Lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán?
Mặc dù diễn biến tăng lãi suất không thể giúp nhà đầu tư sử dụng để xác định thời gian giao dịch, nhưng họ có thể sử dụng để định vị xu hướng của nền kinh tế trong từng bối cảnh.
Gần đây, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt qua mốc 3%, cao nhất kể từ tháng 1/2014. Các chuyên gia đều nhận định đây là cột mốc quan trọng và có thể là nhân tố chính chặn đứng đà tăng mạnh mẽ của thị trường giá lên kéo dài kể từ sau Khủng hoảng tài chính 2007 – 2008.
Trong gần một thập kỷ kể từ sau Khủng hoảng, Cục dự trữ Liên ban Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất và thực hiện các chương trình mua trái phiếu ngắn hạn từ các ngân hàng (các chương trình nới lỏng định lượng – QE). Lãi suất đồng USD được giữ ở mức gần 0% trong nhiều năm liền. Đây là một liều thuốc tăng lực dành cho thị trường chứng khoán.
Thông thường, thị trường cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi lãi suất thấp và thị trường trái phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi lãi suất cao. Nhưng sự tương quan không thực sự đáng kể như nhiều người vẫn nghĩ.
Trên thực tế, những dòng tiền ưu tiên rủi ro thấp với khả năng sinh lời chấp nhận được sẽ ưa thích thị trường trái phiếu, trong khi những dòng tiền ưu tiên lợi nhuận tốt với tỷ lệ rủi ro chấp nhận được sẽ vẫn tìm đến thị trường cổ phiếu (hoặc bất kỳ thị trường nào khác ngoài trái phiếu).
Chẳng hạn, Fed bắt đầu tăng lãi suất kể từ năm 2016, sau một thời gian dài lãi suất gần 0%. Trong đợt tăng lãi suất ngày 15/3/2017, cơ quan này đã đưa ra các tuyên bố về khả năng tăng lãi suất nhanh hơn sẽ diễn ra. Và điều gì đã xảy ra với các thị trường cổ phiếu từ đó tới nay? Hầu hết các chỉ số chính đều liên tiếp thiết lập những đỉnh cao mới.
Rõ ràng, mối quan hệ giữa lãi suất và cổ phiếu không đơn giản. Thậm chí đối với các nhà đầu tư giá trị, sự tương quan này là đặc biệt đáng xem xét.
Lãi suất cho vay liên bang (Federal Fund Rates) là gì?
Đây là lãi suất áp dụng khi các ngân hàng vay mượn qua đêm. Bởi đặc tính ngắn hạn, lãi suất này biến động cực kỳ nhanh. Tại sao các ngân hàng phải vay tiền qua đêm? Đó là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong ngày của ngân hàng.
Lãi suất cho vay liên bang là mức lãi suất thấp nhất mà tại đó ngân hàng có thể cho vay hoặc vay tiền. Điều đó cũng có nghĩa rằng, đó là mức chi phí thấp nhất mà người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp phải trả cho việc sử dụng nguồn vốn. Tuy nhiên, do đây là mức lãi suất mà ngân hàng trả cho Fed (mua buôn), nên họ sẽ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay lại với giá cao hơn (bán lẻ).
Tỷ lệ lãi suất liên bang có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?
Khi tỷ lệ này thấp, việc vay tiền trở nên dễ dàng hơn. Theo một cách dễ hiểu, lãi suất liên bang giảm giống như việc Fed tháo lỏng vòi bơm tiền ra nền kinh tế. Lý thuyết kinh tế học cho rằng đây là một công cụ tốt để kích thích một nền kinh tế vừa trải qua một cuộc ốm nặng.
Khi tỷ lệ lãi suất liên bang cao, việc vay tiền có chi phí cao hơn và tốn kém hơn. Dòng tiền trong lưu thông có xu hướng giảm đi. Lý thuyết kinh tế học tiếp tục cho rằng đây là một biện pháp hiệu quả để hạn chế một nền kinh tế phát triển quá nóng. Tại sao cần phải chặn đứng một nền kinh tế khi nó đang phát triển mạnh? Một số nhà kinh tế cho rằng sự phát triển nóng có thể tạo ra bong bóng tài sản, khiến cho giá nhà đất, các công ty công nghệ hay hoa tuy líp trở nên cao bất thường so với mức giá mà chúng nên được hưởng. Điều này nếu không được ngăn chặn có thể dẫn tới xảy ra một vụ tai nạn kinh tế làm tổn thương nhiều người.
Tất nhiên, thực tế nền kinh tế toàn cầu trong những năm 2010 đã minh chứng rằng việc sửa đổi chính sách tiền tệ chỉ dựa trên sự điều chỉnh lãi suất đã không thực sự hiệu quả. Lãi suất qua đêm đã tiệm cận mức 0% nhưng tình hình vẫn không khá hơn nhiều. Đó là lý do Fed đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (tới QE3).
Rủi ro và tỷ suất lợi nhuận
Như cách hiểu về rủi ro của các nhà đầu tư, các khoản đầu tư an toàn thường đem lại mức lợi nhuận thấp. Thật dễ hiểu khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ (penny) có thể mang lại lợi nhuận gấp 100 lần, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể mất toàn bộ số tiền bất cứ lúc nào.
Ngược lại, khoản đầu tư ổn định nhất, nhàm chán nhất, và hầu như rủi ro thấp nhất trên thế giới, đó là trái phiếu kho bạc Mỹ, lại không mang lại cho nhà đầu tư những khoản lợi nhuận đáng kể.
Các nhà đầu tư nói chung đều là duy lý. Mỗi người có một khẩu vị rủi ro khác nhau. Một số sẵn sàng bỏ thời gian nghiên cứu cổ phiếu riêng lẻ, chấp nhận rủi ro để nhận thêm 2% hay 3% lợi nhuận hàng năm. Trong khi đó, hàng xóm của họ để hết tiền trong các quỹ chỉ số chi phí thấp và không lo nghĩ gì cả. Rủi ro của họ thấp hơn, do đó lợi nhuận không thể cao hơn.
Tín phiếu kho bạc (T-Bills) so với cổ phiếu
Tiêu chí đầu tư của một người như Warren Buffett rất dễ hiểu dưới cách tiếp cận lãi suất: tìm nơi đầu tư an toàn nhất có thể mang lại lợi suất cao hơn so với một Tín phiếu kho bạc. Nói cách khác, lợi suất tối thiểu mà một cổ phiếu nên mang lại cho nhà đầu tư là ở mức của lãi suất Tín phiếu kho bạc.
Khi lãi suất trái phiếu tăng, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang mua trái phiếu vì sự an toàn. Ngược lại, khi lãi suất trái phiếu giảm, các nhà đầu tư mua cổ phiếu vì lợi nhuận của nó.
Trong suốt gần một thập kỷ qua, lượng tiền không nhỏ đã đổ vào thị trường cổ phiếu. Bởi trong khi lãi suất đồng USD duy trì ở mức gần 0%, thì lợi suất trên các thị trường cổ phiếu lớn đều dao động trong khoảng 10 – 15% cực kỳ hấp dẫn.
Bởi thế, việc lãi suất bắt đầu đảo chiều khiến nhiều nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu nhanh chóng trước khi lãi suất thực sự tăng tới một mức đáng kể khiến cho dòng tiền đổ vào cổ phiếu trở nên khô cạn.
Tại sao thị trường vẫn tăng khi lãi suất tăng?
Về cơ bản, Fed đã và sẽ cố gắng để giữ cho nền kinh tế vận động một cách mượt mà nhất, không làm thay đổi cục bộ chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu Fed tin rằng nền kinh tế đang co lại hoặc phát triển quá chậm, họ sẽ sử dụng các công cụ để tăng lượng tiền trong lưu thông để thúc đẩy sản xuất và chi tiêu cho tăng trưởng. Nếu Fed tin rằng nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, họ lại có những công cụ khác để giảm số tiền trong lưu thông, hạn chế chi tiêu và tránh bong bóng.
Tuy nhiên, tình hình trong năm 2016 và 2017 diễn răng trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi từ một cuộc Khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại Suy Thoái 1299 – 1932. Bởi thế, quán tính khiến cho thị trường tăng vọt không ngừng nghỉ. Trong khi đó, động thái của Fed cho thấy họ tin rằng nền kinh tế đã thực sự phục hồi.
Tuy nhiên cuộc chơi nào cũng đến lúc tàn, thị trường chứng khoán không thể thoát khỏi quy luật của nó, bởi các nhà đầu tư đều là duy lý như đã đề cập ở trên. Mức tăng của lãi suất cuối cùng cũng đủ lớn, kết hợp với độ trễ, để tác động đáng kể tới thị trường cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ lãi suất tăng không?
Điều này rất đáng để xem xét. Mặc dù diễn biến tăng lãi suất không thể giúp nhà đầu tư sử dụng để xác định thời gian giao dịch, nhưng họ có thể sử dụng để định vị xu hướng của nền kinh tế trong từng bối cảnh.
Có một nghịch lý cụ thể đó là khi thị trường thuận lợi với lãi suất thấp, nhà đầu tư lại khó có thể tìm kiếm các món hời trên thị trường cổ phiếu hơn. Bởi khi lãi suất thấp, thị trường cổ phiếu trở nên hấp dẫn khiến cho hầu hết giá của chúng đều đạt mức cao. Ngược lại, nhà đầu tư đôi khi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cổ phiếu bị định giá thấp khi thị trường cổ phiếu giảm do lãi suất tăng. Rất nhiều cổ phiếu đã có tỷ số giá trên thu nhập (P/E) đạt mức kỷ lục trong giai đoạn vừa qua.
Thời điểm tốt nhất để đầu tư là sau Đại Suy Thoái. Thời điểm thứ hai chính là giai đoạn hiện nay. Trong ngắn hạn, lãi suất có thể làm một số nhà đầu tư lo lắng thái quá và bán tháo cổ phiếu. Nhưng chính hành động bán tháo của họ khiến cho nhiều cổ phiếu định giá thấp sẽ lộ diện.
Chiến lược hợp lý nhất cho các nhà đầu tư để tránh tác động ngắn hạn đó là đầu tư vào danh mục được lựa chọn kỹ lưỡng và giải ngân hàng tháng. Họ vẫn có thể quan sát mối quan hệ giữa lãi suất với giá cổ phiếu và lựa chọn chiến lược cho riêng mình. Nhưng về cơ bản, việc dự đoán hành động của Fed, đặc biệt dự đoán tương lai, là rất vô nghĩa.