Thể chế kinh tế Việt Nam – 70 năm nhìn lại

PGS.,TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nhìn lại một vài nước không chịu đổi mới tư duy cho đến hôm nay nhân dân các nước đó vẫn chìm đắm trong đói khổ và nghèo nàn, mới thấy hết sự vĩ đại và công lao to lớn của Đảng ta trong những bước thăng trầm lịch sử đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internetPGS,TS. Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa. Nguồn: internetPGS,TS. Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong 70 năm qua là một quá trình lịch sử đầy khắc nghiệt và gian khổ, đến hôm nay quá trình này vẫn đang đòi hỏi cần phải tiếp tục tìm tòi hơn nữa, đổi mới tư duy hơn nữa về mọi mặt, để Việt Nam thực sự có một thể chế kinh tế hiệu lực, hiệu quả nhất, có khả năng đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc và giàu mạnh

70 năm với những thành tựu vĩ đại

Thể chế kinh tế luôn là vấn đề trọng yếu, tác động trực tiếp không những đến phát triển kinh tế nói riêng, mà còn trực tiếp tác động đến sự ổn định của chế độ chính trị - xã hội. Thể chế kinh tế hiệu quả không chỉ làm cho đất nước có nền kinh tế phát triển, giàu mạnh, mà còn góp phần quan trọng bảo đảm chế độ chính trị, xã hội được ổn định và bền vững. Ngược lại, thể chế kinh tế kém hiệu quả không những sẽ đưa nền kinh tế đó trở nên nghèo nàn, đói khổ, mà còn tác động trực tiếp làm cho chế độ chính trị mất ổn định (có thể sụp đổ).

Kể từ ngày Cách mạng tháng Tám vĩ đại thành công đến nay đã tròn bảy mươi năm. Từ một đất nước nghèo đói lầm than, nô lệ với cảnh hơn 2 triệu người chết đói năm 1945, ngày hôm nay, Việt Nam đã trở thành một nước Việt Nam Độc lập và Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), có một cuộc sống ấm no, tươi đẹp.

70 năm xây dựng và bảo vệ đất nước XHCN, Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu những biến cố thăng trầm của lịch sử, mà không phải dân tộc nào, đất nước nào cũng vượt qua được. Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu lịch sử, to lớn đáng ghi nhận. Với hơn 30 năm dài gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, hàng chục triệu người không tiếc máu xương, đã ngã xuống vì một Việt Nam độc lập, XHCN, Việt Nam đã bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh đó bằng những chiến thắng “chấn động địa cầu” và đi vào kỷ nguyên hòa bình và phát triển. 70 năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã làm nên bản anh hùng ca bất hủ trong dựng xây và bảo vệ tổ quốc để nhân loại phải ngưỡng mộ.

Bên cạnh những thành công, trong những năm hòa bình từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã có nhiều đổi thay. Từ một đất nước nghèo khó làm không đủ ăn, thế và lực trên trường quốc tế vô cùng nhỏ bé, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có mức phát triển khá, tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh đã mạnh lên rõ rệt, đã là thành viên của 70 tổ chức quốc tế, là đối tác chiến lược với 14 nước, đối tác toàn diện với 10 nước, đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 2 nước (Đan Mạch, Hà Lan) và có quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước trên 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang là thành viên chủ động, tích cực xây dựng cộng đồng các nước ASEAN và đã cơ bản hoàn thành tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Những thay đổi trên là nhờ đường lối đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đổi mới tư duy của Đảng về chính trị, tư duy về kinh tế, tư duy về đối ngoại và văn hóa… Trong những thời khắc thăng trầm của lịch sử, đổi mới tư duy đã làm cho Đảng ta ngày một mạnh lên, làm cho đất nước ta ngày một phát triển hơn và giàu mạnh hơn, nhân dân ta ngày một ấm no, hạnh phúc hơn

. Quá trình đổi mới tư duy của Đảng không phải là một quá trình bằng phẳng, nhung lụa, mà là một quá trình “mang nặng, đẻ đau”. Con đường đưa đất nước, đưa dân tộc ta phát triển, đi lên đã luôn diễn ra khốc liệt, chứa đựng nhiều mồ hôi, nước mắt, xương máu của dân tộc Việt Nam trong những tháng năm qua.

