nhận vị trí chỉ huy tiến trình tái cấu trúc. Để chuẩn bị, người lãnh đạotáilà pháp nhân phải hội tụ đủ 3 quyền, ông Dương liệt kê. Một là, pháp lý, người lãnh đạo phải được trao đủ quyền để chi phối; Hai là chuyên môn, người lãnh đạo phải làm cho kẻ bịtáitâm phục, khẩu phục; Ba là cá nhân, người lãnh đạo phải đại diện cho sự minh bạch, đàng hoàng…

Yếu tố thứ hai là hành động tái:

Với những hành động đã thành công, cần phải chỉ rõ để kế thừa, ông Dương nhấn mạnh. Đầu tiên, phải tập trung vào những hành vi có kết quả, bỏ qua những hành vi đơn thuần mang tính bao cấp. Đó là tăng kiểm tra, tăng kiểm soát, đẩy mạnh M&A…

Thứ hai là không tái nhiều vấn đề cùng một lúc. Cần chọn đúng điểm để toái, có lúc tập trung vào vốn, lúc tập trung vào thanh khoản, lúc tỷ giá,. Sau khi có kết quả, lập tức pháp lý hóa ngay. Nếu không sẽ quay về trạng thái ban đầu.

Yếu tố thứ ba là định vị:

Theo ông Lê Thẩm Dương, 3 năm tái cơ cấu đặt ra 4 định vị:

Định vị 1: Tính cơ cấu, chúng ta mới giải xong những vấn đề phi hệ thống, chưa giải quyết được những cái hệ thống, đó là số lượng ngân hàng là bao nhiêu, loại hình ngân hàng, mô hình, thị phần ra sao? Việt Nam đang vừa thừa, nhưng cũng vừa thiếu.

Định vị 2: Tính chất lượng chứ không phải cơ cấu. Quy mô ngân hàng đã đủ lớn để hội nhập chưa? Ít nhất phải có hai ngân hàng để “chiến đấu” trong khu vực. Tiếp đến là chất lượng ngân hàng, đặc biệt là quản trị. 60% huyệt tử của ngân hàng liên quan đến quản trị, thứ hai là chất lượng nhân sự, thứ ba là vốn.

Định vị 3: Nợ. Chúng ta đang tập trung vào nợ xấu, trong khi cái cần dè chừng hơn là nợ chưa xấu nhưng có nguy cơ xấu.

Định vị 4: Hoàn thiện tiếp tục các văn bản pháp lý.

Cần xử lý những“nút thắt”…

Để giải quyết những “nút thắt” trong tương lai của hệ thống ngân hàng, theo PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 4 nhóm vấn đề ngân hàng phải xử lý:

Thứ nhất, bản thân ngân hàng có vấn đề. Việt Nam có “hội chứng” từ mía đường, bia, xi măng, đại học, ngân hàng cũng có nguy cơ hội chứng là thành lập thương mại cổ phần và từ ngân hàng nông thôn phát triển thành ngân hàng đô thị, phát sinh nhiều vấn đề, ẩn sau đó là nền móng của sở hữu chéo

Thứ hai, nền kinh tế áp dụng quá lâu mô hình tăng trưởng trong đó mô hình tăng trưởng dựa vào vốn tín dụng dễ dàng. Được tuyên truyền là cơ hội của nền kinh tế, về mặt nguyên lý là “ngon” nhưng càng "ngon" càng chứa đựng nhiều rủi ro.

Thứ ba, ngân hàng phải gánh vác nhiệm vụ, nhiều việc không phải của mình. Từ hệ thống ngân hàng chỉ phục vụ nhà nước sang nhân dân nhưng vừa qua Ngân hàng Nhà nước lại chuyển sang phục vụ nhà nước. Điều này đang đặt ra câu chuyện nhiều vấn đề phải bàn. Khi ngân hàng làm nhiều việc không phải của mình không làm giỏi được thậm chí sai, cái sai nghiêm trọng là chức năng. Hiện tái cơ cấu ngân hàng cần xem lại.

Thứ tư, khi nền kinh tế rơi vào khẩn cấp thường sử dụng nhiều biện pháp hành chính. Sau khi vào WTO lạ lùng là đáng nhẽ thị trường hoá nhiều hơn. Chính những biện pháp hành chính mang tính chữa cháy càng làm bất ổn tăng thêm.

Đồng tình với quan điểm của ông Thiên, ông Đặng Ngọc Đức đã chỉ ra một số “nút thắt” trong tương lại có thể ảnh hưởng quá trình tái cơ cấu.

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu hệ thống các TCTD, triển khai các biện pháp miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD được cơ cấu lại. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

Thứ hai, cần có các biện pháp xử lý các nút thắt về tài sản đảm bảo, hỗ trợ các TCTD đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.

Thứ ba, xem xét tăng vốn cho các Ngân hàng thương mại nhà nước để tăng năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel II.

Thứ tư, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa tái cấu trúc các TCTD với tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia mong muốn không phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một lần nữa. Muốn vậy, trong thời gian tới, các khoản nợ mới cần được chú ý, rút kinh nghiệm các bài học đã qua, các khoản vay này được nâng cao chất lượng để sau một thời gian nữa chúng ta sẽ không phải lặp lại câu chuyện tái cơ cấu này.

“Nếu biểu hiện của một hệ thống ngân hàng lành mạnh là biểu hiện ở 2 công cụ chính của chính sách tiền tệ: lãi suất, tỷ giá. Nếu theo được chuẩn mực chung của thế giới thì chúng ta hoàn toàn yên tâm về việc cơ cấu hệ thống đã về mức bình thường”, ông Hà Huy Tuấn, nhận định./.

Từ ngày 1/1/2015 đến 20/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD được 13.079 khoản nợ tương ứng với 90.226 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 82.729 tỷ đồng của 39 TCTD. Lũy kế từ năm 2013 đến ngày 20/10/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 218.901 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 191.381 tỷ đồng giá mua nợ. Nguồn: VAMC