Lợi ích vô hình và hữu hình khi áp dụng Kaizen
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã triển khai áp dụng công cụ cải tiến Kaizen. Việc áp dụng Kaizen mang lại cả lợi ích hữu hình và vô hình.

Kaizen được nhắc đến trong những thuật ngữ kinh tế của người Nhật Bản, chính là từ ghép nối của hai từ là “kai” - liên tục và “zen” - cải tiến, dịch sang thuật ngữ tiếng Anh là “ongoing improvement” nghĩa là sự cải tiến không ngừng nghỉ.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng Kaizen vào doanh nghiệp mang lại cả lợi ích hữu hình và vô hình. Lợi ích hữu hình là tích lũy từng cải tiến nhỏ trong thời gian dài để tạo nên những kết quả to lớn đáng kể; giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất trong sản xuất và vận hành doanh nghiệp như giảm hàng tồn kho, hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thời gian chờ đợi và vận hành, trau dồi kỹ năng nhân viên...
Lợi ích vô hình là tạo động lực để các cá nhân trong doanh nghiệp đưa ra ý tưởng cải tiến hiệu quả; thúc đẩy tinh thần làm việc tập thể, tăng tính gắn kết nội bộ; xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp với thói quen tiết kiệm và hiệu quả trong từng chi tiết.
Theo các chuyên gia năng suất, chất lượng, doanh nghiệp có thể áp dụng Kaizen bất cứ khi nào, được thực hiện bởi mọi người, mọi nơi. Tuy nhiên, Kaizen đặc biệt hữu ích sau khi doanh nghiệp có một đổi mới nào đó không thành công, lúc này cần thoát ra khỏi chế độ "thất bại", quay trở lại những điều cơ bản.
Kaizen cũng hữu ích cả sau khi một đổi mới hoặc chuyển đổi nào đó thành công; lúc này để duy trì động lực và cải tiến hơn nữa và ngăn chặn sự trì trệ hoặc tự thỏa mãn.
Nhìn chung, Kaizen mở ra sự giao tiếp và cho phép một doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, thích nghi hơn với một thế giới đang thay đổi. Kaizen là một nền tảng cho sự thay đổi và cải tiến liên tục, thay đổi hướng tới một tương lai phát triển tốt đẹp hơn. Nó là một nền tảng để gắn kết, đưa doanh nghiệp vào tư thế phù hợp để "bơi" nhanh theo dòng thay đổi tự nhiên.
Hiện nay, ở Việt Nam việc áp dụng công cụ cải tiến Kaizen không còn quá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã triển khai áp dụng công cụ cải tiến Kaizen.
Năm 1995, Công ty Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một trong những công ty Việt Nam đầu tiên tiếp cận với phương thức quản trị hiện đại này.
Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long (Hà Nội) năm 2017 hợp tác với Viện Năng suất Việt Nam tổ chức các khóa học đào tạo về công cụ cải tiến Kaizen, 5S cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ của Công ty.
Trong ngành bếp và giặt là công nghiệp, Công ty cổ phần Hà Yến (Hà Nội) là đơn vị tiên phong trong việc triển khai áp dụng công cụ cải tiến 5S/Kaizen.
Trong ngành điện, điện tử, Công ty Cổ phần Hanel (Hà Nội) là một trong những đơn vị triển khai công cụ cải tiến Kaizen có hiệu quả...