Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong thực hiện chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Linh Nguyễn

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Công văn số 3782/BKHCN-TĐC về việc góp ý dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xin ý kiến các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.
Hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.

Theo dự thảo, quan điểm của Đề án là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đảm bảo thống nhất, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng số để kết nối giữa trung ương và địa phương; trong nước và quốc tế; tạo sự thay đổi lớn của công chức, viên chức, người lao động với người dân và doanh nghiệp về cách thức tổ chức, cách thức phục vụ và thay đổi phương thức làm việc phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Về tác động của Đề án, dự thảo nêu rõ, với nhóm một, đối với công chức, viên chức và người lao động sẽ được tổ chức, làm việc dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. Nói cách khác, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là những công dân số trong hệ sinh thái Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Với nhóm hai, đối với người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ.

Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp và đang là xu thế toàn cầu. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ quy trình, hệ thống quản lý từ thế giới thực sang thế giới số, bằng cách áp dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật... Từ đó, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.

Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ.

Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, các quyết định này đều xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.

Có thể thấy, các giải pháp, biện pháp để thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chuyển đổi số tại Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo đúng tinh thần chỉ đạo về hoạt động Chuyển đổi số của Lãnh đạo Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và của Chính phủ…

Đặc biệt, đã xây dựng các văn bản trình Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 20/8/2022 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Ngay sau khi có Thông báo của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và Tờ trình để xin ý kiến các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan.