Thị trường chứng khoán: Rủi ro cao khi thanh khoản tăng nóng

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Đi cùng với điểm số tăng nóng trong những phiên giao dịch tháng 1 là khối lượng giao dịch tăng đột biến. Điều này gây nên tâm lý e ngại về khả năng thị trường đang trong giai đoạn phân phối tại vùng giá đỉnh cao.

Với đà tăng quá nóng thời gian qua thì thị trường có vẻ như sắp bước vào một đợt điều chỉnh. Nguồn: internet
Với đà tăng quá nóng thời gian qua thì thị trường có vẻ như sắp bước vào một đợt điều chỉnh. Nguồn: internet

Tăng quá nóng

Trong tuần qua, dù chỉ giao dịch 3/5 phiên do có 2 phiên phải tạm ngưng vì hệ thống phải sửa chữa, nhưng chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng đến 5% và lên mức cao nhất trong 11 năm qua tại 1.115,6 điểm. So với đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng 131 điểm, tương đương 13,4%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2007 đến nay.

Khối lượng giao dịch ở mức cao đặc biệt từ 400 - 500 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 200 triệu USD trên sàn HOSE trong năm qua. Phiên giao dịch đột biến nhất là ngày 25/1 khi có hơn 445 triệu cổ phiếu được trao tay, tương ứng 631 triệu USD. Còn nếu tính luôn cả sàn HNX và UPCOM thì tổng giá trị giao dịch ngày 25/1 lên đến 732,4 triệu USD, tương đương 14.200 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó có nhiều cổ phiếu liên tiếp đạt mức tăng trưởng rất mạnh do kết quả kinh doanh quý IV/2017 hé lộ dần với kết quả tích cực. Như giá cổ phiếu Vietcombank đã gần chạm mốc 70.000đ/CP, sớm hơn rất nhiều so với kỳ vọng và dự báo của giới đầu tư.

Tuy nhiên, với khối lượng giao dịch tăng đột biến gần đây khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường đang trong giai đoạn phân phối, nhất là khi giá nhiều cổ phiếu đang ở đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là với thông tin tăng tỷ lệ ký quỹ theo đề nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể được áp dụng trong thời gian tới càng khiến giới đầu tư lo ngại sẽ tác động xấu đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Phía sau hiện tượng thanh khoản tăng mạnh

Đầu tiên là do thời gian qua, thị trường liên tiếp đón nhận nhiều doanh nghiệp mới lên sàn với lượng cổ phiếu lưu hành khổng lồ, do đó thanh khoản tăng lên là điều tất yếu. Cụ thể như HDbank lên sàn ngày 5/1 với khối lượng cổ phiếu lưu hành gần 981 triệu, VRE với 1,9 tỷ, VPbank gần 1,5 tỷ...

Với đà tăng quá nóng thời gian qua thì thị trường có vẻ như sắp bước vào một đợt điều chỉnh và mất nhiều thời gian để củng cố lại, nhất là khi việc tăng điểm vừa qua phụ thuộc nhiều vào sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ có sự phân hóa lớn, cho thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư không hề lan tỏa trên toàn thị trường.

Cùng với điểm số và khối lượng giao dịch tăng mạnh là mua ròng rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu tập trung vốn vào các doanh nghiệp vốn hóa lớn trong nhóm VN 30 nên càng làm giá trị giao dịch tăng lên mạnh mẽ. Cụ thể như trong phiên ngày 25/1, giá trị giao dịch của chỉ số VN 30 là 6.891 tỷ đồng, chiếm 56,6% tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE.

Thị trường tăng mạnh suốt thời gian qua dẫn đến hiện tượng chốt lời là tất yếu, tuy nhiên điểm sáng tích cực là dòng tiền hấp thu cũng rất lớn cho thấy tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục duy trì ở mức cao. Điểm đáng chú ý là dòng tiền không có sự lan tỏa trên thị trường mà chỉ tập trung vào một số nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Đối với phiên khớp lệnh kỷ lục ngày 25/1, với khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng hơn 81% và sàn HNX tăng hơn 47% so với ngày trước đó thì có thể giải thích là do ảnh hưởng của 2 ngày tạm ngưng giao dịch. Cụ thể với những nhà đầu tư mua trước đó khi T+3 hàng về thì có thể bán ra ngay vào ngày thứ 3 và thứ 4, tuy nhiên do thị trường ngừng giao dịch nên phải đợi đến thứ 5 mới bán được, trong khi lượng mua hôm thứ 2 thì đến thứ 5 hàng cũng về nên đẩy ra luôn do lo ngại sẽ có phiên xả hàng khi hệ thống giao dịch có vấn đề.

Dù vậy, trái với mọi lo ngại, các chỉ số tiếp tục leo cao trong phiên ngày 25/1 khi tăng hơn 17 điểm, tương ứng với mức tăng gần 1,6%. Với đà tăng quá nóng thời gian qua thì thị trường có vẻ như sắp bước vào một đợt điều chỉnh và mất nhiều thời gian để củng cố lại, nhất là khi việc tăng điểm vừa qua phụ thuộc nhiều vào sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ có sự phân hóa lớn, cho thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư không hề lan tỏa trên toàn thị trường.

Đáng chú ý là các đợt chốt lời ở các mã lớn ngày càng tăng trong khi lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vốn là bệ đỡ tâm lý cho thị trường suốt thời gian qua cũng giảm dần, do đó càng ảnh hưởng lên các nhà đầu tư trong nước. Với những gì đang diễn ra, có vẻ như cơ hội kiếm lời đang ngày càng thu hẹp lại, và một sự điều chỉnh là rất cần thiết để thu hút thêm dòng tiền mới tham gia cũng như dòng tiền đã chốt lời rút ra quay trở lại thị trường.