Lãnh đạo ngân hàng nói gì về hướng đầu tư, kinh doanh ưu tiên trong năm 2024?
Tại mùa đại hội cổ đông năm 2024, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, các ngân hàng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản. Thay vào đó các ngân hàng hướng đến cho vay ở nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, năng lượng tái tạo…
Ngân hàng thận trọng hơn khi rót vốn vào bất động sản
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, trả lời câu hỏi liên quan đến việc cho vay bất động sản, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) cho biết: “Tổng dư nợ của Sacombank khoảng 500.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay bất động sản khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20%. Trong đó, phần lớn là cho vay bất động sản cá nhân, còn lại cho vay bất động sản dự án chỉ có 9.000 tỷ đồng”.
Cũng theo bà Diễm, cho vay bất động sản dự án chỉ 9.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng dư nợ. Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng không đầu tư. Còn trong các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo Sacombank cũng khẳng định các khoản vay đều có tài sản thế chấp và thực hiện đúng theo quy định.
Chia sẻ về khỏa nợ liên quan đến Bamboo Airways, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết: “Dư nợ của Bamboo Airways tại ngân hàng tới 25/4 còn lại 3.583 tỷ đồng và nằm nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Trước đây, khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và tài sản của Tập đoàn FLC. Nhưng sau khi nhóm cổ đông mới vào Bamboo, Ngân hàng đã thuyết phục họ đưa thêm tài sản đảm bảo bằng bất động sản”.
Cũng theo bà Diễm thì hiện dư nợ của Bamboo Airways được đảm bảo bằng 100% bất động sản mới, cộng thêm bất động sản cũ và các cổ phiếu trước đây đã thế chấp.
Tại đại hội, cổ đông đặt thêm nhiều câu hỏi về một số khoản nợ của Công ty cổ phần LDG sau khi lãnh đạo bị bắt, lãnh đạo Sacombank cho biết thêm: “Với LDG, đơn vị này có dư nợ tính tới ngày 24/4/2024 tại Sacombank là 690 tỷ đồng và là nợ nhóm 1, đã trích lập dự phòng theo đúng quy định. Các tài sản đảm bảo cho khoản vay của LDG là bất động sản có giá trị rất cao”.
Cũng chia sẻ về việc dư nợ cho vay tín dụng bất động sản, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển cho biết: “SHB cho vay đa dạng ở nhiều mảng, các khoản vay bất động sản, dịch vụ lưu trú cũng là một trong những mảng ngân hàng cấp tín dụng. Khi xem xét cho vay, SHB luôn dựa trên cơ sở phương án khả thi, quản lý được nguồn thu, có tài sản bảo đảm, kiểm soát sau vay đảm bảo an toàn cho ngân hàng”.
Cũng theo ông Đỗ Quang Hiển, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của SHB là 16% và SHB tự tin có tỷ lệ trái phiếu rất thấp, các khoản này đều đúng mục đích và có tài sản đảm bảo.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khẳng định: “Ngân hàng không cho vay đầu tư dự án bất động sản mà chỉ cho vay cá nhân vay tiền mua nhà - đất, do đó nợ xấu cũng thấp hơn nhiều mức thị trường chung, chỉ dưới 1%. Riêng trái phiếu doanh nghiệp, ACB không đầu tư vào mảng này và thời gian tới cũng không có ý định đầu tư", ông Huy nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về tình hình cho vay mua bất động sản, Tổng Giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cũng cho hay: “Ngân hàng không tập trung vào cho vay các nhà phát triển bất động sản, hiện dư nợ mảng này dưới 2% và không có nợ xấu. Cho vay mua nhà ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ của ACB và nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%".
Chuyển dịch tín dụng sang lĩnh vực khác
Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết: “SHB đặt mục tiêu tăng thu từ dịch vụ và khách hàng cá nhân, đẩy mạnh tài trợ các chuỗi cung ứng, sản xuất, cùng các hệ sinh thái doanh nghiệp... Đồng thời, đưa những công nghệ chuyển đổi số mới để cạnh tranh, tạo sự khác biệt”.
SHB đảm bảo được hoạt động kinh doanh và ưu tiên lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích, như các khách hàng có chuỗi cung ứng xanh nhằm tăng thu dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các khách hàng. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn hoạt động, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, phương án khả thi, tỷ lệ cho vay đảm bảo.
Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cũng thông tin thêm, năm nay, SHB sẽ tập trung phát triển về mở rộng khách hàng cả mảng cá nhân và doanh nghiệp, mảng ngân hàng số... Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ chi phí đầu vào, cơ cấu lại nguồn vốn, tính toán lãi suất đầu vào hiệu quả…
Chia sẻ về dòng chảy tín dụng trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho biết, Ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực xanh như nông nghiệp, năng lượng tái tạo và các ngành ưu tiên sản xuất; trong khi kiểm soát tiềm ẩn cho vay về chứng khoán, cũng như không cho vay, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoại trừ thế mạnh về doanh nghiệp vừa và nhỏ thì Sacombank còn muốn hướng đến các doanh nghiệp lớn và đầu tư công để phát triển thị trường miền Bắc. Với khách hàng cá nhân, Ngân hàng hướng tới người có nguồn thu nhập trung lưu và cao.
Tại ACB, Chủ tịch Trần Huy Hùng chia sẻ: “Thị phần của ACB trong mảng bán lẻ khá cao, bắt đầu chững lại. Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng tập trung mảng này. Do đó, ACB củng cố vị thế trong phân khúc khách hàng cá nhân. Song song đó, các khách hàng DN vừa vừa nhỏ của ACB đang ngày càng lớn lên và ACB cũng theo sự phát triển của họ. Khách hàng doanh nghiệp lớn có nhiều lợi thế cạnh tranh, không chỉ ở lãi suất mà các sản phẩm, dịch vụ khác”.
Tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, ông Jens Lottner- Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã: TCB) đã có những chia sẻ thêm về kế hoạch chuyển dịch sang kênh bán lẻ của Techcombank.
Khi được hỏi về việc bán lẻ hay bán buôn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, ông Lottner cho biết Ngân hàng có chiến lược đa dạng hóa khỏi tín dụng bán buôn (corporate) và mở rộng danh mục cho vay sang lĩnh vực bán lẻ (Retail & SME).
Ngược lại, “Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ chuyển dịch từ nhóm bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng (ReCOM) sang những lĩnh vực khác, Tổng Giám đốc Techcombank tiết lộ.