Ngành Tài chính:

Làm tốt công tác xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách chế độ

PV.

(Taichinh) - Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong tháng 5, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt kết quả đáng kể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xác định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm tạm giữ lại của các đơn vị sử dụng ngân sách, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2015 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

- Đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 về kế hoạch triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định cụ thể nội dung, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm đảm bảo triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất, đồng bộ và toàn diện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đã ban hành quy định hướng dẫn về việc nộp thuế điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ T - VAN (đơn vị truyền - nhận dữ liệu trung gian) và quy định về xử lý sự cố liên quan đến hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong quá trình nộp thuế điện tử (Quyết định số 912/QĐ-BTC ngày 18/5/2015).

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách tại các doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tổ chức triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề về: rượu, khoáng sản, hoàn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp FDI, hàng tạm nhập tái xuất quá thời hạn làm thủ tục hải quan…

- Tăng cường công tác quản lý giá cả thị trường; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá của các hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu (xăng, dầu, điện, than, sữa....); trong đó:

+ Đối với giá xăng dầu: Để việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/5/2015 không làm tăng lớn giá bán lẻ các mặt hàng này, Bộ Tài chính đã chủ động điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (giảm từ 7-15% tùy mặt hàng); đồng thời, căn cứ thực tế diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm thế giới, đã phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh kịp thời, đúng thời gian quy định giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trong nước (lần 1 vào ngày 5/5/2015 và lần 2 vào ngày 20/5/2015, riêng các mặt hàng dầu bắt đầu tăng từ ngày 21/5) và điều chỉnh tăng mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ giá bán, trong đó: xăng khoáng các loại tăng 446 đồng/lít; xăng E5 tăng 281đồng/lít; dầu điêzen các loại tăng 188 đồng/lít; dầu hỏa giảm 217 đồng/lít; dầu mazut các loại giảm 80 đồng/kg.

Trong quá trình điều hành, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

+ Đối với giá sữa dành cho trẻ em 6 tuổi: Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015 (số 33/NQ-CP ngày 30/4/2015), Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 857/QĐ-BTC ngày 12/5/2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014) về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và văn bản số 6230/BTC-QLG ngày 14/5/2015 hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; trong đó quy định thời hạn áp dụng bình ổn giá sữa được thực hiện từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016; đồng thời, yêu cầu các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sữa tiếp tục thực hiện theo mức giá tối đa đã được cơ quan quản lý giá xác định và công bố.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường này hoạt động và phát triển, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển vững chắc của thị trường chứng khoán nói chung, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa thị trường chứng khoản Việt Nam với thế giới.

Ngành Tài chính đang nố lực, triển khai tích cực, đồng bộ các đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Trong 5 tháng đầu năm, thuộc thẩm quyền của mình, Bộ Tài Chính đã ký ban hành 83 Thông tư, thông tư liên tịch, 1014 Quyết định, 7.154 công văn gửi các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân. Riêng trong tháng 5 Bộ đã ký ban hành 21 Thông tư, 224 Quyết định, 1.490 công văn gửi các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân.

Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành một số Đề án Chính phủ giao còn chậm, Ngành Tài chính đang chỉ đạo các đơn vị chủ động, tích cực triển khai để đảm bảo thực hiện đúng chương trình công tác 6 tháng đầu năm đã đề ra.