Triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

Linh hoạt chính sách bảo hiểm xã hội

Theo Quốc Túy/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH), cho rằng việc quy định thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu 20 năm như hiện nay là quá dài. Do đó, Bộ LĐ, TB - XH sẽ đề xuất điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm. Việc giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu được các chuyên gia lao động nhận định không chỉ thu hút được người tham gia mà còn tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) có lương hưu.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí tháng 12/2017. Nguồn: Internet
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí tháng 12/2017. Nguồn: Internet
Chính sách linh hoạt...

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ, TB - XH Phạm Trường Giang, hiện tại mới đang tính toán các tác động chi tiết liên quan đến định hướng này, chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, trên tinh thần là phải giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhằm tạo ra chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH - ông Giang nói.

Chỉ đạo tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quy định 20 năm đóng BHXH trở lên mới được hưởng lương hưu là cứng nhắc. Do đó cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa và giảm thời gian đóng BHXH, thu hút người tham gia.

Phó Thủ tướng dẫn chứng số liệu của ngành lao động cho thấy mỗi năm có thêm 700.000 người đóng BHXH nhưng có tới 600.000 người cũng rời khỏi hệ thống để nhận BHXH một lần. Như vậy, sự gia tăng nguồn quỹ hưu trí hàng năm gần như không đáng kể. Do đó, phải tính toán hấp dẫn hơn để NLĐ không hưởng BHXH một lần - Phó Thủ tướng gợi ý.

Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam Đinh Thu Hiền cho rằng, điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm là có cơ sở. Thực tế, qua nghiên cứu và thăm dò ý kiến của các viện, tổ chức, có nhiều ý kiến cho rằng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu 20 năm là quá dài.

Theo bà Hiền nếu đóng BHXH trong thời gian ngắn sẽ hưởng mức lương thấp hơn nhưng nếu thời gian là 10 năm thì họ sẽ hào hứng hơn. Ngoài ra, nếu rút ngắn thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, những người khi 40 - 50 tuổi mới đóng BHXH thì vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, về bản chất của BHXH, mục tiêu phải là bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, do đó hưu trí luôn là vấn đề được quan tâm nhất. Nếu có chính sách rút ngắn thời gian tham gia BHXH còn 15 năm hoặc 10 năm thay vì 20 năm như hiện nay sẽ tốt và có lợi hơn cho người tham gia BHXH.

Bảo đảm công bằng tỷ lệ đóng - hưởng

Theo Viện trưởng Viện Chính sách công - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Đặng Thanh Long, bất cập dẫn đến nguy cơ mất cân đối giữa tỉ lệ đóng và hưởng, không nước nào áp dụng mức đóng BHXH khoảng 22% nhưng lại hưởng đến 75% như Việt Nam.

Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng việc giảm thời gian đóng BHXH sẽ giúp nhiều lao động được hưởng lương hưu hơn so với hiện nay. Việc băn khoăn về tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi thời gian đóng ngắn hơn, đây là thực tế theo nguyên tắc đóng - hưởng. Muốn thay đổi thì cần phải sửa đồng bộ các chính sách.

Theo các chuyên gia phân tích, muốn có lương hưu cao, ngoài việc triển khai nhiều chính sách đồng bộ khác thì một yếu tố rất quan trọng là phải thay đổi mức tiền đóng vào quỹ BHXH. Muốn hưởng lương hưu cao thì chỉ có cách là phải đóng BHXH hằng tháng cao.

Việc giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu không nhằm mục đích ngăn chặn người tham gia BHXH xin hưởng chế độ BHXH một lần. Chính sách này chỉ nhằm khắc phục những bất cập hiện nay của chính sách BHXH để tạo điều kiện tốt hơn cho người tham gia, có nhiều sự chọn lựa hơn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia cao cấp về BHXH của Ngân hàng Thế giới, nếu điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu sớm hơn so với quy định hiện hành sẽ phải thiết kế công thức tính lương hưu tương ứng theo hướng giảm tỷ lệ hưởng.

Đơn cử, hiện nay lao động nữ đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu với tỷ lệ 45% thì nếu đóng 10 năm BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ phải ít hơn. Còn nếu giảm số năm đóng BHXH xuống mà tỷ lệ hưởng vẫn giữ ở mức 45% như hiện nay thì công thức tính lương hưu đó không bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng .