Long An:
Liên kết sản xuất nâng cao chất lượng nông sản
Để tìm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản. Tỉnh Long An vừa tổ chức hội thảo trao đổi giữa doanh nghiệp (DN) với các cơ quan chức năng về việc tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Long An, trong những năm qua, ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá, nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất như cây thanh long, chanh, rau ăn lá, lúa, các giống vật nuôi như bò ngoại, lợn ngoại.... Nhiều loại nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu với số lượng lớn như: Lúa 2,8 triệu tấn/năm; rau, đậu các loại 180.000 tấn/năm; hoa quả 158.000 tấn/năm (trong đó, thanh long 78.000 tấn/năm; chanh 75.000 tấn/năm…); sản lượng thịt hơi các loại 72.000 tấn/năm; trứng gia cầm 160 triệu quả/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành nông nghiệp của Long An còn có những tồn tại, hạn chế như: Phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ…
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An, các hàng hóa nông sản của tỉnh được tiêu thụ qua nhiều kênh, tuy nhiên, kênh chủ yếu vẫn là thông qua hoạt động của hệ thống thương lái, chiếm trên 87% lượng nông sản của tỉnh. Theo kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản của tỉnh từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ không ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn luôn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc Phòng Kinh doanh thực phẩm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op, DN phân phối và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, cho rằng, muốn phát triển bền vững, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, Long An cần hướng tới việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp cần phải sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGap, GlobalGap...