Lai Châu: Thực hiện tốt công tác Khuyến nông
(Tài chính) Khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn… đã được tỉnh Lai Châu tổ chức, hỗ trợ bà con nông dân xây dựng, triển khai có hiệu quả, giúp cho họ tiếp cận với các nhà khoa học và những giống cây trồng, vật nuôi mới, dần thay đổi các biện pháp canh tác truyền thống kém hiệu quả, góp phần tăng năng suất lao động nông nghiệp vượt trội so với sản xuất truyền thống.
Khuyến nông là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao mức an sinh xã hội cho đại bộ phận người nông dân. Thông qua các hình thức cụ thể như: xây dựng mô hình trình diễn; hội nghị đầu bờ; công tác đào tạo, huấn luyện tay nghề, chuyển giao công nghệ; khuyến khích sáng tiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ, máy móc; công tác lai tạo, nhân giống… cho nông dân trên khắp đất nước đã góp phần không nhỏ nâng cao tư duy nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân.
Cùng với các chương trình lớn như: 134 (phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) và 135 (hỗ trợ đất sản xuất); Quyết định số 965/QĐ-TTG sửa đổi, bổ sung Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân, ngày 4/12/2008, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 162/2008/QĐ-TTg trong đó quy định hỗ trợ 100% về kinh phí cho các mô hình khuyến nông, khuyến ngư vùng khó khăn. Bên cạnh đó còn hỗ trợ 100% về tài liệu, chi phí đi lại ăn ở cho người sản xuất và nhân viên khuyến nông, khuyến ngư ở các địa bàn khó khăn tham dự các lớp tập huấn, đào tạo do các tổ chức khuyến nông TW, địa phương tổ chức. Như vậy, hơn 15 năm qua, quán triệt được các chủ trương nêu trên, Lai Châu đã nỗ lực hết mình trong triển khai nhiệm vụ. Cụ thể:
- Xây dựng các mô hình điểm:
+ Trong nhiều năm qua, Trạm Khuyến nông Thành phố Lai Châu đã thực hiện một số mô hình như: mô hình trồng khoai lang Tam Đường tại xã San Thàng (kết quả rất khả dĩ: cây khoai lang Tam Đường sinh trưởng phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, thời gian sinh trưởng nhanh, năng suất cao, đạt 6-6,2 tấn/ha); Mô hình thử nghiệm một số giống lúa chịu lạnh, ngô chịu lạnh, chịu hạn trên địa bàn một số xã vùng cao huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường (các giống ngô thử nghiệm đều sinh trưởng phát triển khá tốt trong điều kiện vụ thu, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, năng suất cao hơn, từ 52-72,5 tạ/ha); Mô hình nuôi thủy cầm an toàn sinh học tại Hoang Thèn – Phong Thổ (đàn vịt tham gia mô hình sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất, tỷ lệ sống đạt 85%, trọng lượng trung bình đạt 2,5-3,0 kg/con, mang lại hiệu quả kinh tế, cho lợi nhuận cao);
+ Chương trình đã hỗ trợ các hộ tham gia về kinh phí, giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,… và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây, con...;
+ Sau thành công của các mô hình thí điểm, Lai Châu đã tổ chức các Hội nghị đầu bờ để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến hành nhân rộng ra ở nhiều huyện lỵ. Thành công của mô hình bước đầu đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất, quay vòn vốn, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích trồng trọt, chăn nuôi.
- Khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật:
+ Một trong các chủ trương Tỉnh rất quan tâm đó là tạo điều kiện để người lao động có thể cải tiến quy trình, cải tạo công cụ lao động… nhằm giảm bớt khó khăn vất vả cho người nông dân đồng thời tăng năng suất lao động lện. Có thể đơn cử một ví dụ như Tỉnh mở các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, có nhiều phát minh sáng chế, cải tiến đã được thực hiện và áp dụng thành công như: Sáng chế “Cải tiến bình phun thuốc trừ sâu” của anh Hoàng Đức Huấn, cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu. Xuất phát từ nhược điểm của viên bi hoa khế trong bình phun thuốc sâu như hiện nay, dựa trên cấu tạo chi tiết của bình phun động cơ điện và phân tích đánh giá nguyên tắc hoạt động khi thay thế toàn bộ viên bi hoa khế bơm nhựa thành viên bi thuỷ tinh hình tròn thì chức năng đóng mở van nước của bình phun động cơ điện hoạt động ổn định hơn trong bộ phận bơm động cơ điện của bình phun thuốc trừ sâu. Sáng chế của anh thử nghiệm trong thực tế cho thấy rõ hiệu quả, tốc độ phun của bình bơm nhanh hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Sáng chế được áp có những đóng góp đáng kể trong việc giảm bớt chi phí sửa chữa thay thế mới cục bơm cho người nông dân và góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của bình phun động cơ điện. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những nhược điểm của cục mô tơ của bình phun thuốc sâu hiện nay. Nếu ý tưởng của anh thành công thì người nông dân sẽ giảm được rất nhiều chi phí khi sửa chữa và thay thế các thiết bị trong bình phun thuốc trừ sâu; Sáng chế “Máy thái rau phục vụ chăn nuôi” của anh Nguyễn Văn Nghĩa, Bản Thành Công, xã San Thàng, Thành Phố Lai Châu. Nhận thấy nhược điểm của máy thái rau trên thị trường hiện nay là chỉ cắt được những loại rau mềm, rau khi cắt xong thường bị dập nát, đặc biệt thiết kế máy không chắc chắn và an toàn cho người sử dụng. Bằng kinh nghiệm và sự đam mê sáng tạo cộng với công việc làm cơ khí lâu năm, anh đã cải tiến và thiết kế lại máy và tạo ra chiếc máy thái đa năng có thể cắt được tất cả các loại rau, củ, quả phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, kích thước của lát cắt cũng có thể điều chỉnh theo ý của người sử dụng, đồng thời, đảm bảo được tính tiện lợi khi sử dụng và di chuyển; Sáng kiến “Cải tiến Dao cạo mủ cao su” do nhóm tác giả: Đoàn Đình Phương, Nguyễn Văn Huấn của trường Trung cấp nghề tỉnh Lai Châu tạo ra. Với dao cạo mủ truyền thống lưỡi gắn liền với cán nên thường bị mòn hoặc mẻ sau 1,5-2 tháng sử dụng, khi đó, phải mang ra lò rèn để rèn lại tốn thời gian chờ đợi, tốn tiền đánh lại cả con dao vì thời gian phục hồi dao mất hơn 1 tuần và làm ảnh hưởng đến tiến độ cạo mủ cao su. Hơn nữa với người mới cạo mủ chưa thuần thục về kỹ thuật nếu chưa xác định tốt độ sâu khi cạo, có khi cạo phạm (cạo sâu) làm cây không tái sinh được, hoặc cạo nông quá sẽ không cắt hết các ống mủ, lượng mủ thu được ít. Hơn nữa dao cạo mủ truyền thống chỉ hợp với người thuận tay phải. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả của trường Trung cấp nghề tỉnh Lai Châu đã nảy ra ý tưởng cải tiến dao cạo mủ cao su liền thành dao lắp ghép được. Thân dao và lưỡi dao rời nhau, được lắp lại với nhau bởi 02 con vít. Thân dao sử dụng được lâu dài khi lưỡi dao bị hỏng ta chỉ việc thay lưỡi dao khác. Việc thay lưỡi được thực hiện bằng tuốc nơ vít đơn giản với hai ốc vít. Không tốn kém tiền để đánh lại cả con dao, nhanh tiết kiệm được cả thời gian. Lưỡi dao được đánh cho người thuận tay trái riêng và thuận tay phải riêng sẽ tạo sự thuận tiện khi cạo mủ. Trên đầu của lưỡi dao có gắn hệ thống “cữ” giúp người cạo căn được độ sâu khi cạo mà không cần phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật của người cạo. Cấu tạo của dao cạo mủ cải tiến gồm 2 bộ phận: cán dao và lưỡi dao. Cán dao được làm bằng kim loại, dạng hình chữ nhật có chêm chuôi, đầu trên của dao được khoét 2 bên vừa với chuôi của lưỡi dao và khoan 2 lỗ để bắt vít nhằm giữ chặt chuôi dao với lưỡi dao. Lưỡi dao được đánh bằng kim loại, phần đuôi của lưỡi được khoan 02 lỗ để bắt với thân dao. Lòng máng được thiết kế dạng hình chữ V, cho miệng cạo có hình góc nhọn nên mủ có thể bám dễ dàng theo miệng cạo, làm giảm thiểu mủ chảy lan. Góc lòng máng tạo bởi 2 lưỡi 7890. Sáng kiến này có ý nghĩa lớn đối với những người trồng cao su trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời điểm nhiều diện tích cao su của tỉnh đã cho thu hoạch mủ.
+ Các sáng chế đã giúp người nông dân giảm được nhiều nhân công, thời gian lao động, chi phí nguyên vật liệu, làm tăng năng suất cũng như hiệu quả trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
- Công tác chứng nhận quyền sở hữu: Một vấn đề nhiều Tỉnh chưa quan tâm đầy đủ, nhưng ở Lai Châu lại được làm rất tốt. Vừa đây, cuối năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu phối hợp với Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Tan Uyen Tea” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho UBND huyện Tân Uyên. Để có được nhãn hiệu chứng nhận “Tan Uyen Tea”, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa - Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện dự án Tạo dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận chè Tân Uyên dùng cho sản phẩm chè của huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu trong vòng 2 năm tại huyện Tân Uyên với các tiêu chí chặt chẽ nhằm đạt được sản phẩm chè đảm bảo chất lượng. Theo nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền này, sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận “Tan Uyen Tea” là loại chè được trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn huyện Tân Uyên bao gồm: Chè xanh ướp hương, chè xanh, chè đen chế biến theo công nghệ OTD, chè Ô Long, chè Sencha và đảm bảo các tiêu chí chất lượng về cảm quan, chỉ tiêu hóa lý, các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Bộ Y tế đối với từng loại chè. Nhãn hiệu chứng nhận Tan Uyen Tea là công cụ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền đối với người sản xuất cũng như các cơ sở chế biến chè trên đại bàn huyện Tân Uyên trên phạm vi cả nước. Công tác này đã nâng tầm thương hiệu sản phẩm hàng hóa và làm yên lòng người tiêu dùng, qua đó cũng giúp phát triển ngành hàng sản xuất của Tỉnh lên, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.
- Công nhận làng nghề, nghề truyền thống: Ngoài việc công nhận các sản phẩm thương hiệu, Lai Châu còn làm tốt công tác phát triển làng nghề. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND Tỉnh công nhận làng nghề, nghề truyền thống cho 04 làng nghề: Làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu; Làng nghề sản xuất miến dong tại bản Hoa Lư, xã Vân Bình và bản Thống Nhất, xã Bình Lư (huyện Tam Đường); Làng nghề truyền thống (nghề nấu rượu ngô truyền thống) tại bản Sùng Chô, xã Nậm Lỏng, thành phố Lai Châu. Việc công nhận các làng nghề, nghề truyền thống, sẽ giúp cho các làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm, đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các nghề trên địa bàn, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, đưa làng nghề ngày càng phát triển. Từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đất Tây Bắc.
Hơn lúc nào hết, Lai Châu đang vào cuộc trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức của người dân, sử dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ cho hoạt động khuyến nông. Đồng thời, xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở vững mạnh, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa bàn tỉnh mình.