Làm sao để số liệu kinh tế không nói dối?
(Tài chính) Trong thời đại của ba chữ T (Thông tin - Trí tuệ - Thương hiệu), thông tin số liệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với Việt Nam hiện nay, để có được một hệ thống thông tin số liệu đầy đủ và tin cậy đang thật sự là thách thức không dễ vượt qua. Trên một diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã thẳng thắn cảnh báo: Chất lượng thông tin của chúng ta hiện rất đáng báo động và là vấn đề lớn của đất nước!
Nhiễu loạn thông tin số liệu kinh tế
Trên thị trường tài chính gần đây, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang gây sửng sốt với các cổ đông về sự chênh lệch của các con số trước và sau khi kiểm toán. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng báo cáo tài chính tự lập của các doanh nghiệp này. Sau kiểm toán, khoản lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo gây bất ngờ khi tăng vọt 90% so với báo cáo công ty tự lập trước đó, từ 47,5 tỷ đồng lên 90,3 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam giảm lỗ hơn 500 tỷ đồng; Công ty Quốc Cường Gia Lai dù bị hủy niêm yết trong năm 2013 do liên tục thua lỗ cũng đột ngột tăng lãi ròng gấp đôi…
Lý giải về số lãi chênh lệch tăng theo kiểm toán, mỗi doanh nghiệp có một cách nói khác nhau. Khoản lãi bất ngờ của Công ty Tân Tạo được giải trình là tính lại phần lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Tương tự, khoản lãi chênh lệch thu nhập tăng thêm của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam cũng có nguyên nhân liên quan đến thuế. Với Quốc Cường Gia Lai, lợi nhuận ròng đột biến là do hạch toán lại một số khoản gộp… Rõ ràng, các doanh nghiệp luôn có những lý do khó bắt bẻ nên các con số trước và sau kiểm toán đều có thể lên xuống một cách dễ dàng. Trong khi đó, cổ đông hay nhà đầu tư lại không đủ căn cứ để quy lỗi cho doanh nghiệp bởi báo cáo chưa qua kiểm toán thì không thể được xem là số liệu sau cùng.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, đa phần các doanh nghiệp ban đầu giấu bớt lãi để rồi sau đó công bố lãi tăng là đều đã có kế hoạch công bố phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn. Bên cạnh đó, việc hoãn ghi nhận lợi nhuận, giảm lãi cũng giúp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống.
Không riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả các tập đoàn lớn cũng không tránh được sự bất nhất trong công bố số liệu. Chỉ trong vòng ít ngày, con số lợi nhuận kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam liên tục thay đổi. Trước kỳ đại hội cổ đông dự kiến tổ chức vào ngày 24/5, Petrolimex đã công bố báo cáo tài chính chính thức thay cho báo cáo công bố ngay sau khi kết thúc năm 2013. Điều đáng lưu ý là các khoản lợi nhuận, nhất là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu, tăng mạnh so với báo cáo trước đó. Cụ thể, tổng lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex đã đạt 2.021 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với con số công bố hồi tháng 1/2014 là 1.929 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đã đạt trên 1.300 tỷ đồng so với mức công bố khi hết năm 2013 là 768 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết đúng là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vừa được công bố có chênh lệch “đáng kể” so với số đã công bố đầu năm 2014, song, chênh lệch này là bình thường vì báo cáo trước được thực hiện cuối tháng 12/2013 để công bố đầu tháng 1/2014 nên nhiều công ty con chỉ có thể cập nhật khoản thu đến ngày 20/12/2013, trong khi khối lượng sản xuất kinh doanh của Petrolimex rất lớn.
Nhìn rộng hơn trên cả nền kinh tế, rất dễ nhận thấy một thực tế là nhiều địa phương, cơ quan cũng như doanh nghiệp của Việt Nam thường có hai xu hướng: khi sính thành tích thì đẩy số liệu lên cao, khi cần xin hỗ trợ lại kéo giảm xuống. Căn bệnh này dường như đã trở thành mãn tính và gây hệ lụy tới hàng loạt vấn đề liên quan mà trước hết là sự nhiễu loạn thông tin số liệu.
