Loạn "nợ xấu": Đâu đó các ngân hàng còn đang muốn che giấu!

Theo giaoduc.net.vn

(Tài chính) Nhận định về sự bất nhất số liệu nợ xấu, PGS., TS. Phạm Quý Thọ khẳng định: "...đâu đó các ngân hàng còn đang muốn che giấu".

Nợ xấu đang bị giấu? Nguồn: internet
Nợ xấu đang bị giấu? Nguồn: internet
Việc “tiền hậu bất nhất” số liệu nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trao đổi với phóng viên, PGS., TS. Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho rằng có bốn nguyên nhân gây ra tình trạng này:
 
Đang có sự chênh lệch lớn về con số nợ xấu do NHNN công bố
 
Thứ nhất, do không thống nhất về tiêu chí đánh giá nợ xấu giữa Việt Nam và thế giới, giữa các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương khác nhau dẫn đến con số nợ xấu khác nhau.
 
Thứ hai, con số báo cáo của các ngân hàng và đánh giá của NHNN là hai con số khác nhau, sự khác nhau này cho thấy các ngân hàng đang cố che dấu nợ xấu đi. Nếu anh mà khai nợ xấu cao lên thì anh phải tăng quỹ dự phòng từ đó làm giảm tài sản ngân hàng.

Thứ  ba, nếu khai đúng con số nợ xấu sẽ khiến uy tín, thương hiệu ngân hàng đó giảm đi, niềm tin của khách hàng với ngân hàng đó cũng giảm đi.
 
Thứ tư, vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng rất phức tạp, nếu khai con số nợ xấu lớn khi đó việc thanh tra kiểm tra được tiến hành sẽ lộ ra những chuyện làm ăn của ngân hàng, ví dụ như làm ăn với đại gia bất động sản, đầu tư vốn vào dự án…
 
“Tóm lại có nhiều lý do dẫn đến chênh lệch con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên phải khẳng định đâu đó các ngân hàng còn đang muốn che giấu nợ xấu”, PGS., TS. Phạm Quý Thọ nói.
 
“Nợ xấu đang có nhiều con số khác nhau. Vấn đề là con số nào là con số chính xác, lâu nay vẫn có một áp lực là mình giấu diếm quá lâu gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới. Nếu không khai nợ xấu ra, tình hình sẽ càng khó khăn, nợ xấu là ung nhọt này sẽ càng lớn càng nguy hiểm”, PGS., TS. Phạm Quý Thọ nhận định.
 
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Hiện nợ xấu Việt Nam có nhiều tổ chức khác nhau đánh giá, đồng thời con số khác nhau vì tùy theo cách tính, tiêu chí khác nhau từ đó đưa ra con số khác nhau. Cách tính nợ xấu của Việt Nam chưa theo thông lệ quốc tế, còn nếu dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, thì con số nợ xấu của Việt Nam sẽ cao hơn con số công bố hiện nay.
 
“Hy vọng sau khi Thông tư 02 được thực hiện, với tiêu chí đánh giá nợ xấu theo thông lệ quốc tế, con số nợ xấu sẽ chính xác cụ thể hơn, khi đó sự chênh lệch sẽ giảm đi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
 
Theo đanh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, phần lớn các ngân hàng Việt Nam sử dụng tiêu chí định lượng để tính nợ xấu, một số ngân hàng sử dụng tiêu chí định tính. Trong khi ở các nước, các ngân hàng sử dụng cả hai tiêu chí định lượng và định tính. Tiêu chí định tính mang tính chủ quan, một số tiêu chí định tính nếu áp dụng ở Việt Nam thì con số nợ xấu sẽ phình ra rất lớn. 
 
Ví dụ tiêu chí một doanh nghiệp chậm trễ trong báo cáo tài chính hàng quý, hàng tháng tức là doanh nghiệp đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng tín dụng. Chưa nói đến việc doanh nghiệp trả nợ muộn, trễ hay không đúng hẹn. Nội những quy định trong hợp đồng tín dụng mà doanh nghiệp thực hiện không đúng cũng đủ để ngân hàng hạ thấp điểm tín dụng của doanh nghiệp có thể ngay những tiêu chí như thế làm cho các món nợ có tín dụng thấp.
 
“Các tiêu chí đánh giá định tính được ngân hàng quốc tế đánh giá rất cao, còn chúng ta chủ yếu sử dụng định lượng, do đó nếu sử dụng song song các tính định lượng và định tính sẽ cho kết quả khách quan hơn”, TS. Hiếu nêu giải pháp.
 
Cũng qua điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, con số nợ xấu được NHNN công bố có sự chênh lệch sẽ khiến nhà đầu tư dè dặt khi không biết số liệu nào là chính xác, khi đó tự các nhà đầu tư tài chính phải có cách riêng để đánh giá và tiếp cận thị trường.