Thúc đẩy dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc - Cơ hội cho chứng khoán Việt Nam

Theo Tạp chí Chứng khoán 05/2018

Tính đến tháng 3/2018, Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam năm 2017 với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 61,5 tỷ USD, tăng trưởng 41,3%...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam luôn là điểm đến thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc

Ngày 18/4/2018 tại Seoul – Hàn Quốc, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư (XTĐT) gián tiếp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì đã thành công tốt đẹp.

Với nội dung chính tập trung vào đối thoại chính sách cởi mở giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, Hội nghị nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam, trong đó trọng tâm là thu hút các tập đoàn tài chính lớn, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư của Hàn Quốc đầu tư vào các công ty đại chúng, trái phiếu chính phủ, vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam nói chung thông qua TTCK.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 350 nhà đầu tư Hàn Quốc đến từ các quỹ đầu tư và tập đoàn tên tuổi như: KB Financial Group, Lotte Group, Hyundai, Daewoo Corporation, Samsung Corporation, SK Group, POSCO, Shinsegae Group; Các công ty quản lý tài sản như: Mirae Assets, STIC Investment Inc, Hanwha Asset Management, Eastspring Investments, Woori Investment, Fides Investment; Các ngân hàng lớn như: Citibank, Woori Bank, Shinhan Bank, Daegu Bank; Các tập đoàn bảo hiểm như: Samsung Life Insurance, Kyobo Life Insurance, Hanwha Life Insurance, ABL Life Insurance...

Sự kiện cũng có sự tham dự của các tập đoàn, công ty Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực năng lượng, điện, truyền thông, đồ uống, dịch vụ giải trí, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xây dựng, dược, tư vấn luật...

Ngoài ra, còn có đại diện của Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc...

Về phía Việt Nam là sự hiện diện của 20 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước đang trong quá trình thực hiện CPH hoặc dự kiến CPH trong thời gian sắp tới, sang tìm kiếm cơ hội giao thương cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp của mình.

Trước khi Hội nghị chính thức diễn ra, doanh nghiệp hai bên đã có cơ hội tìm hiểu thông tin về nhau qua danh sách do ban tổ chức cung cấp.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của đối tác Hàn Quốc như Tổng Công ty (TCT) Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC), TCT Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Công ty Mua bán nợ (DATC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn An Phát.... Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký trước với Ban tổ chức để được sắp xếp những cuộc tiếp xúc song phương với đối tác mình quan tâm.

Không chỉ dừng ở đó, nhiều cuộc gặp gỡ không được lên lịch trước đã diễn ra ngay bên lề Hội nghị để tìm hiểu khả năng đầu tư, chiến lược phát triển, hoặc để tìm hiểu cách thức thành lập doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn rõ rệt của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc.

Quan hệ đầu tư Việt – Hàn với những con số ấn tượng

Tính đến tháng 3/2018, Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam năm 2017 với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 61,5 tỷ USD, tăng trưởng 41,3%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong giai đoạn 1992 - 2016, Hàn Quốc đã cung cấp cho Việt Nam 2,7 tỷ USD vốn vay ODA để thực hiện khoảng 60 dự án về cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, cấp thoát nước, đào tạo nghề... Đây đều là những lĩnh vực cơ sở hạ tầng được Việt Nam ưu tiên và có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Trong bối cảnh Hàn Quốc vừa ban hành Chính sách hướng Nam mới1, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khối ASEAN mà Hàn Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển quan hệ về mọi mặt, trong đó có hợp tác thúc đẩy đầu tư và thương mại.

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng quy mô lớn cũng như sự quan tâm của Hàn Quốc đối với tiến trình CPH DNNN và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, hai bên cùng thúc đẩy hợp tác thương mại phát triển cân bằng, bền vững, nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị XTĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sự đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam đối với sự hiện diện của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc trong gần ba thập niên qua. Hiện tại, Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN.

Đến tháng 3/2018, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 59 tỷ USD. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm tại Việt Nam là hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, CPH và thoái vốn các DNNN. Trong thời gian qua, Việt Nam đã nới lỏng quy định về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Với mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành CPH 64 doanh nghiệp lớn và thực hiện thoái vốn tại 189 doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần trong năm 2018, vẫn còn nhiều tiềm năng dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong tiến trình CPH và thoái vốn các DNNN của Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  (UBCKNN) cho biết, trong thời gian qua, Hàn Quốc không những đã trở thành đối tác số một về đầu tư trực tiếp mà đầu tư gián tiếp cũng đang tăng mạnh và có mức tăng mạnh nhất từ quý IV/2017.

Hàn Quốc có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ và đặc biệt là có 05 công ty chứng khoán do Hàn Quốc sở hữu 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối trên 90%.

Các công ty chứng khoán này đã và đang cùng các ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc bắc cầu cho dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng con số gần 5.000 tài khoản và giá trị danh mục của nhà ĐTNN đến từ Hàn Quốc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tăng cường sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam

Không phải là thị trường mới, nhưng TTCK Việt Nam luôn giữ vị trí cao trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau 18 năm  chính thức vận hành, TTCK Việt Nam từ chỗ được biết đến là một thị trường non trẻ, quy mô khiêm tốn, đến nay đã trở thành là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.

Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là gần 84% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm.

Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết (DNNY)/đăng ký giao dịch (ĐKGD) thì cho đến nay, thị trường có 1.467 DNNY, ĐKGD trên 2 Sở (trong đó có 743 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết và 724 cổ phiếu ĐKGD trên thị trường UPCoM), và có gần 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau đã tham gia TTCK như Vinamilk, Vin Group, Novaland, Sabeco, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Petrolimex, Vpbank… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Techcombank, Vinhomes… Trong năm 2017, có 92,5% DNNY có lãi, tổng doanh thu tăng 18,5% và tổng lợi nhuận sau thuế tăng 27,5% so với năm 2016.

VN Index - chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam đã tăng trưởng hơn 48% trong năm 2017. Đến thời điểm quý I/2018, VN Index tiếp tục tăng trưởng thêm 19,3% trong khi HNX Index tăng trưởng 13,3%.

Thanh khoản của TTCK tăng mạnh. Nếu năm 2017, thanh khoản thị trường tăng 66% so với năm 2016 thì sang quý I/2018 đã tăng gần 76% so với năm 2017, và đang giao dịch ở mức khoảng 390 triệu USD/ngày.

Về cấu trúc của thị trường, từ một thị trường cổ phiếu nhỏ bé khai trương vào năm 2000, đến nay, TTCK Việt Nam đã có một hệ thống thị trường với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường cổ phiếu được tổ chức ở 2 SGDCK, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) được tổ chức tại SGDCK Hà Nội có quy mô đạt 19% GDP, giao dịch bình quân năm 2017 đạt gần 400 triệu USD/ngày và mới đây là TTCK phái sinh (khai trương tháng 8/2017).

Mặc dù mới ra đời chưa được 01 năm và mới chỉ có 01 sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, nhưng TTCK phái sinh đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 42%/tháng và đang thu hút được mối quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN cho rằng sự phát triển nhanh và vững chắc của TTCK trong những năm qua là tổng hòa của nhiều yếu tố, nhưng có lẽ quan trọng nhất là sự tăng trưởng ở mức cao của GDP cũng như sự ổn định của các chỉ tiêu vĩ mô trong một khoảng thời gian khá dài, cùng với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ hội công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong năm 2018 và những năm tới, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững về quy mô và tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư dựa vào các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo khả quan với mức tăng trưởng trong khoảng từ 6,7% - 7% các năm 2018 - 2020. Các chỉ tiêu cơ bản khác như lạm phát, lãi suất, tỷ giá đều được đánh giá là trong tầm kiểm soát.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam kiến tạo và năng động sẽ tiếp tục có nhiều chính sách để khởi động tiềm năng của Việt Nam và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút hơn nữa các nhà ĐTNN.

Thứ ba, dòng vốn đầu tư của nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và dòng vốn toàn cầu sẽ có sự điều chỉnh.

Năm 2017, giá trị dòng vốn vào ròng trên TTCK Việt Nam đạt 3 tỷ USD, cao gấp 2,2 lần so với năm 2016; và trong quý I/2018 đã vào ròng gần 917 triệu USD. Giá trị danh mục nắm giữ của nhà ĐTNN đến cuối quý I/2018 đã đạt 38,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2017.

Thứ tư, trong năm 2018, Chính phủ có kế hoạch thoái vốn tại 181 doanh nghiệp cổ phần và CPH 64 DNNN, sẽ tạo thêm một lượng hàng hóa lớn cho TTCK; và cũng là cơ hội lớn cho các nhà ĐTNN.

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, CPH DNNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tiếp tục thực hiện hoạt động tái cấu trúc, đưa ra các sản phẩm mới cho TTCK như HĐTL TPCP (quý III/2018), và chứng quyền đảm bảo (tháng 5/2018); triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên TTCK Việt Nam mà nhà ĐTNN gặp phải nhằm hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới; xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu và các sản phẩm khác; nghiên cứu bổ sung phương thức dựng sổ vào Nghị định CPH; triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành bộ Nguyên tắc quản trị công ty; thúc đẩy cơ chế giám sát tính minh bạch thông tin của các công ty đại chúng... nhằm tăng độ tin cậy và thu hút các nhà ĐTNN.

Trước khi Hội nghị diễn ra, ban tổ chức đã gặp gỡ, thu thập thông tin của các doanh nghiệp Hàn Quốc có đầu tư tại Việt Nam, các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty luật quốc tế, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam... nhằm tìm hiểu mối quan tâm cũng như vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư Hàn Quốc khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Việc xác định đúng nhu cầu của nhà đầu tư được đặt lên hàng đầu để xây dựng được một kịch bản đối thoại chính sách phù hợp, trọng tâm là rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ trong việc mời gọi nhà ĐTNN.

Hội nghị XTĐT gián tiếp lần này của Bộ Tài chính tại Seoul đã tạo được dấu ấn thành công nhất định, khi thu hút được sự quan tâm nhiệt tình của đông đảo nhà đầu tư Hàn Quốc, quan trọng hơn là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.

Sau Hội nghị, đã có nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đến tiếp xúc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cũng như đến trụ sở của UBCKNN để trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề và đề nghị tổ chức tiếp những hội nghị chuyên sâu theo ngành, cung cấp thêm thông tin hỗ trợ quá trình tìm hiểu đầu tư  vào Việt Nam trong thời gian tới.