Để đánh giá nền kinh tế, hai hệ thống số liệu quan trọng nhất là số liệu từ cơ sở và số liệu của doanh nghiệp. Nếu số liệu của hai nguồn này không chính xác thì mọi đánh giá trên cơ sở này cũng không thể chính xác. Như vậy, lỗi ở đây không thể chỉ quy về các nhà thống kê vì phép cộng của họ không sai mà sai từ những con số được gửi về.
Con số biến hóa vì cơ chế hay lòng người ?
Dưới cái nhìn của một chuyên gia xây dựng chế độ kế toán kiểm toán, PGS., TS. Đặng Thái Hùng – Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán – kiểm toán của Bộ Tài chính nhận định: Sự nhiễu loạn số liệu bắt nguồn từ hai yếu tố: Thứ nhất là do chuyên môn nghiệp vụ, thứ hai là do con người. Về chuyên môn nghiệp vụ, trong hai mươi năm gần đây Việt Nam đã từng bước đổi mới các quy định để gắn với thông lệ quốc tế và phù hợp hơn với thực tiễn quản lý nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện. Điều cần phải nhấn mạnh hơn chính là lòng người, từ người tạo ra số liệu đến người muốn số liệu đấy phù hợp với lợi ích của mình là cả một cuộc biến hóa vô cùng phức tạp.
Ông Lê Doãn Hợp phân tích: Sự không trung thực của số liệu có thể do người đứng đầu chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm theo ý muốn của mình, có thể do chính các cơ quan tham mưu muốn vừa lòng cấp trên, có thể do sự lạc hậu của những thước đo mà không kịp thời đổi mới. Chẳng hạn, thước đo GDP từ tỉnh đến huyện như hiện nay là không ổn, vì vậy mới có chuyện các địa phương đều tăng trưởng trên 10% mà cả nước chỉ tăng 5 - 6%.
Ngoài ra, bản thân nhiều doanh nghiệp bây giờ cũng thường hình thành hai hệ thống số liệu, một số liệu dùng nội bộ để quản trị doanh nghiệp, một số liệu để đối phó các cơ quan quản lý nhà nước như tài chính, thuế,… nhiều khi làm quá lâu thành thói quen, lẫn lộn giữa cái giả và cái thật. Một lời nói dối ban đầu sẽ mở đường cho hàng loạt lời nói dối và không có điểm dừng, trở thành lừa đảo.
Trên quan điểm chia sẻ với các nhà kế toán, kiểm toán, PGS., TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp và đặc biệt là những nhà làm kế toán, kiểm toán bao giờ cũng có tâm nguyện phản ánh đúng thực trạng tài chính của đơn vị vì như vậy mới có thể quản trị được. Nếu làm ăn chân chính, doanh nghiệp cung cấp thông tin cho xã hội càng chính xác thì vị thế của họ, lòng tin của xã hội đối với họ càng tăng lên, từ đó sẽ tạo ra sự tồn tại, phát triển bền vững.
Theo ông Thanh, những thông tin sai lệch có thể do bắt buộc công bố theo quy định pháp lý của Nhà nước hoặc có thể là để quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp để được Nhà nước bù giá thì kê khai lỗ, nhưng để cổ phần hóa, để chứng minh rằng giá cổ phần của mình bán được và được xã hội chấp nhận thì lại cố gắng minh chứng là hoạt động kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, trong vấn đề thông tin chưa chuẩn xác cũng có những điểm thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt là thông tin số liệu của kế toán, kiểm toán. Thực tế cho thấy, cơ chế tài chính hiện nay của Việt Nam cũng đang có những vấn đề chưa hợp lý và rõ ràng. Chẳng hạn, một buổi đi họp phải ký nhận tiền thành 2 bản, một lần đi chấm thi giáo viên giỏi phải ký đến 5 lần vì định mức của Nhà nước không đủ để chi. Một khi chứng từ đã “chế biến” từ gốc thì dù kiểm soát cũng không thể triệt để và minh bạch.
Là người trải qua nhiều vị trí lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương, ông Lê Doãn Hợp bày tỏ: Cơ chế tài chính của chúng ta có những quy định muốn làm đúng cũng rất khó làm và không làm được bao nhiêu, đó là “một cơ chế dọa người non gan nhưng rất dễ bẫy người tích cực”. Trong những định mức không đủ chi, nhiều khi không phải do kế toán làm sai mà phải hợp pháp hóa tiền chi. Nếu kiểm toán thì trường hợp này rõ ràng là sai nhưng cũng có những điều cần được thông cảm.
