Lợi ích bất ngờ từ áp dụng chỉ số KRI cảnh báo sớm rủi ro

Hạ Băng

KRI là các chỉ số đo lường kết quả trọng yếu. KRI giúp đánh giá hiệu quả của các hoạt động, từ đó giúp tổ chức đưa ra các quyết định cần thiết để cải thiện hiệu suất.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động.
Hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động.

3 hướng áp dụng KRI

KRI (Key Result Indicator) có nghĩa là các chỉ số đo lường kết quả trọng yếu. Đây là một tập hợp các chỉ số quan trọng được sử dụng để đo lường và đánh giá kết quả đạt được trong một tổ chức, một dự án hoặc một chiến lược kinh doanh. 

KRI giúp đánh giá hiệu quả của các hoạt động, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định cần thiết để cải thiện hiệu suất. Ví dụ, một công ty sản xuất xe hơi có thể sử dụng KRI để đo lường hiệu suất của các dây chuyền sản xuất xe hơi.

Các chỉ số đo lường như tỷ lệ phế phẩm, tỷ lệ sản phẩm chất lượng cao, số lượng sản phẩm sản xuất trong một giờ hoặc một ngày… sẽ giúp công ty đánh giá hiệu quả hoạt động của các dây chuyền sản xuất và đưa ra các quyết định cần thiết để cải tiến.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động. Việc quản lý và kiểm soát rủi ro ở đây không chỉ đơn giản là việc nhận diện, theo dõi và đưa ra những giải pháp ứng phó khi rủi ro xảy ra, mà là khả năng cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để có những giải pháp phòng ngừa từ xa cho những rủi ro đó.

KRI được đánh giá là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong vấn đề này.

KRI thực chất là những tham số đo lường các rủi ro liên quan đến một quy trình hay hoạt động sản xuất, giúp cảnh báo sớm một cách có hiệu quả đối với các rủi ro và cho phép các nhà quản lý có thể chủ động trong việc theo dõi và đưa ra các giải pháp phòng ngừa sớm. Hệ thống các chỉ số của KRI được phát triển dựa trên nền tảng các chuẩn mực quản lý rủi ro trong COSO ERM-2004 và ISO 31000:2018.

Hiện nay, KRI thịnh hành tại các doanh nghiệp ở khu vực châu Âu, Mỹ và một số doanh nghiệp của Nhật Bản. Hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô lớn, nền tảng về công nghệ và hệ thống quản trị tốt.

Các doanh nghiệp trên thế giới đang ứng dụng KRI vào quản trị rủi ro thường tiếp cận và phát triển KRI theo 3 hướng chính.

Thứ nhất, xây dựng các chỉ số KRI và ngưỡng cảnh báo cho các rủi ro chính trong quá trình vận hành doanh nghiệp trên cơ sở thông tin thống kê, với dữ liệu thực tế từ các đầu mối rủi ro (theo hướng phân tích nguyên nhân - sự kiện có thể xảy ra - hậu quả - cách khắc phục).

Thứ hai, xây dựng và phát triển KRI trên cơ sở dự báo rủi ro bằng các mô hình dự đoán gắn với chiến lược và các nguyên tắc quản lý rủi ro của doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng và phát triển KRI một cách linh hoạt dựa trên những phân tích định tính nhằm hỗ trợ hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp ứng phó với các rủi ro mới nổi.

Những hướng tiếp cận, xây dựng và phát triển KRI này phụ thuộc vào tình hình thực tiễn, đặc điểm sản xuất kinh doanh, năng lực của bộ máy quản trị doanh nghiệp…

Thí điểm áp dụng cho doanh nghiệp Việt

Mặc dù được áp dụng khá phổ biến trên thế giới, song tại Việt Nam, việc hiểu biết và áp dụng KRI lại khá mới mẻ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

Áp dụng KRI, doanh nghiệp có khả năng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất tốt hơn. Ảnh: Internet
Áp dụng KRI, doanh nghiệp có khả năng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất tốt hơn. Ảnh: Internet

Vừa qua, việc áp dụng chỉ số KRI đã được triển khai thí điểm cho một số doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành ưu tiên (công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; điện tử viễn thông). Việc lựa chọn ngành ưu tiên này được căn cứ theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Kết quả áp dụng thí điểm cho thấy tính khả thi và khả năng cao trong việc áp dụng chỉ số KRI nhằm cảnh báo rủi ro trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp có khả năng nhận diện, phân tích các rủi ro trong sản xuất một cách bài bản, dựa trên một số phương pháp xác định hiệu quả.

Doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc kiểm soát và phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp có khả năng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất tốt hơn so với trước khi áp dụng thí điểm.

Đây đều là những kết quả quan trọng phản ánh hiệu quả của việc áp dụng chỉ số KRI đến việc cải thiện khả năng quản trị rủi ro, nhận biết các rủi ro để có những phương án cảnh báo từ xa, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất ổn định và phát triển của doanh nghiệp...