Với thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đã phát huy tác dụng trong thời chiến tranh, đã cho chúng ta điều kiện tốt để huy động của cải vật chất và sức dân phục vụ cho hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Tuy nhiên, thể chế kinh tế này không có khả năng giải phóng sức lao động và khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của mọi người để làm cho nền kinh tế có thể phát triển trong giai đoạn hòa bình. Khi bước vào thời kỳ hòa bình, thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp không những không phát huy được tác dụng, mà còn trở thành vật cản cho sự phát triển của đất nước.

Hơn mười năm từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã chìm đắm trong đói khổ. Không chấp nhận cảnh sống cùng cực, nhân dân nhiều nơi đã vượt rào, manh nha đổi mới. Nhiều vùng nông thôn đã tiến hành khoán sản phẩm (khoán chui) trong nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng đã manh nha tiến hành áp dụng các cách quản lý mới. Ba lợi ích (nhà nước, tập thể và cá nhân) trong kinh tế bắt đầu được bàn đến. Những tư tưởng của đổi mới đó không phải dễ dàng được chấp nhận ngay từ đầu. Nhiều cá nhân, tổ chức đã phải bị kỷ luật hoặc bị các hình thức nặng hơn.

Cuộc đấu tranh vì lẽ sinh tồn và phát triển của Việt Nam đã mở ra một trang phát triển mới. Tư duy của Đảng bắt đầu được đổi mới từ Đại hội VI và từ đây trang sử của Đảng và của dân tộc Việt Nam được viết nên bởi những thành tựu mới.

Đổi mới tư duy về kinh tế đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm khâu đột phá và đã đưa đất nước ta đi từ thành công này đến thành công khác trên mặt trận kinh tế. 30 năm, một giai đoạn đổi mới và mở cửa của nền kinh tế đã đưa dân tộc Việt Nam từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nhìn lại 30 năm đổi mới có thể thấy, đổi mới tư duy, trong đó có đổi mới mạnh mẽ tư duy về kinh tế của Đảng là vô cùng sáng tạo và hoàn toàn đúng đắn. Nhìn lại một vài nước không chịu đổi mới tư duy cho đến hôm nay nhân dân các nước đó vẫn chìm đắm trong đói khổ và nghèo nàn, mới thấy hết sự vĩ đại và công lao to lớn của Đảng ta trong những bước thăng trầm lịch sử đó.

Thể chế kinh thị trường định hướng XHCN đã hình thành và đang được hoàn thiện. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã cho Việt Nam đạt được những bước phát triển mới, có sức đi lên mới, giàu mạnh hơn, tươi đẹp hơn. Việc từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã cho Việt Nam thấy sự lựa chọn đúng đắn của một thể chế kinh tế có thể đưa một đất nước đang nghèo đói có cơ hội trở thành giàu mạnh.

Từ những bước đầu chập chững đổi mới tư duy về kinh tế với nhiều giải pháp nửa vời (nửa muốn thị trường, nửa muốn kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp) Việt Nam đã ngày một đổi mới dứt khoát hơn sang nền kinh tế thị trường (từ bỏ hoàn toàn cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp).

Đại hội XI của Đảng đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế và đã khẳng định rõ ràng hơn con đường phát triển kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể là "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng: ...có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp;..." . Tư duy kinh tế mới ở đây được phát triển cao phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với việc không bị gò bó, cứng nhắc vào một loại hình sở hữu về tư liệu sản xuất, mà quan tâm vào bản chất bên trong của nó, chính là quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Đây là bước tiến lớn trong đổi mới tư duy lý luận về kinh tế của Đảng với việc khẳng định, làm rõ quan điểm, lý luận và tư duy về kinh tế cho giai đoạn phát triển mới, coi trọng và bảo đảm cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh XHCN.

Nhờ đổi mới tư duy kinh tế và sự lựa chọn thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã biến Việt Nam từ một nền kinh tế hầu như không có tăng trưởng thành một nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai ở châu Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1986-2014 đạt bình quân 6,6%/năm, trong đó giai đoạn 1991-1995 là 8,2%; giai đoạn 1996-2000 đạt 7,0%; giai đoạn 2001-2005 đạt 6,9%; giai đoạn 2006-2010 đạt 6,32%; giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 5,82%.