Để những con số không biết nói dối…
Trước tình trạng nhiễu loạn số liệu, gây hoang mang cho các nhà đầu tư và những nhận định sai lệch đối với toàn bộ nền kinh tế, ông Lê Doãn Hợp nêu ý kiến: Thà kết thúc bằng một nỗi đau dữ dội còn hơn là kéo dài nỗi đau âm ỉ mà không biết khi nào kết thúc. Cần phải thay đổi ngay những cơ chế khiến cho các nhà kế toán phải chế biến, phù phép con số. Chẳng hạn, thực hiện phổ biến hình thức khoán cũng là một cơ chế hợp lý, tạo sự linh hoạt chủ động cho đơn vị. Đối với doanh nghiệp, không nên có quá nhiều cơ quan quản lý chủ quản và chi phối như hiện nay, cách tốt nhất là quản lý doanh nghiệp chỉ bằng Luật Doanh nghiệp.
Ông Đặng Thái Hùng bổ sung bằng một quan điểm cẩn trọng hơn: Đúng là phải có sự thay đổi, phải có sự cải cách, tuy nhiên sự mong đợi về một vấn đề rất ngắn là “thông tin tin cậy” lại đòi hỏi cả một quá trình. Đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay, chưa thể có được thông tin tin cậy ngay lúc này mà phải có quá trình, từng bước sửa đổi.
Các nhà quản lý kế toán kiểm toán cho biết, thực tế những năm vừa qua, Nhà nước cũng đã từng bước triển khai một số biện pháp để đạt được các thông tin tin cậy hơn. Ví dụ như cải cách hệ thống kế toán, kiểm toán…Ngoài các công cụ pháp luật chuẩn mực chuyên môn còn có những chuẩn mực về chế tài, quy định xử phạt vi phạm hành chính như cảnh cáo, phạt tiền. Riêng về mảng kế toán, kiểm toán đã có Nghị định số 105/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là bước chấn chỉnh lại chế tài xử lý.
Mặc dù vậy, một số quan điểm vẫn cho rằng, chế tài xử phạt cần phải mạnh hơn, không chỉ phạt hành chính mà còn là phạt hình sự đối với những hành vi gian dối, cố tình làm trái sự thật. Hiện nay, trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, chúng ta chưa xử phạt được nhiều, những vụ việc tham nhũng liên quan đến kế toán thường phát hiện bởi những kênh điều tra khác.
Đối với hệ thống pháp luật kế toán, kiểm toán, cần sửa đổi theo hướng các định mức, các cơ chế quản lý và cơ chế thu chi đơn giản hơn, sát thực tế hơn để giúp những người kế toán, kiểm toán tiếp cận với hệ thống này một cách thuận lợi, chuẩn mực.
Cuối cùng, một vấn đề hết sức quan trọng nữa là đạo đức phẩm chất của những người làm nghề tạo ra con số. Cơ chế dù hoàn hảo nhưng nếu con người không tự giác chấp hành thì cũng không thể kiểm soát và xây dựng được hệ thống số liệu như mong muốn. Cần phải đưa việc giảng dạy về đạo đức ngay trong quá trình đào tạo tài chính, kế toán. Hiện nay, góc độ này chưa được chú trọng. Dù Bộ Tài chính đã có những chuẩn mực về đạo đức kế toán, kiểm toán nhưng để cho những người hành nghề ý thức được từ lúc sơ khai thì phải có những bước đào tạo căn bản ngay từ trong nhà trường.
Nhiều người vẫn ví von, kế toán là nghệ thuật tạo ra con số, và con số nào cũng biết nói, cũng biết kể một câu chuyện theo ý đồ của người tạo ra nó. Con số biết kể chuyện một cách trung thực chỉ có thể sinh ra từ những người thực thi giỏi chuyên môn, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, những người quản lý kiểm duyệt sắc sảo, vững vàng, bên cạnh đó là một cơ chế chính sách hợp lý để người tạo ra con số sẽ không thể, không dám và không cần phải nhào nặn nên một hệ thống số liệu nói dối.
Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 5 - 2014