Lãi suất điều hành giảm, tiền vẫn không chảy vào nền kinh tế

Lê Hồng Nhung

Lãi suất điều hành giảm vẫn chưa kích được cầu tín dụng, khiến dòng tiền bị tắc nghẽn trong nền kinh tế, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà ngành Ngân hàng cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm lợi nhuận.

Tiền rẻ vẫn không đủ sức kích thích nền kinh tế tăng trưởng
Tiền rẻ vẫn không đủ sức kích thích nền kinh tế tăng trưởng

Giảm lãi suất chưa có nhiều tác động tới nền kinh tế

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Về lý thuyết, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng mạnh, góp phần thúc đẩy sức mạnh nền kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu từ NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn Ngành đến cuối tháng 4/2023 mới chỉ đạt 3,04%, bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng hỗ trợ chưa phát sinh dư nợ như gói 120.000 tỷ đồng, cho thấy tiền đang không chảy vào nền kinh tế, chưa thực sự kích thích kinh tế đi lên.

Theo TS. Đặng Thái Bình – Chuyên gia kinh tế, chính sách giảm lãi suất điều hành ở thời điểm hiện tại không có nhiều tác động nhiều đối với nền kinh tế và các kênh đầu tư khác. Bởi, độ trễ để một chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả thường mất khoảng 3 đến 6 tháng.

Trong khi đó, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và EU. Những khó khăn trong và ngoài khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Do đó, dù tiền có rẻ hơn, doanh nghiệp vẫn không có nhu cầu tín dụng.

Hơn nữa, việc cho vay trong bối cảnh khó khăn như hiện nay cũng mang nhiều rủi ro cho phía ngân hàng, khiến ngân hàng phải cẩn trọng trong giải ngân tín dụng.

Tiền về nơi đâu?

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng giám đốc AFA Captial, cho biết, nền kinh tế trong nước đang có một cú sốc cầu, bao gồm sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng, chi đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ mới chỉ có tác động đến tiêu dùng của người dân, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, không thể tác động tới chi tiêu của Chính phủ, tức đầu tư công và xuất khẩu ròng - những yếu tố tối quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt 14,66% kế hoạch (110.603 tỷ đồng). Xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bới sự suy thoái của các nền kinh tế lớn.

“Giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến dòng tiền bị ách nghẽn trong hệ thống ngân hàng và Kho bạc Nhà nước, chưa thể chảy vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng”, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Bằng chứng là, số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2023 của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cho thấy, Kho bạc Nhà nước gửi hơn 200.000 tỷ đồng tại các nhà băng này, hầu như không có sự thay đổi so với thời điểm cuối năm 2022, có nghĩa, dòng tiền vẫn chưa có sự dịch chuyển đáng kể vào nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng trái phiếu Chính phủ gọi thầu là 172.500 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng ký năm ngoái, trong khi giá trị trúng thầu đạt 139.683 tỷ đồng, tăng 204% so với cùng kỳ. Mức tăng 3 con số này cũng là minh chứng cho việc dòng tiền đang quay trở lại Kho bạc Nhà nước.

“Để tiền chảy vào nền kinh tế, ngoài chính sách tiền tệ cần phải có sự đồng bộ từ chính sách tài khóa, đó là đẩy mạnh đầu tư công. Chúng ta chỉ còn nửa cuối năm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để phá vỡ được vòng lặp của dòng tiền”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.