Ủy thác đầu tư: Không chỉ dựa trên niềm tin

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Với cam kết mang lại lợi nhuận từ 30 - 40%/năm cho các nhà đầu tư, dịch vụ ủy thác đầu tư tài chính đã thu hút nhiều người có tiền nhàn rỗi. Thực tế, hình thức đầu tư này giúp thị trường chứng khoán gia tăng dòng tiền, nhưng sự phát triển theo hướng tự phát như hiện nay đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) xôn xao vụ nhóm 51 nhà đầu tư bị thiệt hại gần 53 tỷ đồng khi ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nobel Global. Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro không những về kỹ thuật, mà còn là đạo đức đầu tư.

Thực tế, đã có nhiều sự việc đáng tiếc diễn ra trước đó, và câu chuyện lần này lặp lại với nhóm nhà đầu tư chưa tham gia nhiều với TTCK.

Cam kết lợi nhuận khủng

Theo đơn tố cáo, các nhà đầu tư này thực hiệnủy thác đầu tư cá nhân cho ông Nam với nội dung thỏa thuận là để đầu tư chứng khoán phái sinh. Tổng số tiền ủy thác do hai bên xác nhận đến thời điểm 12/1/2020 là gần 72 tỷ đồng.

Thời gian ủy thác của từng nhà đầu tư là khác nhau nhưng nằm trong giai đoạn từ tháng 10/2018 - 12/2019. Trong vài tháng đầu ủy thác, các nhà đầu tư vẫn nhận được tiền chia lãi hàng tháng. Tổng số tiền lợi nhuận các nhà đầu tư nhận được theo báo cáo của ông Nam là gần 12 tỷ đồng.

Theo cam kết ban đầu ủy thác chỉ để đầu tư chứng khoán phái sinh, mục tiêu đầu tư đạt khoảng 4%/tháng, chia lợi nhuận khi lãi 5%/tổng vốn, và trường hợp rủi ro tỷ lệ chia lỗ (cắt lỗ) là 20% trên tổng vốn, quá 20% thì ngừng giao dịch.

Đáng chú ý, toàn bộ thỏa thuận giữa ông Nam và nhà đầu tư đều chỉ bằng lời nói, tin nhắn, chứ không thông qua bất cứ một văn bản hay hợp đồng thoả thuận uỷ thác đầu tư nào.

Thực tế, dịch vụ ủy thác đầu tư không còn quá mới mẻ với TTCK, nhất là trong thời kỳ TTCK sôi động. Một số trường hợp ủy thác đầu tư còn được cam kết trả lợi suất cố định.

Phổ biến nhất hiện nay là dịch vụ ủy thác giữa nhà đầu tư và nhà quản lý tài khoản (môi giới), dựa trên phương thức nhận vốn ủy thác của nhà đầu tư theo kỳ hạn. Giá trị ủy thác đầu tư hiện cũng rất đa dạng, từ 200 triệu đồng đến nhiều tỷ đồng.

Chị M.T – một người ủy thác đầu tư cho biết, theo thỏa thuận miệng, môi giới được toàn quyền ra quyết định mua, bán, nắm giữ cổ phiếu và quản lý danh mục đầu tư. Có quý, môi giới kiếm về cho chị lợi nhuận đến 50% vốn, khi chốt lời, chị chia lại cho môi giới 30% trên tổng số lợi nhuận.

Hay như trường hợp của chị T.L, thỏa thuận giữa chị và bên nhận ủy thác là nếu lợi nhuận đầu tư nhỏ hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng (khoảng 7%/năm) thì chị T.L được giữ lại toàn bộ. Trong trường hợp lợi nhuận đầu tư lớn hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, chị T.L chỉ phải trả 30% trên số lợi nhuận đã trừ đi lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Tất nhiên, những cam kết giữa hai bên cũng chỉ là cam kết miệng.

Nếu muốn ủy thác đầu tư, các nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” 
Nếu muốn ủy thác đầu tư, các nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” 
 

Ai chịu rủi ro?

Thực tế, trong bối cảnh TTCK tăng mạnh như các năm 2015, 2016, 2017, việc mang về mức lợi nhuận 30%/năm không quá khó, nhưng khi thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, nhà đầu tư chính là người chịu thiệt.

Ông Trà Quang Vũ - Chuyên viên môi giới phái sinh, Chứng khoán VPS cho biết: “Trong nghiệp vụ ủy thác đầu tư chứng khoán đã cam kết rất rõ ràng rằng kết quả lời hay lỗ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kiến thức và kinh nghiệm của người môi giới hoặc người được ủy thác, nhà đầu tư không kiểm soát được. Do đó, khi bị thua lỗ, người chịu lỗ chính là nhà đầu tư”.

Cũng theo chị M.T, sau thời gian đầu kiếm được lợi nhuận trên TTCK, đến khi xu hướng TTCK giảm, chị lại bị lỗ hết số tiền lãi đã kiếm được trước đó, thậm chí âm tới 30% vốn. “Do tôi không có thời gian theo dõi, môi giới không kịp cắt lỗ, nên đành để cổ phiếu trong tài khoản luôn đến giờ”, chị nói.

Ngay cả khi hợp đồng ủy thác cam kết trả lợi suất cố định, nhà đầu tư vẫn có rủi ro, nếu người nhận ủy thác không có khả năng chi trả để bù đắp cho khoản lỗ này.

Trong bối cảnh TTCK tăng mạnh như các năm 2015, 2016, 2017, việc mang về mức lợi nhuận 30%/năm không quá khó, nhưng khi thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, nhà đầu tư chính là người chịu thiệt.

Đến tháng 12/2019, ông Nam thông báo toàn bộ số tiền đầu tư không còn, đã hoàn lại cho nhà đầu tư tổng cộng gần 19 tỷ đồng, vẫn còn nợ 52,778 tỷ đồng. Số tiền này, ông Nam cam kết sẽ hoàn trả lại sau Tết, thậm chí còn bày tỏ muốn đi chạy Grab để có tiền trả lại cho các nhà đầu tư! Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Nam không thực hiện cam kết của mình.

Quay trở lại với sự việc 51 nhà đầu tư kể trên, ông Nam đã không làm theo thỏa thuận khi chỉ dùng 18% tổng giá trị nhận ủy thác vào chứng khoán phái sinh, còn lại hơn 80% rót vào tài khoản đầu tư trên thị trường ngoại hối Forex (mục này không nằm trong thỏa thuận và cũng không báo với các nhà đầu tư).

Đáng chú ý, ngay cả khi bên nhận ủy thác là các công ty thì hiện nay cũng không ít công ty chỉ có vốn điều lệ vài tỷ đồng, năng lực tổ chức kinh doanh yếu kém, thiếu cơ chế kiểm soát. Việc trao vốn cho những công ty như thế này có thể nói là mang lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, và có nguy cơ mất khả năng thanh toán, thậm chí là mất vốn.

Do đó, Chuyên gia tài chính - TS., Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, nếu muốn ủy thác khoản tiền nhàn rỗi, các nhà đầu tư nên “chọn mặt gửi vàng” và làm hợp đồng tuân thủ quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bản thân.

Hoặc tìm đến các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư lớn, chuyên nghiệp như Chứng khoán SSI, HSC, Quỹ đầu tư Vina Capital..., đặc biệt cần hạn chế trong việc uỷ thác cho cá nhân.