Lạm phát có còn đe doạ?

Nguyễn Đình Bích (Theo SGTT)

Có thể loại trừ khả năng lạm phát tăng tốc trở lại trong năm nay, thậm chí có thể là cả năm 2010 sắp tới, cho nên cần tăng tốc và tăng cả quy mô kích cầu để hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới

Có nhiều căn cứ để cho rằng, lo ngại lạm phát trở lại có phần thái quá.

– Thứ nhất, bài học có thể rút ra qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực vừa qua chính là, những tác động bất lợi đối với nền kinh tế nước ta xuất hiện rất chậm, nhưng lại kéo rất dài, cho nên nếu kịch bản này lặp lại, lạm phát sớm tăng cao trở lại vào cuối năm nay, thậm chí vào năm 2010 là điều không thể.

Cụ thể, tại “ổ dịch” khủng hoảng kinh tế khu vực là Thái Lan cách đây hơn một thập kỷ, tốc độ tăng GDP của quốc gia này đã từ 5,9% năm 1996 rơi tự do xuống mức -1,4% ngay trong năm 1997 và năm 1998 tiếp tục rơi tự do xuống -10,5%, còn năm 1999 đã lấy lại được tốc độ tăng 4,4% và năm 2000 tăng 4,8%. Hoặc Philippines cũng rơi vào tình trạng tương tự với các tốc độ tăng lần lượt là 5,8%; 5,2%; -0,6%; 3,4% và 6,0%.

Trong khi đó, tuy cũng giảm tốc trong hai năm 1997 – 1998, nhưng phải đến năm 1999 nền kinh tế nước ta mới chạm đáy chỉ với 4,77%, bởi tốc độ tăng này ba năm trước đó lần lượt là 9,34%; 8,15%; 5,76%, cho nên phải đến năm 2000 mới phục hồi với tốc độ tăng 6,79%.

Trong “cuộc bể dâu” đó, có một thực tế trái khoáy là, ngay cả khi nền kinh tế nước ta đã hồi phục, thì giảm phát lại xuất hiện.

Cho dù với nhịp độ rất khác nhau, nhưng giá tiêu dùng bình quân hàng năm của Thái Lan trong suốt sáu năm 1996 – 2001 vẫn tăng, còn của Philippines thì tăng cao đều đặn hơn nhiều, nhưng tốc độ tăng lạm phát của Việt Nam lại rơi xuống mức “âm” vào hai năm cuối khi nền kinh tế đã tăng tốc.

Cụ thể, trong sáu năm đó, giá tiêu dùng của Thái Lan năm 1999 tăng thấp nhất cũng là 0,3%, năm 1998 tăng cao nhất tới 8,1% (tăng bình quân 3,83%/năm), còn cặp số liệu này của Philippines là 4,0% năm 2000 và 9,1% năm 1996 (tăng bình quân 6,96%/năm). Trong khi đó, sau bốn năm đầu tăng tương đối cao (3,1 – 7,9%), giá tiêu dùng của Việt Nam năm 2000 giảm 1,6% và năm 2001 tiếp tục giảm 0,4%, cho nên bình quân chỉ tăng 3,06%/năm.

Chính vì bị “lệch pha” vậy, cho nên khi cùng quy về một thước đo chung là hệ số giữa tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng giá tiêu dùng, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, không những tốc độ tăng lạm phát của nước ta trong bốn năm 1996 – 1999 là không cao so với hai quốc gia láng giềng này, cho nên hiện tượng giảm phát liên tục trong hai năm 2000 – 2001 của nước ta lại là điều không bình thường.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, thực tiễn cho thấy, tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực đến giá cả trong nước của nước ta không những mạnh hơn, mà còn kéo dài hơn so với các nước khác.

– Thứ hai, với một nền kinh tế có độ mở tăng rất mạnh như nước ta, thay vì bị “gia nhiệt” ngày càng mạnh trong năm năm vừa qua, thị trường trong nước đương nhiên sẽ phải “hạ nhiệt” rất mạnh trong năm 2009 và có nhiều khả năng quá trình này sẽ còn tiếp tục chí ít là trong năm 2010 sắp tới.

Trước hết, nếu như tỷ trọng của kim ngạch nhập khẩu so với GDP của nước ta cách đây 10 năm chỉ mới là 41,31% và nếu tính cả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thì là 75,03%, thì cặp số liệu tương ứng năm 2008 vừa qua đã ước đạt 90,55%, và 161,39%. Trong khi đó, tỷ trọng giữa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP của Philippines năm 2007 chỉ mới là 81,38%, trong đó riêng nhập khẩu là 43,50%, còn cặp số liệu tương ứng của Thái Lan cũng chỉ là 133,93% và 64,16%.

Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế quá chênh lệch như vậy, nếu như sốt nóng giá cả thế giới trong năm năm vừa qua đương nhiên làm gia nhiệt thị trường trong nước của nước ta mạnh hơn hẳn so với của hai quốc gia láng giềng nói trên, thì sốt lạnh giá cả thế giới trong năm nay tất yếu cũng phải làm hạ nhiệt thị trường trong nước của nước ta mạnh hơn hẳn. Bởi lẽ, nếu như giá nguyên liệu thế giới trong năm năm vừa qua đã lần lượt tăng 24,00%; 24,22%; 20,70%; 11,85% và 27,63%, thì theo dự báo gần đây nhất sẽ giảm 28,3% trong năm nay, tức là mặt bằng giá cả thế giới trong năm nay sẽ trở lại mức của những tháng cuối năm 2007.

Những dự báo gần đây còn cho thấy giá của nhóm hàng nguyên liệu phi dầu mỏ trong năm 2010 sắp tới sẽ tiếp tục giảm 4,3%, còn giá dầu mỏ cũng chỉ tăng nhẹ 1,8%, tức là mặt bằng giá cả nguyên liệu thế giới nói chung trong năm 2010 sẽ còn tiếp tục hạ thấp hơn nữa.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, nếu như kịch bản của hơn 10 năm trước được lặp lại, thì nỗi lo về lạm phát do chi phí đẩy đối với nền kinh tế nước ta bắt nguồn từ thị trường thế giới sẽ được loại trừ không chỉ trong năm nay, mà cả trong năm 2010, thậm chí còn cả trong năm 2011.

– Thứ ba, cho dù không muốn, nhưng lạm phát do cầu kéo của cả thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới chí ít là trong năm nay cũng sẽ được giải toả.

Trước hết, trái ngược với tám năm 2000 – 2007, cho dù nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra, nhưng đây cũng sẽ vẫn là năm thứ hai nền kinh tế nước ta tụt dốc và điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư bị chậm lại, cho nên sức mua của thị trường trong nước cũng sẽ tăng chậm lại và điều này cũng đồng nghĩa với tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm 2009 này chắc chắn sẽ tụt dốc mạnh.

Bên cạnh đó, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cho dù sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra, nhưng tốc độ tăng xuất khẩu 13% trong năm nay cũng là mức tăng thấp kỷ lục trong vòng bảy năm trở lại đây, cho nên yếu tố lạm phát do cầu kéo của thị trường thế giới cũng suy giảm rất mạnh.

 

Lạm phát có còn đe doạ? - Ảnh 1
 
Lạm phát có còn đe doạ? - Ảnh 2