Loại bỏ giấy phép con
50 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua. Như vậy, cam kết của Chính phủ không để khoảng trống pháp lý sau ngày 1/7 đã được thực hiện. Và các Nghị định hiện đang được triển khai trong thực tiễn cuộc sống.
Trước khi các nghị định này được ban hành, không phải không có những lo ngại về việc nhiều bộ, ngành ồ ạt chạy theo tiến độ, nâng cấp từ thông tư lên nghị định sẽ ảnh hưởng tới chất lượng các nghị định. Những lo ngại này là có cơ sở và đến bây giờ, khi nghị định đã được ban hành, lo ngại về chất lượng nghị định vẫn còn ám ảnh.
Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngần ngại lấy dẫn chứng về nghị định quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy:
“Với những quy định trong nghị định này, doanh nghiệp (DN) sẽ phải mất rất nhiều thời gian và chi phí hoàn thành hồ sơ cần thiết xin cấp phép kinh doanh mũ bảo hiểm. Tôi có thể hình dung DN sẽ phải vất vả, ngược xuôi để có được những giấy tờ đáp ứng điều kiện kinh doanh, nào là xác nhận về cơ sở vật chất kỹ thuật, từ nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất đến trang thiết bị kiểm tra chất lượng…
Chưa kể việc quy định rõ trang thiết bị của dây chuyền sản xuất phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để sản xuất mũ bảo hiểm… gồm thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp hấp thụ xung động (mút xốp); thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết); hoặc thiết bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu của các thiết bị... là đi ngược với xu thế phát triển sản xuất theo chuỗi trên thế giới hiện nay, chưa khuyến khích DN đầu tư sản xuất theo hướng chuyên môn hóa từng công đoạn trong sản xuất mũ bảo hiểm”.
Không lo ngại sao được khi nhiều bộ, ngành vẫn thích tư duy tiền kiểm hơn hậu kiểm, vẫn chưa thật sự đứng về phía DN loại bỏ hoàn toàn những điều kiện kinh doanh đang cản trở, trói buộc DN.
Vị lãnh đạo CIEM nhấn mạnh: “Tình trạng mũ bảo hiểm giả, nhái tràn ngập trên thị trường là thực tế. Nhưng chúng ta không thể vì những công cụ quản lý của nhà nước (như quản lý thị trường, quản lý tiêu chuẩn chất lượng…) sử dụng chưa hiệu quả mà đặt thêm những công cụ quản lý khác. Không vì quản lý nhà nước yếu kém mà đẻ thêm điều kiện kinh doanh cho DN”.
Các nghị định về điều kiện kinh doanh đã được ban hành. Song như vậy chưa phải là kết thúc. Việc tiếp tục rà soát những quy định không phù hợp thực tiễn, chồng chéo, không tương thích, trái với xu thế phát triển, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là cần thiết.
Những vướng mắc trong quá trình triển khai các nghị định này cần kịp thời giải quyết, sửa đổi cho phù hợp yêu cầu mới của phát triển.