Làm rõ quy định về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn và chứng khoán của doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có hướng dẫn cụ thể về xác định thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp.

Xác định rõ thời điểm và thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Theo dự thảo, thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập mà doanh nghiệp thu được khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đầu tư vào tổ chức, cá nhân khác. Bao gồm cả các trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền góp vốn hoặc cổ phần không thuộc công ty đại chúng.
Thời điểm xác định thu nhập là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn. Trường hợp doanh nghiệp bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ... được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá mua phần vốn cộng với chi phí chuyển nhượng có chứng từ hợp lệ.
Giá chuyển nhượng là giá thực tế mà bên chuyển nhượng nhận được theo hợp đồng. Trường hợp giá hợp đồng không phù hợp với giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra, ấn định lại giá để đảm bảo tính đúng, tính đủ. Việc thanh toán các hợp đồng có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên phải được thực hiện qua phương thức không dùng tiền mặt, nếu không sẽ bị ấn định giá chuyển nhượng.
Giá mua của phần vốn được xác định tùy theo nguồn gốc vốn: Nếu là vốn góp thành lập doanh nghiệp, căn cứ theo sổ sách, chứng từ kế toán hoặc kiểm toán; nếu là vốn mua lại thì căn cứ vào hợp đồng và chứng từ thanh toán. Doanh nghiệp hạch toán ngoại tệ sẽ xác định giá mua và chuyển nhượng theo đồng ngoại tệ, còn doanh nghiệp hạch toán bằng đồng Việt Nam phải quy đổi theo quy định.
Chi phí chuyển nhượng bao gồm các khoản chi hợp pháp phục vụ cho việc thực hiện chuyển nhượng, từ chi phí pháp lý, lệ phí đến phí đàm phán, giao dịch, kể cả phát sinh ở nước ngoài nếu có đủ chứng từ xác nhận hợp lệ.
Khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn được xác định là thu nhập khác, doanh nghiệp phải kê khai vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hướng dẫn cụ thể với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán
Dự thảo cũng hướng dẫn chi tiết về hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được hiểu là khoản thu từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác của công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà thực hiện hoán đổi cổ phiếu tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ... được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán bằng giá bán trừ đi giá mua và chi phí chuyển nhượng hợp pháp.
Giá bán được xác định theo giá khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn giao dịch đối với chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch. Với chứng khoán không giao dịch trên sàn, giá bán là giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng.
Giá mua cũng được xác định theo các nguồn tương tự, bao gồm giá thực tế khi mua trên sàn, giá trúng đấu giá hoặc giá ghi trên hợp đồng. Các chi phí liên quan như phí lưu ký, phí giao dịch, chi phí pháp lý... đều được trừ khi xác định thu nhập tính thuế nếu có đủ chứng từ hợp pháp.
Khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán cũng được xác định là thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế TNDN.
Với những hướng dẫn chi tiết, Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính giúp đảm bảo công bằng trong xác định nghĩa vụ thuế từ các hoạt động đầu tư vốn, chứng khoán – những lĩnh vực đang ngày càng sôi động trong nền kinh tế. Các quy định cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế một cách minh bạch và đúng luật.