Logistics Việt Nam: Chưa tận dụng hết tiềm năng
Ngành logistics Việt Nam chưa thể tận dụng hết tiềm năng để chiếm lĩnh thị trường, chuyển mình bứt phá trong thời kỳ mới do cơ sở hạ tầng yếu, thiếu nhân lực có chuyên môn cao được đào tạo bài bản. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Hội nhập quốc tế: Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam” do Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Bremens, Trường Cao đẳng Logistics Osnabrueck CHLB Đức tổ chức ngày 14/12.
“Đánh thức” logistics bằng tiềm năng sẵn có
Để nền kinh tế có thể phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải tận dụng một cách hiệu quả các tiềm năng, nội lực sẵn có và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, vấn đề phát triển ngành logistics nhằm tăng sức cạnh tranh, cắt giảm tối ưu hóa chi phí hàng hóa ngày càng được Nhà nước các doanh nghiệp quan tâm.
Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế PGS.TS Tạ Văn Lợi nhận định: Logistics được coi là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng”, không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia, mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Đối với các nước đang phát triển, nguồn doanh thu từ logistics khoảng 15 - 20% GDP. Với các nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể hơn 30%.
Thực tế, Việt Nam đang có lợi thế sở hữu nhiều kho bãi để có thể đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics. Đặc biệt, các cảng biển đã được đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận những tàu có tải trọng hơn 100 nghìn tấn. Việt Nam cũng có khoảng 70 đường bay cùng hệ thống đường sắt liên vận quốc tế... là tiềm năng lớn để “đánh thức” dịch vụ logistics. Mặt khác, nước ta lại đang trong giai đoạn nhập siêu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, đó chính là cơ sở tốt cho doanh nghiệp logistics trong nước phát triển.
Đánh giá về thị trường logistics Việt Nam, GS. TS Đặng Đình Đào, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, cho rằng: Việt Nam đang là một “điểm nóng” về phát triển logistics do có nhiều tiềm năng và hấp dẫn. Thị trường logistics Việt Nam tăng trưởng khoảng 14 -16%/năm. Trong đó, quy mô thị trường logistics Việt đạt gần 43 tỷ USD, chiếm khoảng 0,5% thị trường logistics thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gần 7% năm 2018; chi phí cho logistics gần 21% GDP là cơ hội tốt để ngành logistics phát triển.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay hệ thống logistics vẫn yếu, nhỏ lẻ và chưa có sự liên kết. Cơ sở hạ tầng về mặt bằng, bến bãi, cảng biển bị chia cắt bằng nhiều dự án theo kiểu “phân lô, chia nền” hạ tầng về giao thông, thương mại… dẫn đến hiệu quả khai thác kém và chưa tạo được hành lang cho vận tải đa phương thức phát triển. Do đó, giá thành logistics vẫn cao, khả năng cạnh tranh kém. Ngoài ra, môi trường, chính sách đào tạo nguồn nhân lực về logistics còn hạn chế.
Về xu hướng ứng dụng công nghệ và số hoá để phát triển ngành logistics GS. TS Hans Dietrich Haiasis Trường Đại học Bremen (CHLB Đức) chia sẻ, việc số hóa cơ sở hạ tầng sẽ rút ngắn thời gian, tiến trình quản lý, truy xuất dữ liệu… đồng thời tạo ra tính linh hoạt, thích ứng cao và nhanh hơn, ít xảy ra các lỗi trong quá trình vận hành logistics. Điều này khiến hệ thống logistics vận hành an toàn, hiệu quả và tiết kiệm, tối ưu hoá được khả năng sử dụng, hoạt động của các cảng, bến bãi.
Cần đầu tư cho nhân lực
Để logistics Việt Nam có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đầu tư về cơ sở hạ tầng logistics, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực logistics.
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam hiện nay đang thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp không cao. Trong khi đó, việc đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều, phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ…
GS. TS Đặng Đình Đào cũng đưa ra nhận định: Ở Việt Nam có đến 54,7 % nhân lực logistics qua đào tạo nhưng chuyển từ các ngành khác sang. 80% số nhân lực này do các doanh nghiệp tự đào tạo. Mặt khác, hiểu biết thực sự về bản chất của lĩnh vực logistics tại một số địa phương còn nhiều hạn chế.
Chính sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và sự “lãng quên” trong việc đầu tư phát triển logistics ở một số nơi cùng với mối liên kết giữa các doanh nghiệp logistics trong nước còn yếu khiến ngành logistics của Việt Nam “chậm tiến”. Để cải thiện tình trạng trên, cần công nhận logistics là một nghề và có cơ chế chính sách đặc thù về phát triển nguồn nhân lực logistics. Thêm vào đó, tăng cường hợp tác với những tổ chức đào tạo nước ngoài tiến hành các dự án, khóa đào tạo logistics.
Đưa ra kinh nghiệm, giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics và khả năng vận dụng đối với Việt Nam, GS. TS Hoàng Đức Thân, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Việt Nam cần lấy chất lượng làm mục tiêu, người học làm trung tâm và phải đáp ứng được thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Cần chú trọng đào tạo những kiến thức về quản trị hệ thống logistics, quản trị kinh doanh… hiện đại nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, thích nghi được với sự phân công lao động quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0.