Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong quý IV năm 2021

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo chỉ đạt khoảng 3%. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tạm thời, bởi nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng sáng trong quý IV và năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tăng trưởng năm 2021 dự báo thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra

Tập đoàn Tài chính Mirae Asset vừa dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 đạt 2,3%. Theo Mirae Asset, tăng trưởng quý IV/2021 của Việt Nam có thể đạt 4% và cả năm đạt 2,3%. Hai động lực chính cho tăng trưởng 3 tháng cuối năm của Việt Nam được tập đoàn này đưa ra đó là, đầu tư công và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực, hai yếu tố này sẽ được đẩy mạnh khi nền kinh tế được mở cửa vào 3 tháng cuối năm.

Trong đó, về đầu tư công, Mirae Asset cho rằng, 9 tháng đầu năm có sự sụt giảm, nhưng sẽ là động lực tăng trưởng cho kinh tế 3 tháng cuối năm, khi Việt Nam chuyển từ chiến lược “zero COVID-19” sang sống chung an toàn với dịch. Để thực hiện chủ trương này, Việt Nam cũng đang dần nới lỏng giãn cách và mở cửa từng phần nền kinh tế tại các địa phương, cùng với đó đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19 và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh kỳ vọng vào đầu tư công, Mirae Asset cho rằng, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục giữ mức tăng trưởng 2 con số, điều này chính tỏ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang được duy trì. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 22,15 tỷ USD vốn FDI, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam vẫn đạt 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái và vốn đăng ký điều chỉnh là 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2020.

Trước đó, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 3% trong năm nay. Theo UOB, tăng trưởng GDP quý III/2021 của Việt Nam giảm mạnh là kết quả của việc đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để ngăn chặn làn sóng dịch COVIDd-19 lần thứ 4, điều này đã khiến sản lượng sản xuất công nghiệp và xây dựng trong quý III giảm 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái, và sản lượng dịch vụ giảm mạnh tới 9,28%.

Triển vọng sáng từ quý IV/2021

Mặc dù tăng trưởng GDP quý III/2021 âm tới 6,17% so với cùng kỳ 2020 và tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42%, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, mức tăng trưởng âm trong quý III và thấp trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ là tạm thời. Nhất là khi, sắp tới các biện pháp cách ly ở các trung tâm sản xuất lớn ở miền Nam dự kiến sẽ được dỡ bỏ từ tháng 10/2021, cùng với đó tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, các doanh nghiệp, nhà máy sẽ loạt động trở lại và đóng góp vào tăng trưởng 3 tháng cuối năm. Khi các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, UOB cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt mức 7,4%.

TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đưa ra nhận định, khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam còn kéo dài, nhưng thời gian tới vẫn có nhiều điểm sáng, đó là dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đang dần mở cửa trở lại, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.

“Nên khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng mấy tháng nay bị kìm nén sẽ bật tăng trở lại, theo đó, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi” – ông Nguyễn Đình Cung thông tin.

Dù tăng trưởng kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi trong quý IV, tuy vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, cộng đồng doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế được quay trở lại.

Trong đó, về phòng, chống dịch bệnh, cần tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế với một số biện pháp cụ thể, như: Tiêm vắc xin nhanh nhất có thể, tăng cường năng lực hệ thống y tế trong phòng, chống dịch, nhất là hệ thống y tế cấp cơ sở. Đồng thời, ban hành quy định mới về các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh để áp dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn phải cụ thể, dễ tuân thủ, dễ áp dụng thống nhất và được giám sát bởi công nghệ và các công cụ thích hợp theo nguyên tắc, không đặt thêm quy định xin - cho, không tạo thêm thủ tục hành chính.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, cần miễn giảm các loại phí, như: Phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, nên miễn các khoản thuế đang cho hoãn nộp và có chính sách hỗ trợ chi phí tuân thủ phòng, chống dịch cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia của Mirae Asset dự báo, năm 2022 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 5,7% trong kịch bản cơ sở và đạt mức 6,2% trong kịch bản khả quan.