Làm gì để phát triển đối tượng tham gia BHXH?
Nhằm thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Trong đó, có việc nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng hình ảnh đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện
BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức, người tham gia được tự nguyện lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, cho đến nay, tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, tổ, khu phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng lương; nông dân, lao động tự tạo việc làm gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình…
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có 610.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng đang quản lý thu BHXH được 327.000 doanh nghiệp. Tính đến nay vẫn còn tới 283.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH cho người lao động.
Đánh giá về thực hiện chính sách BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đã có sự đổi mới. Đặc biệt, sự phối hợp với chính quyền các địa phương, các đại lý BHXH và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của người dân, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chính sách này.
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tích cực chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam thanh tra đối với 179 doanh nghiệp tại 46 huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố... Với sự chủ động, tích cực này, đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 6,3% và số đơn vị tham gia tăng 12,55% so với năm 2017.
Năm 2018, toàn ngành BHXH đã phát triển được 270.779 người tham gia BHXH tự nguyện (bằng 1,21 lần của cả giai đoạn 10 năm từ 2008 đến 2017); nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay lên trên 495.000 người; chi trả chế độ cho trên 2,5 triệu đối tượng với tổng số tiền gần 202.000 tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách nhà nước chiếm 22,86% và chi từ Quỹ BHXH chiếm trên 77%.
Tuy nhiên, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn vướng mắc, nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách. Số nợ BHXH bắt buộc đã giảm đáng kể, song vẫn còn hơn 5.300 tỷ đồng phải tính lãi (nợ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đến 67%). Hiện nay, có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần (tăng 19,31% so với năm 2017 và bằng 77,82% số đối tượng tham gia BHXH tăng thêm năm 2018).
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2019, cả nước có khoảng 14,85 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; BHXH tự nguyện khoảng 453 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp khoảng 14,732 triệu người; BHTN khoảng 13 triệu người; BHYT khoảng 85,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số.
Làm gì để tăng số người tham gia BHXH?
Nhằm thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia. Trong đó, có việc nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng hình ảnh đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Đặc biệt, từ việc giám sát đôn đốc tình hình hoạt động của các đại lý thu BHXH, BHYT, phát hiện vẫn còn một số đại lý thu hoạt động hiệu quả thấp, chưa chuyên nghiệp như chậm trễ trong việc nộp hồ sơ và tiền thu của người tham gia; việc ứng dụng công nghệ thông của các đại lý thu (xã, phường) chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu giảm thời gian nộp hồ sơ và tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT từ đại lý về cơ quan BHXH để kịp thời cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3046/BHXH-BT ngày 20/8/2019 về việc thực hiện thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng qua nhà trường và đại lý thu.
Theo đó, trước 16h00 hàng ngày, tất cả các đại lý thu nộp thủ tục của người tham gia BHXH, BHYT bằng hình thức giao dịch điện tử và tiền đóng BHXH, BHYT trong ngày cho cơ quan Bưu điện trên địa bàn. Cơ quan Bưu điện có trách nhiệm cập nhật nội dung của người tham gia BHXH, BHYT vào phần mềm quản lý thu, nộp toàn bộ hồ sơ của người tham gia BHXH, BHYT và tiền đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH cấp sổ BHXH, thẻ BHYT chuyển cơ quan Bưu điện. Trong 3 ngày kể từ ngày nhận sổ BHXH, thẻ BHYT từ cơ quan BHXH, cơ quan Bưu điện có trách nhiệm trả tận tay cho người tham gia BHXH, BHYT.
Đại diện BHXH Việt Nam cho hay, quy trình này sẽ giảm đáng kể thời gian cho các đại lý thu trong việc nộp hồ sơ và tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng cho cơ quan BHXH; đảm bảo việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách.
Cùng với các giải pháp trên, BHXH Việt Nam sẽ quyết liệt chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường kiểm soát việc giải quyết các chế độ BHXH, BHTN, chi phí khám chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT…