Làm gì khi lừa đảo trên mạng tăng mức độ hoành hành?


Lừa đảo trên mạng vẫn phức tạp và nguy hiểm hơn khi có xu hướng dịch chuyển "bắt kịp" những nhu cầu cao trong cộng đồng.hướng dịch chuyển "bắt kịp" những nhu cầu cao trong cộng đồng.

Tội phạm mạng có thể được ngăn chặn nhờ sự cảnh giác cao của người dân. (Ảnh minh hoạ).
Tội phạm mạng có thể được ngăn chặn nhờ sự cảnh giác cao của người dân. (Ảnh minh hoạ).

Đang mải lướt web tìm những tin tức cảnh báo về các vụ lừa đảo trên mạng, điện thoại bỗng reo. Nhìn kỹ số đúng dạng những đầu số trong diện cảnh báo, nhưng rồi thử chạm tay loa ngoài. Một giọng nữ trong veo vang lên: “Em chào anh. Em ở tổng đài XYZ, xin thông báo để anh vui lòng cập nhật thông tin cá nhân theo hướng dẫn…”.

Bán tín bán nghi vì trong số máy có 3 số đuôi đúng đầu số cổ điển nhà mạng song vẫn thử "liều" đáp lời em gái: “Nếu không cập nhật thì sao?”. Liền được bảo cho biết là nếu không cập nhật, 2 tiếng nữa thuê bao “sẽ bị khoá 2 chiều” (!)

Lừa đảo mang tính “cổ điển” 4 mùa trong năm vẫn thường diễn ra như gọi chuyển tiền để “chạy” án(?), cập nhật thông tin (như câu chuyện dẫn ở trên), cài đặt ứng dụng, ứng tiền phí để nhận bưu kiện, góp vốn bán thẻ cào lãi suất "khủng"…. Thế nhưng lừa đảo trên mạng đang có xu hướng dịch chuyển cả theo những thời điểm trong năm khi nhu cầu của cộng đồng lên cao như du lịch (lừa đảo tour, đặt vé, combo giá hời) và mới nhất là đón đầu nghỉ hè của học sinh với các khoá tu, khoá trại hè quân sự cũng bằng việc mời gọi ứng tiền để rồi… mất hút.

Bỗng nhiên thấy câu hỏi “Sống sao trong thời đại số” sao mà lại rắc rối, phức tạp đến thế!

Khi không có hoặc ít có các tin tức về các vụ lừa đảo trên mạng xuất hiện trên báo chí, điều đó không hề có nghĩa là loại tội phạm này đã lắng xuống. Hoàn toàn ngược lại.

Cũng giống như khoảng lặng giữa các trận chiến bao giờ cũng là những khoảng lặng chết người báo hiệu những trận đánh kế tiếp bùng nổ hơn, ác liệt hơn. Khi tin tức liên quan đến các vụ lừa đảo không xuất hiện trên báo chí, đó chính là lúc những kẻ tội phạm mạng với việc nắm rõ, nắm chắc thông tin của khách hàng mạng không kém gì phụ trách tổ dân phố của bạn đang nghiền ngẫm cho các chiêu thức lừa mới tinh vi hơn, táo tợn hơn.

Các cơ quan chức năng hiện điểm mặt đến 24 hành vi lừa đảo trên mạng nhưng chắc chắc con số này sẽ không còn dừng lại khi mà nhu cầu giao dịch trực tuyến của doanh nghiệp, của người dân vẫn tăng với tốc độ hai thậm chí là ba con số. Không gian mạng ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm mạng phát tác.

Tội phạm mạng có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, song lời khuyên thiết thực nhất với người dùng mạng là đã cảnh giác, cảnh giác hơn nữa, đã tỉnh táo cần tỉnh táo hơn nữa. Và có thể còn cần đến cả một chút bản lĩnh, đủ độ thông minh!

Bản thân các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật đã nhiều lần khẳng định, trong tương tác, làm việc với công dân bên cạnh những ứng dụng số tạo thuận lợi cho người dân đã không ít lần khẳng định, khi cần làm việc với công dân đều có thông báo bằng văn bản hoặc trực tiếp gửi giấy mời tới các cơ quan chức năng sở tại của công dân; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Ở đây, điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào bởi việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại

Việt Nam đã có Luật An ninh mạng cùng hàng loạt các nghị định, thông tư hướng dẫn. Chúng ta cũng đã có các cơ quan chuyên trách đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng. Luật An ninh mạng đã xác định rõ trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân; kể cả các đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị; cá nhân sử dụng không gian mạng.

Nền tảng pháp lý đã có, điều quan trọng hiện tại là mỗi người dân cần nâng cao ý thức; cảnh giác cẩn trọng trước những đề nghị yêu cầu trên mạng; đừng sợ hãi hay lơ là, hoặc giả quá hám lợi, hám rẻ, hám nhanh mà tạo điều kiện tiếp tay cho tội phạm mạng dễ bề hoành hành, làm chủ trận địa mạng, không gian mạng.

Theo Báo Công Thương