Quy mô của nền kinh tế sau 30 năm đã lớn lên không ngừng. Năm 1990, GDP của Việt Nam mới đạt 6,5 tỷ USD, thì sau 10 năm đến năm 2000, GDP đạt 31,2 tỷ USD (gấp 4,8 lần năm 1990), đến năm 2010 đạt 134,6 tỷ USD (gấp 20,7 lần GDP năm 1990) và dự kiến năm 2015 đạt 204 tỷ USD (gấp 31,4 lần GDP năm 1990). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã tăng khá cao, có bước nhảy vọt về chất. Nếu như năm 1990 GDP/người mới đạt 98 USD thì đến năm 2014, GDP/người đã đạt 2.052 USD (gấp 20,93 lần GDP/người năm 1990) và Việt Nam đã chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009. Đồng thời, Việt Nam đã từng bước rút ngắn khoảng cách thu nhập so với các nước về số tương đối.

Đổi mới tư duy về kinh tế và sự lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng đã đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế. Năm 1990, từ một nước thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 38,74% trong nền kinh tế năm 1990 xuống còn 18,1% năm 2014. Điểm nổi bật trong việc lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là vấn đề xuất - nhập khẩu. Nếu như trước những năm 1990, khi Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Tương trợ kinh tế (các nước XHCN) xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở mức vài trăm triệu USD/năm, mãi đến năm 1990, khi Việt Nam đã tiến hành đổi mới được 5 năm thì kim ngạch xuất khẩu mới đạt 2,4 tỷ USD, nhưng đến năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 150 tỷ USD (gấp 62,5 lần năm 1990). Điều đặc biệt đáng lưu ý là đến năm 2014, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên GDP của Việt Nam đạt 80,6%. Đây là một sự khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa và hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh những thành tựu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, về quy mô nền kinh tế và tăng cao của tổng kim ngạch xuất khẩu trong 30 năm qua, đời sống của người dân đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Chính sách an sinh xã hội đã triển khai và thực hiện tốt, đạt được nhiều kết quả, mỗi năm giảm bình quân khoảng 2% hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước năm 1993 ở mức 58%, thì năm 2014 giảm xuống còn 8% (trong khi đó chuẩn nghèo cũng được thay đổi và nâng lên cao hơn trước đó nhiều).

Những thành tựu nêu trên khẳng định sự lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng chúng ta không thể tự thỏa mãn với những kết quả đạt được nhìn thẳng vào sự thật thì Việt Nam có thể đạt được những thành tựu to lớn hơn nếu dứt khoát hơn, mạnh dạn hơn khi chuyển đổi mô hình kinh tế, từ bỏ dứt khoát những tàn dư của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp ngay từ những ngày đầu đổi mới.

Và những tồn tại

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng cần phải thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thực tế tụt hậu tương đối so với nhiều nước. Nền kinh tế đang phát triển dưới mức tiềm năng, còn tồn tại nhiều yếu kém và bất cập. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là “nền kinh tế không chịu phát triển”. Thực tế cho thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự ổn định, vững chắc, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, các cân đối vĩ mô vẫn còn trong tình trạng chưa thật sự bền vững. Điều đặc biệt lưu ý, đó là năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trên thế giới (Đồ thị).

