Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT
Từ ngày 29 -30/7/2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã cử các Đoàn công tác đến làm việc tại một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai về việc tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giai đoạn trước năm 2021.
Cụ thể, ngày 30/7, Đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) và cơ sở KCB, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế và cơ sở KCB của một số địa phương.
“Do đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã cử Đoàn công tác xuống nắm bắt tình hình trực tiếp tại Bệnh viện Bạch Mai để kịp thời đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm mục tiêu luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân BHYT”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách kinh tế Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai - đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Riêng với việc thanh toán chi phí KCB BHYT vẫn là một trong những vấn đề tồn đọng thời gian dài với nhiều vướng mắc.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, một số vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT của bệnh viện này thuộc giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các nội dung đã được thanh toán sau khi có kết luận của Bộ Y tế hoặc sau khi Bệnh viện làm việc với lãnh đạo cơ quan BHXH, nhưng chưa được thanh toán giai đoạn trước kết luận khoảng gần 4 tỷ đồng. Các nội dung từ chối thanh toán gồm 13 hạng mục, chủ yếu liên quan tới các dịch vụ kỹ thuật (DVKT).
Đối với một số vướng mắc chưa thống nhất, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra 9 hạng mục với khoảng 26 tỷ đồng chưa được thanh toán. Đặc biệt, riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỷ đồng.
Về số tiền hơn 3,1 tỷ đồng bị từ chối thanh toán trong khoảng thời gian năm 2016 - 2017 (đối với nội dung xuất toán phẫu thuật mổ Oarm), Bệnh viện Bạch Mai khẳng định và cam kết "tất cả các DVKT trên đã thực hiện cho người bệnh BHYT trong thời gian thí điểm, chờ quyết định phê duyệt chính thức và theo đúng yêu cầu chuyên môn, không lạm dụng, không thu của người bệnh bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT".
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu 4 nội dung bất cập về cơ chế, chính sách với số tiền đề nghị thanh toán là hơn 1,1 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho biết, những nội dung được nêu tại buổi làm việc này rất quan trọng, đòi hỏi cần phải giải quyết nhanh chóng. Theo ông Hòa, thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều buổi làm việc để tháo gỡ, nhưng do vướng mắc về chính sách, nên những nội dung này đa phần đều tồn tại từ thời gian trước.
“Tôi rất chia sẻ với Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên có những nội dung phải thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Hiện nay, còn tồn khoảng 10.000 hồ sơ, trong đó có 34 hồ sơ bệnh viện không cung cấp được hồ sơ bệnh án, nên phía BHXH TP. Hà Nội không thể thanh toán được” - ông Hòa nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề thanh quyết toán chi phí KCB BHYT tồn đọng trong giai đoạn 2020-2021, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh, Điều 32 Luật BHYT có quy định thời điểm quyết toán là tháng hoặc quý.
Vì vậy, BHXH TP. Hà Nội đã thực hiện đúng công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đối với Bệnh viện Bạch Mai. Riêng đối với những đề xuất hồi tố chi phí của Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ hơn, bởi việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý cấp cao hơn.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), thời gian qua, con số thanh quyết toán của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2019-2021 giảm rõ rệt, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của bệnh viện mà nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do tác động của dịch COVID-19. Trước vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội đã có sự hỗ trợ rất lớn trong công tác phối hợp nhằm giúp BV tháo gỡ khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT.
Cũng theo ông Phúc, để khắc phục những tồn đọng này, Bệnh viện Bạch Mai cần tập trung chuẩn hóa dữ liệu để phục vụ hiệu quả công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, cũng như quản lý quỹ KCB BHYT… Đối với những kiến nghị của Bệnh viện Bạch Mai, theo ông Phúc, cần nêu rõ các nội dung như chậm thanh toán hay chưa thanh toán và nguyên nhân…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chia sẻ với những khó khăn hiện tại của Bệnh viện Bạch Mai; đồng thời cho biết, đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở y tế và cơ quan thực hiện chính sách. “Chúng tôi luôn đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai trong khắc phục khó khăn, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân và cho người bệnh BHYT” - Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng đề nghị hai bên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt làm sao để tháo gỡ và tìm ra phương án tối ưu, nhằm hướng đến việc đảm bảo tối ưu lợi ích của người bệnh BHYT. Đối với một số khoản chưa thanh toán được do khó khăn về phân loại, cần có một tổ phân loại, bóc tách các cấu phần để thanh toán, với những khoản thanh toán được thì sẽ thực hiện ngay.
“Quan điểm chung của ngành BHXH Việt Nam là đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết. Tuy nhiên, đối với những việc có nguy cơ vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Những ý kiến tại buổi làm việc này không những là sự chia sẻ của BHXH Việt Nam với bệnh viện, mà cũng là sự đồng hành, chia sẻ chung với toàn ngành Y tế” - Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Tiếp thu các ý kiến giải pháp của Đoàn công tác BHXH Việt Nam, PGS.,TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai gửi lời cảm ơn đến Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam và BHXH TP. Hà Nội trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ Bệnh viện lúc khó khăn. Đồng thời, mong muốn BHXH Việt Nam tiếp tục đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai trong công tác KCB BHYT cho người dân, cũng như hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hiệu quả chi phí KCB BHYT.
Cùng ngày, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng có buổi làm việc với BHXH tỉnh Đồng Nai và một số cơ sở KCB trên địa bàn Tỉnh về các nội dung tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán BHYT.
Trước đó, chiều 29/7, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cũng đã có buổi làm việc với BHXH TP. Hồ Chí Minh và một số cơ sở KCB BHYT trên địa bàn (gồm: Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy).
Tại các buổi làm việc, các bên đã cùng lắng nghe, chia sẻ, phân tích và đưa ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong thanh toán BHYT giai đoạn trước năm 2021.
Chia sẻ thêm tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh khẳng định, ngành BHXH nói chung và BHXH TP. Hồ Chí Minh nói riêng luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ sở KCB để sớm xử lý các vướng mắc liên quan tới việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT (do vượt dự toán bởi các nguyên nhân hợp lý).
Theo ông Mến, phía cơ quan BHXH luôn muốn giải quyết sớm nhất trong quyền hạn của mình vấn đề này để hoạt động KCB BHYT diễn ra thuận lợi, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo đầy đủ và kịp thời.