Liên kết để tăng giá trị sản xuất

Theo Kim Ngân/Báo Đắk Nông

Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều hộ dân tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao, bảo đảm đầu ra ổn định.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cải thảo ở Quảng Sơn (Đắk Glong) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Kim Ngân
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cải thảo ở Quảng Sơn (Đắk Glong) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Kim Ngân

Đầu tháng 6/2022, gia đình anh Hoàng Văn Thịnh, thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân (Krông Nô), liên kết với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Thuận Nông (TP. Hồ Chí Minh) trồng 2 ha cà tím. Đến nay, diện tích cà tím đã cho thu hoạch, được Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình anh Thịnh canh tác dưa leo, nhưng do chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh. Trong lúc loay hoay tìm thị trường đầu ra cho dưa leo, anh Thịnh biết đến mô hình liên kết trồng cà tím xuất khẩu tại Tuy Đức, Đắk Mil…

Nhận thấy các hộ liên kết trồng cà tím có thu nhập cao, giá cả và đầu ra khá ổn định, anh Thịnh đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Thuận Nông ký kết hợp đồng, hợp tác sản xuất 2 ha cà tím.

Quá trình liên kết, gia đình anh Thịnh được Công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà tím. Đặc biệt, anh được Công ty bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg.

Các khoản chi phí đầu tư như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do Công ty hỗ trợ sẽ được trừ dần khi xuất bán sản phẩm. Sau gần 2 tháng trồng, vườn cà tím của anh bắt đầu cho thu hoạch, với số lượng 2 ngày/1 đợt, mỗi đợt có sản lượng 3 tấn.

Mặc dù đã ký hợp đồng với giá thu mua là 5.000 đồng/kg, nhưng do giá cà tím xuất khẩu sang Nhật Bản đang ở mức cao, nên Công ty đã thu mua sản phẩm của anh với giá 6.000 đồng/kg.

Anh Thịnh cho biết: “Công ty thực hiện hợp đồng bao tiêu nghiêm túc, với giá mua ổn định, giúp gia đình tôi yên tâm trong đầu tư, sản xuất cà tím”.

Tương  tự, tại xã Quảng Sơn, vụ hè thu này, hơn 36 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số đã liên kết với Công ty TNHH CJ Foods trồng 18 ha cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện đơn vị liên kết đã tiến hành thu mua cải thảo của bà con với sản lượng 5 tấn/ngày. Bà con bán sản phẩm cho đối tác với giá bán 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi nông hộ có lợi nhuận hơn 61 triệu đồng/ha/vụ cải thảo.

Liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đang ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đang giúp các hộ nông dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng mối liên kết trong chuỗi sản xuất là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trong đó, những mô hình tiêu biểu, hiệu quả sẽ được Trung tâm phổ biến, nhân rộng cho nông dân áp dụng.

Ðắk Nông hiện có 64 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuộc 8 ngành hàng nông sản, với 9.563 hộ gia đình tham gia. Các sản phẩm nông nghiệp liên kết thường có giá bán cao hơn giá thị trường từ 15-20%.