Lean - 6 Sigma mang lại lợi ích cho mọi doanh nghiệp áp dụng

Cẩm An

Lean - 6 Sigma là phương pháp quản lý tập trung vào nhóm nhằm cải thiện hiệu suất bằng cách loại bỏ lãng phí và khiếm khuyết, đem lại lợi ích cho mọi doanh nghiệp áp dụng.

Lean - 6 Sigma giúp giảm lãng phí nguồn lực vật chất, thời gian, công sức và tài năng, đồng thời đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất và tổ chức.
Lean - 6 Sigma giúp giảm lãng phí nguồn lực vật chất, thời gian, công sức và tài năng, đồng thời đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất và tổ chức.

Lean là hệ thống các công cụ và phương pháp nhằm liên tục loại bỏ tất cả lãng phí trong quá trình sản xuất. Mục đích là giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng và rút ngắn thời gian sản xuất.

Six Sigma là tiêu chuẩn đo lường, quản lý hiệu suất, chất lượng trong một quy trình sản xuất, bằng cách tìm ra nguyên nhân của lỗi và xử lý chung ở giai đoạn đầu, tăng độ chính xác của quy trình.

Như vậy, sự kết hợp giữa Lean - 6 Sigma được nhìn nhận là một phương pháp quản lý tập trung vào nhóm nhằm cải thiện hiệu suất bằng cách loại bỏ lãng phí và khiếm khuyết. Nó kết hợp các phương pháp và công cụ 6 Sigma và triết lý sản xuất tinh gọn, doanh nghiệp tinh gọn.

Lean - 6 Sigma giúp giảm lãng phí nguồn lực vật chất, thời gian, công sức, đồng thời đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất, tổ chức.

Theo nguyên lý của Lean - 6 Sigma, bất kỳ việc sử dụng tài nguyên nào không tạo ra giá trị cho khách hàng cuối cùng đều bị coi là lãng phí và cần được loại bỏ. Đây là một trong các công cụ hữu hiệu hiện nay giúp xác định và giảm thiểu các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng (Non Value-Added) được nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới ứng dụng như Toyota, Motorola, GE…

Một số người nhận định Lean - 6 Sigma chỉ để dành cho Tập đoàn lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia năng suất, chất lượng khẳng định, Lean - 6 Sigma mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp áp dụng.

Hoạt động của doanh nghiệp có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào việc phân chia công việc giữa các bộ phận trong doanh nghiệp nhằm chia sẻ dữ liệu, thông tin và sử dụng cũng như hiểu được chúng một cách hiệu quả.

Bước đầu tiên khi muốn áp dụng phương pháp Lean và công cụ 6 Sigma nhằm nâng cao năng suất, chất lượng là xác định quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động của một doanh nghiệp bao gồm yếu tố con người, quy trình sản xuất và các công nghệ cần thiết cũng như những nguồn tài nguyên, thông tin liên quan, các thủ tục cần thiết trong toàn doanh nghiệp.

Đánh giá quy trình sản xuất theo sơ đồ sẽ giúp các chuyên gia kinh doanh tiếp cận, giám sát và xác định các dự án cải tiến quy trình hoạt động. Sau đó, các nhà quản lý dự án có thể đưa ra những vấn đề cần ưu tiên và lập kế hoạch hoạt động theo quy trình mới để khắc phục những vấn đề đang tồn tại.

Bằng cách giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, không đạt yêu cầu và loại bỏ các quy trình rườm ra không cần thiết, doanh nghiệp có thể nâng cao năng suất một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi thường xuyên các báo cáo để phân tích dữ liệu tài chính và nắm được mức độ hài lòng của khách hàng.

Những nhà lãnh đạo tài năng là người ý thức được tầm quan trọng của việc phổ biến dữ liệu, thông tin toàn diện đến các nhà quản lý dự án để họ có thể phát triển các kế hoạch cải tiến quy trình sản xuất, phân bổ nguồn lực, hoàn thành các nhiệm vụ, quản lý ngân sách và xác định liệu dự án đáp ứng các mục tiêu của doanh nghiệp hay không, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chí chung cho quá trình chuẩn hóa các dự án để đảm bảo rằng các nhà quản lý đánh giá hoạt động của doanh nghiệp một cách nhất quán, có hệ thống và áp dụng những thay đổi một cách thích hợp…