Kỳ vọng từ mô hình doanh nghiệp xã hội

Trang Trần

(Tài chính) Tác động của khủng hoảng kinh tế cùng sự bất ổn của kinh tế toàn cầu đã và đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần có phương thức kinh doanh sáng tạo hơn và đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế bền vững. Loại hình doanh nghiệp xã hội chính là một trong những giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Doanh nghiệp xã hội sẽ là một xu hướng kinh doanh mới trong tương lai. Nguồn: internet
Doanh nghiệp xã hội sẽ là một xu hướng kinh doanh mới trong tương lai. Nguồn: internet

Chuyên gia về doanh nghiệp xã hội từ Anh quốc, bà Melody Hossaini chia sẻ: "Doanh nghiệp xã hội sẽ là một xu hướng kinh doanh mới trong tương lai vì chúng ta có quá nhiều vấn đề để giải quyết. Doanh nghiệp xã hội không phải là thứ mới có. Nó đã có từ lâu nhưng giờ trở thành xu thế và bắt đầu hòa nhập vào dòng chảy chính của kinh doanh."

Trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về doanh nghiệp xã hội. Theo Giám đốc phụ trách Nguồn lực doanh nghiệp của Tổ chức Doanh nghiệp xã hội Anh Marie Magimay, doanh nghiệp xã hội được định nghĩa là các tổ chức có mục tiêu xã hội hàng đầu là lợi nhuận được tái đầu tư trở lại doanh nghiệp hoặc cộng đồng chứ không được sử dụng để tối đa lợi nhuận cho những người chủ và cổ đông.

Bên cạnh đó cũng có một số khái niệm khác về mô hình này như doanh nghiệp xã hội là một doanh nghiệp có sứ mệnh xã hội hoặc môi trường. Hay doanh nghiệp xã hội là một phong trào trên toàn thế giới được gắn kết bằng một sự cam kết đơn giản rằng những thách thức doanh nghiệp gặp phải sẽ được giải quyết thông qua hình thức kinh doanh khác đi.

Tuy có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy doanh nghiệp xã hội là hình thức doanh nghiệp tối ưu, nó không chỉ góp phần giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo thuận lợi và cải thiện về xã hội, môi trường xung quanh, góp phần phát triển doanh nghiệp cũng như nền kinh tế theo hướng bền vững.

Đối với Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng cho rằng doanh nghiệp xã hội Việt Nam là những doanh nghiệp có sứ mệnh khắc phục, giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường; tham gia giải quyết các thất bại thị trường và có phương thức kinh doanh bền vững, mang lại lợi ích cho người có thu nhập thấp, các nhóm đáy (BoP).

Đánh giá về điều kiện phát triển mô hình này của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có những điều kiện và mô hình tiêu biểu nhất để phát triển loại hình doanh nghiệp còn khá mới mẻ này. Bởi lẽ, Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và chỉ cần một định hướng như vậy thôi, doanh nghiệp xã hội đã có một dư địa rộng lớn để phát triển.

Như vậy, doanh nghiệp xã hội chính là một trong những mô hình kinh tế bền vững, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Nhà nước cung cấp các dịch vụ công và giải quyết các vấn đề của xã hội.

Theo đó, doanh nghiệp xã hội cung cấp các giải pháp kinh doanh cho các vấn đề xã hội – môi trường mà Nhà nước và khối tư nhân giải quyết chưa hiệu quả như: cung cấp dịch vụ cơ bản ( giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng,…) cho các cộng đồng yếu thế; dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những cộng đồng bị lề hóa (người khuyết tật, dân tộc thiểu số,…); thương mại công bằng với người nghèo trong chuỗi giá trị; kinh doanh và phát triển thị trường với người nghèo; tiên phong trong các lĩnh vực mới, chưa được nhà nước và tư nhân đầu tư (năng lượng mới, sản xuất hữu cơ, tái chế rác thải,…).

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, đến nay, cả nước có trên 200 tổ chức hoạt động theo phương thức doanh nghiệp xã hội trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xã hội đã bước đầu kinh doanh thành công trong một số lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề việc làm; sản xuất tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Đóng góp của doanh nghiệp xã hội cho kinh tế - xã hội rất lớn và toàn diện. Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, một doanh nghiệp xã hội có số vốn đăng ký ban đầu là 1,2 tỷ đồng có thể tạo việc làm cho 51 lao động, trong đó có 18 lao động có hoàn cảnh đặc biệt; lợi nhuận của doanh nghiệp này lên tới 400 triệu đồng; cải thiện cuộc sống của 2.262 đối tượng và tạo ra các giá trị xã hội, môi trường khác.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định: trong bối cảnh kinh tế khó khăn và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ta cần tìm ra những hướng đi mới tận dụng tối đa các cơ hội do xu thế phát triển bền vững toàn cầu mang lại. Một doanh nghiệp thành công không chỉ quản lý, tác động môi trường nội tại mà còn phải tạo ra giá trị cho cộng đồng liên quan. Vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tạo ra thu nhập thương mại, hai mục tiêu đó luôn song hành, hỗ trợ nhau trong một doanh nghiệp xã hội.

Xu hướng phát triển doanh nghiệp xã hội đã bước đầu có sức ảnh hưởng, lan tỏa trong cộng đồng và ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn phát triển theo mô hình này cùng với định hướng phát triển bền vững của cả nước.

Phong trào doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đã manh nha khá lâu và đã trải qua ba giai đoạn chủ yếu đó là:

Giai đoạn sơ khai (trước đổi mới năm 1986): giai đoạn này các doanh nghiệp xã hội chủ yếu hoạt động tự phát dưới hình thức hợp tác xã thủ công, tổ sản xuất nhỏ phục vụ đối tượng yếu thế như người khuyết tật, trẻ lang thang,…

Giai đoạn tự phát (từ năm 1986 đến năm 2008): gắn với sự bùng nổ của các tổ chức dân sự xã hội tìm kiếm các phương thức hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng thiệt thòi. Xuất hiện nhiều doanh nghiệp tiêu biểu như: KOTO, Mai, ReachingOut…

Giai đoạn định hình (từ năm 2008 đến nay): phong trào doanh nghiệp xã hội được phát triển có ý thức, hình thành được các yếu tố cơ bản như: hơn 200 doanh nghiệp xã hội trên 40 tỉnh thành cả nước; có nhiều tổ chức hỗ trợ (CSIP, Hội đồng Anh, Tia sáng); có các nguồn vốn đầu tư xã hội và những chính sách hỗ trợ.