 Thể chế kinh tế Việt Nam – 70 năm nhìn lại - Ảnh 1

Chính vì năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, nên mặc dù quy mô của nền kinh tế có lớn lên nhiều và có rút ngắn khoảng cách tương đối so với các nước, nhưng khoảng cách về các con số tuyệt đối vẫn rất lớn. Về thu nhập tính theo đầu người, so với các nước đã được tăng lên rõ rệt và đã rút dần khoảng cách về số tương đối còn về số tuyệt đối thì quá lớn. Ví dụ như năm 2000, thu nhập tính theo đầu người của Việt Nam là 433 USD, thì thu nhập tính theo đầu người của Thái Lan là 1.969 USD (gấp 4,5 lần Việt Nam và chênh lệch 1.536 USD so với Việt Nam); Malaysia là 4.005 USD (gấp 9,2 lần Việt Nam, chênh lệch 3.572 USD so với Việt Nam); Hàn Quốc là 11.948 USD (gấp 27,6 lần Việt Nam và chênh lệch 11.515 USD so với Việt Nam) đến năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.052 USD, thì Thái Lan đạt 5.561 USD/người (gấp 2,7 lần Việt Nam và chênh lệch 3.509 USD so với Việt Nam và gấp 2,28 lần mức chênh lệch năm 2000); Malaysia đạt 10.830 USD/người (gấp 5,3 lần so với Việt Nam và chênh lệch so với Việt Nam là 8.778 USD gấp 2,45 lần mức chênh lệch năm 2000); Hàn Quốc đạt 27.970 USD/người (gấp 13,6 lần so với Việt Nam, chênh lệch so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 là 25.918 USD, gấp 2,25 lần mức chênh lệch năm 2000).

Với những số liệu trên có thể thấy một thực tế là nền kinh tế Việt Nam tuy có sự vận động lên phía trước, nhưng đã tụt hậu so với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Nếu Việt Nam không có những giải pháp đột phá về thể chế kinh tế chắc chắn xu thế tụt hậu sẽ ngày càng lớn hơn.

Với chủ trương tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch có thể tạo cho nền kinh tế Việt Nam có một xung lực phát triển mới.

Cần đột phá mạnh mẽ tư duy kinh tế

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn 30 năm đổi mới và 70 năm xây dựng và bảo vệ đất nước đã cho các thế hệ hôm nay và mai sau của Việt Nam thấy rằng, muốn phát triển cần dứt khoát từ bỏ mọi tàn dư cũ của thói tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Phát triển nền kinh tế thị trường là nền tảng để giải phóng và khơi thông mọi nguồn lực, tiềm năng và sáng tạo cho phát triển. Phát triển nền kinh tế thị trường là một bước đi tất yếu và là phương tiện không thể thiếu để cho nhân loại đi đến giàu có và phồn vinh.

Chính vì lẽ đó, cần xây dựng một thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn chỉnh bảo đảm cho một nền kinh tế thị trường năng động, hiệu quả, đem lại cho Việt Nam một nền kinh tế giàu mạnh và phồn vinh. Thể chế kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay chính là một thể chế mà ở đó có các điều kiện để nền kinh tế phát triển năng động như một nền kinh tế thị trường hiện đại. Ở đó, môi trường kinh doanh phải thông thoáng, phải hòa nhập với môi trường kinh doanh ở trên các thị trường thế giới và các quốc gia khác. Nền kinh tế thị trường ở đó không có sự phân biệt đối xử đối với các đối tượng và chủ thể trên thị trường đó.

Đặc biệt thể chế kinh tế thị trường Việt Nam không có sự dị biệt, khác biệt so với các thể chế kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới. Và như vậy là kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác đều được xem như mọi thành phần kinh tế khác, được đối xử bình đẳng, cùng một sân chơi và cùng một luật chơi, không có sự ưu tiên hay phân biệt. Các khu vực kinh tế đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoạt động bình đẳng, đúng pháp luật, được luật pháp bảo vệ và khuyến khích phát triển như nhau.

Để đạt được những điều như trên và để có một thể chế kinh tế thực sự hiệu quả, năng động cần đột phá mạnh mẽ tư duy về kinh tế. Đặc biệt tư duy mới về các vấn đề phát triển của nhân loại và có thái độ cầu thị để lắng nghe với phương châm: Học mọi cái khôn, cái tốt của nhân loại để dựng xây đất nước; Sử dụng mọi sức mạnh của nhân loại để bảo vệ đất nước; Huy động mọi nguồn lực của nhân loại để làm giàu đất nước. Cần xây dựng một thể chế kinh tế mà ở đó khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên được thấm sâu, được hun đúc trong tâm thức của mọi con người Việt Nam, mọi nguồn lực cho phát triển được huy động, mọi sức sáng tạo cho phát triển được khơi dậy và từ đó tạo nên một động lực, một sức mạnh vươn lên trong con người Việt Nam, đưa Việt Nam sớm trở thành một đất nước giàu mạnh, phồn vinh trong thực tế.