Làm gì để ứng phó với 'bão' phòng vệ thương mại?
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại ở thị trường Mỹ, rõ ràng để giữ vững vị thế xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động đối phó. Cùng với đó, việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường được kỳ vọng kỳ vọng giúp hàng Việt có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Đối với vấn đề phòng vệ thương mại, ngoài các cuộc điều tra truyền thống thì trong vòng 3 năm trở lại đây Mỹ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ.
55/231 vụ điều tra ở thị trường Mỹ
Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), cùng đà tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ, tần suất phòng vệ thương mại với hàng XK của Việt Nam cũng gia tăng. Mỹ là thị trường dành cho Việt Nam nhiều biện pháp thương mại nhất, với 24% trong tổng số vụ việc, tức khoảng 55/231 vụ việc.
Các mặt hàng đối diện phòng vệ thương mại đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch XK lớn như đồ gỗ, thuỷ sản, pin mặt trời…, tới mặt hàng có tỷ trọng XK nhỏ như mật ong, túi dệt.
Thực tế, trong thời gian gần đây, một số mặt hàng XK đã bị Mỹ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Ngày 25/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có con tôm Việt Nam.
Do con tôm Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 nên trong lần này bị điều tra chống trợ cấp. Phía nguyên đơn cáo buộc rằng, sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt 520 triệu USD, giảm 23%. Việc Mỹ xem xét áp thuế với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và các nước sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.
Cùng với đó, Mỹ vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu của Việt Nam. Phía nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty của Việt Nam. Ngoài 14 công ty này, còn có các công ty khác cũng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Mỹ.
Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 41,84% (biên độ phá giá cáo buộc cho 15 nước/vùng lãnh thổ trong khoảng từ 25,89 - 376,85%) và thấp hơn so với mức cáo buộc đối với 03 nước xuất khẩu cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), do Mỹ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (Indonesia nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam).
Trước đó, Bộ Công Thương cũng thông tin, 18 mặt hàng XK sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; tủ bếp và tủ nhà tắm; ghế sofa có khung gỗ; đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; xe đạp điện; vỏ bình ga; ghim đóng thùng; gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục; pin năng lượng mặt trời; thép carbon chống ăn mòn; ống thép hộp và ống thép tròn; cáp thép dự ứng lực; máy giặt dân dụng cỡ lớn; thép hình cán nóng; dây và cáp nhôm; nhôm thanh định hình; mặt bích bằng thép không gỉ.
"Đây là mặt hàng có rủi ro bị Mỹ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh. Các DN XK sang Mỹ cần lưu ý tránh sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo nguồn gốc", Bộ Công Thương cho biết.
Cần chủ động ứng phó
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Luật IDVN, đánh giá DN xuất khẩu vào Mỹ gặp nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. 6 năm trước, Mỹ chủ yếu điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp; gần đây họ chuyển hướng sang điều tra chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, tần suất tăng đáng kể.
Nguyên nhân, bà Thảo chỉ ra là do hàng hóa Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh lớn với hàng hóa tương tự của thị trường Mỹ, lượng xuất khẩu của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ gia tăng, trong khi quốc gia bị Mỹ áp thuế lại sụt giảm dẫn đến họ nghi giả mạo xuất xứ…
“Một số mặt hàng như tủ gỗ đang chịu cuộc điều tra liên quan tới chống lẩn tránh, sử dụng bán thành phẩm từ Trung Quốc. Nếu biện pháp chống lẩn tránh không có nhiều hiệu quả thì phía nguyên đơn Mỹ sẽ tính đến đề nghị điều tra chống bán phá giá; hay đá nhân tạo cũng là sản phẩm có nguy cơ cao”, bà Thảo chỉ ra.
Để ứng phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, bà Thảo cho rằng, DN Việt phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc. Ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường thì cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó. DN cũng phải thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin về thị trường.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Mỹ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, nguồn gốc xuất xứ…
Các cơ quan chức năng của Việt Nam, và các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bởi điều này sẽ giúp hàng Việt có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn tới các DN. Đơn cử, khi tính toán biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ 3 được coi là có kinh tế thị trường để tính toán chi phí sản xuất của các DN Việt Nam thay vì dùng dữ liệu do các đơn vị này cung cấp (ví dụ như vụ việc điều tra chống bán phá giá của sản phẩm nhôm ở phía trên). Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh thực trạng sản xuất của các DN Việt Nam.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh: Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến các DN Việt Nam, góp tiếng nói mạnh mẽ để Việt Nam sớm được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây là cơ sở rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Mỹ phát triển hiệu quả, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.