Nhức nhối thực trạng “đội lốt” doanh nghiệp lừa đảo tuyển dụng

Yến Tâm

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông cảnh báo, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều nạn nhân “sập bẫy” tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”. Chiêu trò mạo danh thương hiệu lớn để lừa đảo không chỉ người xin việc “tiền mất, tật mang” cũng khiến nhiều doanh nghiệp than trời vì uy tín bị ảnh hưởng.

Những ứng dụng được tạo ra để phục vụ cho mục đích lừa đảo.
Những ứng dụng được tạo ra để phục vụ cho mục đích lừa đảo.

Khi nạn nhân lạc lối trong mê cung lừa đảo tuyển dụng

Các đối tượng lừa đảo thu hút “con mồi” bằng việc đưa ra những cách kiếm tiền dễ dàng như bán hàng đa cấp, thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng, đánh giá năng lực... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này rải tin tuyển dụng khắp các trang mạng với đủ mọi ngành nghề, copy bản tin tuyển dụng của các công ty, thương hiệu nổi tiếng và đưa các mức lương hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên đăng ký. Đối tượng được nhắm đến thường là những sinh viên mới ra trường, người làm nội trợ vì ít kinh nghiệm xã hội, có nhu cầu tìm việc đơn giản.

Chị Thu Phương (22 tuổi, Quảng Ninh) có nhu cầu tìm việc làm tại Hà Nội. Sau khi lên mạng, thấy được tin tuyển dụng đính logo của một công ty viễn thông có tiếng, chị Phương đăng ký và liền được “chuyên viên nhân sự” đưa vào một nhóm trên Telegram với rất nhiều nạn nhân khác, để đưa ra các nhiệm vụ thử thách, mà tất cả đều phải nạp tiền mới có thể hoàn thành.

Tuy nhiên, vì lí do không đủ tiền nạp nên chị Phương “may mắn” bị loại khỏi cuộc đua phỏng vấn với lời nhắn “Do không hoàn thành nhiệm vụ, mời bạn ra khỏi nhóm, tài khoản của bạn không thể thực hiện lệnh rút tiền. Hồ sơ sẽ bị hủy". Như vậy, nạn nhân mất tiền nhưng vẫn lâm vào cảnh… thất nghiệp. Còn nếu tiếp tục kiên trì thì sẽ là những khoản tiền lớn hơn bị mất và đương nhiên nạn nhân không bao giờ có công việc thực sự.

Sau khi hình thức lừa đảo qua Telegram, Zalo trở nên phổ biến và được người lao động nâng cao cảnh giác, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng tạo ra những phương thức tinh vi và bài bản hơn: tạo ra ứng dụng (app) di động giả mạo của doanh nghiệp uy tín, mời các nạn nhân tải về để trao đổi thông tin, thực hiện nhiệm vụ trên ứng dụng.

Việc nâng cấp kênh liên lạc từ những ứng dụng cộng đồng (Zalo, Telegram, Whatsapp..) sang một ứng dụng rất “chính chủ” phần nào khiến các đối tượng lấy được niềm tin của các ứng viên, sau đó là lừa đảo hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng của các nạn nhân.

Doanh nghiệp khốn khổ vì … “oan Thị Kính”!

Không chỉ người lao động, mà các doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân của bẫy lừa đảo tinh vi đã đề cập ở trên. Việc bị mạo danh cho những mục đích xấu khiến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng và dẫn tới nhiều hệ lụy không đáng có.

Nhiều nạn nhân sau khi nhận ra bị lừa, biết không thể đòi lại tiền từ những kẻ lừa đảo liền đến “ăn vạ” doanh nghiệp bị mạo danh, bắt họ phải… chịu trách nhiệm khi không kiểm soát được tình trạng “bị lợi dụng thương hiệu”.

Là một trong những doanh nghiệp có uy tín lâu năm trong lĩnh vực Marketing Online, Công ty TNHH Truyền thông VietMoz sở hữu lượng tài sản số có giá trị, gồm các website, fanpage có lượng truy cập lớn. Gần đây, Công ty “ngỡ ngàng” khi thấy một app “trên trời rơi xuống” mang tên của họ, được mời chào cho những ai đang tìm việc. Với thương hiệu VietMoz uy tín lâu năm, app “VietMoz” giả mạo nhanh chóng thu hút nhiều “ứng viên” (nạn nhân) tải về.

Ông Lê Nam - Đại diện VietMoz bày tỏ, biện pháp duy nhất mà họ có thể làm là đăng tải thông tin cảnh báo lừa đảo trên 2 kênh truyền thông chính thức của VietMoz, là fanpage và website của công ty.

“Chúng tôi khẳng định không liên quan đến bất kỳ hệ thống trả thưởng nào tương tự như những gì đã được mô tả trước đó và cũng không phát triển hoặc liên quan đến bất kỳ ứng dụng nào mang tên “VietMoz” trên thị trường. Chúng tôi không yêu cầu khách hàng nạp tiền hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào để ứng tuyển công việc, hay thực hiện bất cứ hoạt động tuyển dụng nào trên các app di động”, ông Lê Nam cho biết.

Là quản lý của một công ty dịch vụ, anh Nguyễn Trung Kiên cũng thường xuyên bị kẻ xấu mượn danh để lừa đảo nhưng với những chiêu trò khác. Trong năm 2023, anh đã có nhiều lần lên tiếng về thực trạng này. Trên trang cá nhân, anh Kiên thường xuyên đăng tải những cảnh báo về hàng loạt hành vi bất chính này.

“Những trang giả mạo này được các đối tượng lập ra để tiếp cận những người đang tìm việc làm hoặc tìm kiếm hỗ trợ trong công việc. Chúng đã lợi dụng uy tín của công ty chúng tôi và lòng tin của khách hàng để thực hiện các hành vi trục lợi với số tiền lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng”, anh Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.

Các đối tượng lừa đảo không ngần ngại sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác để lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo không ngần ngại sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác để lừa đảo.

Lối thoát nào trước "mê cung" lừa đảo tuyển dụng?

Với sự tinh vi và tỉ mỉ trong từng bước dẫn dụ nạn nhân lọt bẫy, sự kì công khi tạo nên những hội nhóm, ứng dụng… chỉ để phục vụ cho mục đích lừa đảo của các đối tượng xấu; cộng thêm tâm lý nôn nóng không muốn bỏ lỡ “việc nhẹ, lương cao” đã khiến nhiều người bị chiếm đoạt tài sản.

Để tránh bị sập bẫy tuyển dụng, người lao động cần liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hãy đảm bảo luôn luôn kiểm tra và xác minh nguồn gốc của cuộc gọi hoặc tin nhắn trước khi chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch tài chính.

“Việc tuyển dụng của những doanh nghiệp uy tín thường không phát sinh vấn đề chi phí nên người lao động cần hết sức cảnh giác trước bất kỳ yêu cầu thực hiện giao dịch tài chính nào, cho bất kỳ hệ thống nào mà không được xác minh và chứng thực trước”, ông Lê Nam - đại diện VietMoz - chia sẻ thêm.